Mâu thuẫn, xung đột là điều không tránh khỏi trong đời sống gia đình, vợ chồng. Tuy nhiên, chỉ những ai biết nhường nhịn, "lạt mềm buộc chặt" đúng nơi đúng chuyện thì mới là người thực sự có chân tình và sự thông cảm thấu hiểu nhau hơn sẽ làm nên hạnh phúc.
Vợ chồng tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau để xây dựng hạnh phúc bền lâu. Ảnh minh họa, chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát |
Mâu thuẫn, xung đột là điều không tránh khỏi trong đời sống gia đình, vợ chồng. Tuy nhiên, chỉ những ai biết nhường nhịn, “lạt mềm buộc chặt” đúng nơi đúng chuyện thì mới là người thực sự có chân tình và sự thông cảm thấu hiểu nhau hơn sẽ làm nên hạnh phúc.
Chị T.T. (37 tuổi) kể câu chuyện của mình rằng, trước đây khi mới kết hôn chị vốn bản tánh rất nóng nảy, thẳng tính và rất hơn thua với chồng, không bao giờ chịu nhường nhịn chồng trong từng lời nói.
Chồng chị tuy không nhiều lời đôi co lại chị nhưng khi cãi vã nhau cũng nói nhiều lời khiến chị không kiềm chế được tức giận. Họ lại thường xuyên mâu thuẫn vì nhiều bất đồng trong cuộc sống hàng ngày. Cứ thế cuộc sống vợ chồng mấy năm liền như rơi vào địa ngục, thường xuyên cãi vã không ai nhịn ai, hàng xóm họ hàng đều hay chuyện.
Theo quan điểm của chị T.T. thì chồng phải nhường chị, nếu không chị sẽ “chiến” tới cùng. Rồi chuyện gì tới cũng tới, dần dần chị cảm nhận chồng không còn hứng thú cãi vã nhiều với chị mà thay vào đó là anh thường xuyên ra ngoài với bạn bè sau giờ làm, có nhiều thay đổi khiến chị nghi ngờ anh có người phụ nữ khác. Cũng từ đây chị chợt nhận ra cái sai của mình, chị đã đẩy dần chồng ra khỏi nhà mà không biết. Cũng may qua một người bạn chị biết rằng chồng chán nản cuộc sống gia đình, anh thường ra ngoài tìm bạn bè chia sẻ, cũng có đồng nghiệp nữ sẵn sàng chia sẻ với anh nhưng vấn đề chưa đi quá xa.
Theo lời khuyên của mẹ ruột, chị T.T. bắt đầu thay đổi để vun đắp lại hạnh phúc gia đình vì 2 con nhỏ. Rồi chị học chữ “nhẫn” từ lời khuyên của mẹ, “xuống nước”, khéo léo ôn hòa tìm cách kéo chồng về nhà. Phải biết lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm với chồng. Tôn trọng, nhẫn nhịn chồng không hề là thua thiệt mà nó chính là chiến thắng để giành lấy tất cả tình yêu thương của chồng. Cuối cùng sau thời gian áp dụng, chị cũng đã thành công xây dựng lại hạnh phúc gia đình.
Trong tình bạn hay tình yêu cũng vậy, người nào chấp nhận chịu thiệt thòi, chiều chuộng, nhường nhịn, bao dung bạn không phải vì họ ngốc, vì thua thiệt người khác, mà chỉ là họ yêu thương, coi trọng, quan tâm bạn và không muốn làm sứt mẻ mối quan hệ tốt đẹp. Thật ra, nhường nhịn không phải là đầu hàng, là thất bại.
Nhường nhịn phải được hiểu là sự thông cảm, tha thứ cho nhau trong giao tiếp ứng xử để cuộc sống tốt đẹp hơn. Những ai cho rằng nhường nhịn là thua thiệt, mất mặt tức là họ chưa hiểu hết bài học về lễ nghĩa trong việc xử thế. Biết bao nhiêu bi kịch gia đình, bao nhiêu cuộc xô xát diễn ra trong gia đình, ngoài xã hội cũng vì con người ta không biết yêu thương nhường nhịn lẫn nhau.
Chữ nhẫn trong gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó không chỉ đơn thuần là câu từ. Đó là cả một nghệ thuật sống và khéo léo để mang lại hạnh phúc. “Nhẫn” không chỉ là chịu đựng mà là tha thứ, làm hài hòa các mối quan hệ. Nhờ kiên nhẫn, độ lượng mà bớt được cái tính nóng nảy chỉ làm hỏng việc, mất hòa khí với người xung quanh và đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng.
Nhẫn nhịn là để cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong gia đình, vợ chồng anh em luôn hòa thuận, kính trên nhường dưới cảm thông lẫn nhau thì gia đình sẽ rất hạnh phúc. Nhìn rộng ra xã hội, nếu mọi người thân ái, hòa đồng, nhường nhịn lẫn nhau thì làm gì xảy ra bất đồng, xô xát, làm gì có thù ghét, có chiến tranh. Nhẹ nhàng để cư xử với nhau trong tôn trọng, để thấy sau những lần ấy, mối dây tình yêu liên kết giữa các thành viên thêm bền chặt hơn.
Theo các chuyên gia hôn nhân gia đình, hôn nhân là 2 con người với những khuyết điểm riêng tìm thấy nhau, có tình yêu rồi mới cưới nhau. Nhưng hôn nhân không chỉ đơn giản là màu hồng, vì vậy phải nhường nhịn nhau mà sống, cái tôi cũng nên tạm gác lại để đặt cái chung lên hàng đầu. Khi khó khăn, vợ chồng phải đồng lòng cùng nhau vượt qua. Đã là vợ chồng thì đừng chuyện gì cũng tỵ nạnh nhau, hơn thua nhau.
Trong hôn nhân, không có ai hơn ai, không ai có quyền ra lệnh cho ai. Cả hai phải cùng tự nguyện, cùng hy sinh, nhường nhịn nhau để trong ấm ngoài êm, mới có thể xây dựng hạnh phúc bền lâu. Học chữ “nhẫn” trong gia đình là cách để tạo nên một xã hội hạnh phúc và tràn ngập yêu thương.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin