Hôn nhân đổ vỡ, con trẻ vẫn luôn chịu nhiều tổn thương, mất mát và khi xây dựng một gia đình mới thì phải đối diện với vấn đề con chung, con riêng. Việc này không dễ dàng mà cần nhiều thời gian, năng lượng và sự bao dung.
Hôn nhân đổ vỡ, con trẻ vẫn luôn chịu nhiều tổn thương, mất mát và khi xây dựng một gia đình mới thì phải đối diện với vấn đề con chung, con riêng. Việc này không dễ dàng mà cần nhiều thời gian, năng lượng và sự bao dung.
Một gia đình hạnh phúc, hòa thuận luôn là môi trường thuận lợi cho thế hệ trẻ phát triển tốt. Ảnh minh họa |
Vì lý do “không hợp nhau”, chị N.H. (Mang Thít) ly hôn khi đứa con gái đầu lòng vừa hơn 1 tuổi. Sau đổ vỡ hôn nhân, chị lên TP Hồ Chí Minh làm việc, chị gửi lại đứa con gái cho ông bà ngoại nuôi, cuối tuần lại đón xe về thăm con. Rồi tình cờ chị gặp lại người yêu cũ cũng vừa gãy gánh khi con trai vừa lên 3. Tình cũ không rủ cũng tới, hai người đến với nhau khi có con riêng của chồng, con riêng của vợ.
Sau 1 năm, chị N.H. sinh một con trai với chồng sau. Con gái chị vẫn ở với ông bà ngoại. Mỗi lần chị về thăm nhà, đứa con gái rụt rè nhìn mẹ, nhìn cha dượng. Đôi khi con gái chị sà vào lòng ôm chị thì chị lại bận giữ đứa con trai mới sinh.
Chị về dăm ba lần mua cho con gái vài bộ đồ mới, vài món đồ chơi, thế nhưng khi có chồng ở đó ít khi nào chị thổ lộ tình cảm yêu thương con. Dần dần, đứa con gái gần 4 tuổi của chị không trông chờ mẹ về nữa, có khi chỉ đứng ở cửa phòng buồn hiu nhìn mẹ và em. Còn cha dượng thì chỉ yêu thương chăm lo cho con của mình, hiếm khi hỏi han đến con gái của vợ.
Người mẹ thiếu quan tâm chăm sóc, xa cách, còn ông bà ngoại cũng lớn tuổi không lo chu toàn được cháu ngoại khiến bé gái trở nên nhút nhát, có dấu hiệu sống khép kín và chậm phát triển. Mọi người nhìn thấy mà thương cảm.
Chị T.C. cũng đổ vỡ hôn nhân vì chồng ngoại tình. Vết thương lòng khá sâu nên C. cũng đã khóa chặt tình cảm hơn 3 năm, cho đến khi gặp T.K.- người đàn ông đã ly hôn gần 5 năm và có đứa con trai riêng 10 tuổi. Băn khoăn “con riêng, con chung, con chồng, con vợ”, sợ người đời dị nghị “mẹ ghẻ, con chồng” nên chị C. cũng đã đắn đo rất lâu khi quyết định tiến tới hôn nhân với T.K.
Để hòa hợp với con trai, trước khi về làm vợ, chị C. đã tìm hiểu sở thích, thói quen con trai của chồng từ T.K. nên dần dần chị cũng tạo được thiện cảm với con của chồng.
Chị C. kể: “Tôi không có con riêng với chồng cũ nên cũng thuận lợi. Mới đầu bé cũng không thích gần tôi, vì sợ “mẹ kế”, nhưng dần dần tôi đã xóa bỏ được khoảng cách với con”. May mắn cho chị C. là có người chồng tâm lý, luôn tìm cách để kéo gần mẹ con lại với nhau. Sau này khi vợ chồng chị có bé gái chung nhưng chị C. vẫn luôn quan tâm, yêu thương con của chồng, không có khái niệm “con riêng, con chung”.
Với chị C. “con nào cũng là con. Lỗi sai là ở người lớn, trẻ con không có tội. Không thể để con trẻ bị tổn thương”.
Không phải ai cũng có suy nghĩ và hành động tích cực, tốt đẹp được như chị C. Xã hội cũng còn tồn tại rất nhiều cảnh mẹ ghẻ không thương con chồng, bạo hành con chồng từ thể xác đến tâm hồn làm tổn hại đến sự phát triển của thế hệ tương lai của đất nước. Hay những người cha dượng bạo hành thậm chí dẫn đến cái chết cho những đứa trẻ vô tội mà xã hội phẫn nộ, xót xa.
Ngay từ đầu, một khi đã xác định tiến tới hôn nhân với người từng đổ vỡ và có con riêng thì cũng cần xác định rằng cuộc sống của người ấy sẽ cần san sẻ cho người khác nữa. Quan trọng là xác định xem bản thân có đủ tình yêu thương, sự bao dung hay không và cả sự công bằng, khách quan khi có con chung- con riêng sống chung một mái nhà.
Một cuộc hôn nhân đổ vỡ không thể nào tránh khỏi được những tổn thương, thiệt thòi cho tất cả các thành viên. Sự mất mát của người vợ, người chồng chỉ là một phần thôi bởi khi ta không yêu nữa, không còn hạnh phúc nữa thì ta lựa chọn rời xa nhau.
Nhưng đối với những đứa trẻ, chúng vẫn cần cha, cần mẹ và khi không có đầy đủ cha và mẹ nữa thì chúng sẽ thiệt thòi rất nhiều.
Nhất là khi cha mẹ mình đi bước nữa thì mối quan hệ giữa mẹ ghẻ- con chồng hay cha dượng- con vợ đều là những mối quan hệ không phải dễ dàng hòa hợp được. Cũng chính vì vậy mà nhiều người dù cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc nữa, nhưng con cái luôn là điều khiến họ phải cân nhắc, do dự.
Thực tế cho thấy, sống trong một gia đình hạnh phúc, đầy ắp yêu thương, đứa trẻ thường phát triển thuận lợi. Ngược lại, nguy cơ khiếm khuyết về mặt tinh thần sẽ ảnh hưởng đến tính cách cũng như quan niệm sống của những đứa trẻ bị đối xử phân biệt.
Ở mức độ nhẹ, những đứa trẻ này thường tự ti, mặc cảm, cô lập mình. Nguy hiểm hơn, tâm lý hằn học, thù hận sẽ giày xéo tâm hồn trẻ thơ khiến chúng như con nhím xù lông trong cư xử với mọi người.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc gạt bỏ cái tôi ích kỷ để thực sự yêu thương, chia sẻ, bù đắp cho nhau là “liều thuốc” hữu hiệu tránh mọi sự xung đột. Chính sự hy sinh, dẹp bỏ những toan tính, ích kỷ tầm thường sẽ là cầu nối giúp cho hạnh phúc mãi được bền lâu.
Để các mối quan hệ trong một gia đình có con chung con riêng luôn thuận hòa, hạnh phúc và yêu thương chăm sóc lẫn nhau thì rất cần thời gian và sự chân thành, sự cố gắng của cả hai bên để tìm hiểu, chấp nhận và gắn kết hài hòa với nhau mới mong có được.
Cần có cái nhìn bao dung hơn về cách ứng xử, cần mỗi cá nhân mở lòng ra để đón nhận tình yêu thương mới, cần sự khéo léo để tạo kết nối mọi người lại với nhau. Tình yêu hay hôn nhân đều rất cần sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu, chấp nhận mọi thứ của nhau.
Bài, ảnh: YẾN LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin