Vết thương lòng

05:10, 03/10/2019

Khi còn yêu, người phụ nữ có thể tha thứ cho mọi lỗi lầm, nhưng vết thương lòng thì không dễ gì liền sẹo...

Khi còn yêu, người phụ nữ có thể tha thứ cho mọi lỗi lầm, nhưng vết thương lòng thì không dễ gì liền sẹo...

Để đi với nhau đến cuối con đường, rất cần cái nắm tay thật chặt của cả hai phía.
Để đi với nhau đến cuối con đường, rất cần cái nắm tay thật chặt của cả hai phía.

Nhiều chị em phải vì con cái, danh dự gia đình hay lý do nào đó mà tha thứ cho những lỗi lầm của chồng. Nhưng dù cho đã chấp nhận tha thứ, cho thêm cơ hội để xây dựng lại mái ấm gia đình vì tương lai của con cái mình, thì liệu vết thương lòng của họ có lành hẳn được không?

Hay nó vẫn đau âm ỉ mỗi khi nhớ đến cho dù có thời gian làm liều thuốc tốt, dù cho họ đã cố gắng thế nào vẫn không lừa dối được cảm xúc của bản thân mình- nhất là sự phản bội.

Thậm chí có nhiều trường hợp mất luôn cảm giác gần gũi người chồng, như chị T. Khi phát hiện chồng ngoại tình, chị đau đớn, gào thét, sẵn sàng viết lá đơn ly hôn.

Nhưng khi bình tĩnh lại, chị nhớ tới mình phải mang vác trên vai quá nhiều trách nhiệm, hai con còn nhỏ, cha mẹ đã già yếu lại có truyền thống gia đình nề nếp không có tiền lệ ly hôn, rồi danh dự bản thân chị trong xã hội.

Suy nghĩ kỹ, chị quyết định sẽ tha thứ với sự hối lỗi và hứa hẹn, thề thốt của anh chồng. Tuy nói tha thứ nhưng thật sự trong lòng chị vẫn rất uất hận, dù đã qua một thời gian nhưng chị vẫn không thể nào trở lại bình thường như không có chuyện gì, vết thương lòng vẫn luôn nhức nhối mỗi khi chị nhớ tới, niềm tin trong chị đã mất, chị vẫn luôn nghĩ chồng mình vẫn còn qua lại với người đó…

Rồi những lúc chồng gần gũi chị cũng mất hết mọi cảm xúc tình yêu khi nghĩ tới chuyện anh ngoại tình với người khác. Hiện tại, chị sống rất vô cảm, mệt mỏi và chán nản, chị sống vì những mục đích khác chứ không còn cho bản thân chị.

Nếu bạn nói lời tha thứ cho một ai đó hoặc cho chính bản thân mình, mà trong một trạng thái tâm bất an lòng khó chịu, thì lời tha thứ ấy sẽ không phát huy được hết tác dụng.

Vậy làm thế nào để sự tha thứ thật sự ý nghĩa, khi nghĩ về những chuyện đã qua, tâm trí bạn cảm thấy bình an nhẹ nhõm. Để làm được điều này không hề dễ, biết cách tha thứ hoàn toàn cho người khác không phải ai cũng làm được.

Nên tập hít thở sâu mỗi ngày để cảm nhận không khí mát lành, sự bình yên trong tâm hồn, thổi bay những phiền não tích trữ, hít thở sâu sẽ giúp bạn cảm thấy bình tâm lại, làm chủ mọi cảm xúc của bản thân, việc tha thứ cũng trở nên dễ dàng hơn.

Người ta nói cách tốt nhất để giải tỏa một chuyện buồn là hãy khóc thật to. Tìm một chỗ yên tĩnh và không ai có thể làm phiền để bạn có thể thoải mái khóc.

Sau khi khóc thoải mái, bạn nên cho bản thân thời gian suy nghĩ về những chuyện vừa xảy ra một cách khách quan, suy nghĩ về cả hai phía, những ưu- khuyết điểm của cả hai.

Có thể đây là khoảng thời gian rất khó khăn và đau đớn, nhưng thời gian sẽ làm lành mọi vết thương, vì chính trong đau khổ con người ta mới có thể trưởng thành hơn. Hãy nhớ là mọi chuyện rồi sẽ ổn nếu bạn biết buông bỏ cái không thuộc về mình.

Tình yêu luôn là những điều thật sự khó lý giải, để gặp được nhau, quen nhau yêu nhau đã khó, để giữ gìn hạnh phúc bên nhau còn khó hơn nhiều. Mỗi người chúng ta không có ai hoàn hảo, ai rồi cũng sẽ ít nhiều phạm phải một lỗi lầm nào đó trong đời.

Nhưng để được sửa lỗi trong chính mối quan hệ đó thì cần phải có một người biết hối lỗi, sửa đổi và một người rộng lòng bao dung, tha thứ.

Nhất là trong tình yêu thì luôn cần có sự cố gắng từ cả hai người. Không thể nào một người níu, một người buông; hay một người cố gắng gần gũi, một người lại cố gắng đẩy ra xa.

Ngay cả người phạm lỗi cũng vậy, một khi đã xác định vẫn yêu thương người bạn đời, hối lỗi sửa sai, cố gắng làm lại từ đầu thì phải quyết làm được, phải tạo được niềm tin vững chắc, phải có thành ý và sự chủ động hàn gắn, đối xử tốt với vợ mình qua những hành động và lời nói. 

Có như thế thì người vợ mới thật sự cảm động, buông bỏ được gút mắc, vết thương lòng sẽ mau lành. Khi ấy người vợ cũng sẽ thật tâm nhìn nhận lại khuyết điểm của bản thân mình và sửa đổi tốt hơn.

Chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình khuyên rằng, trong mối quan hệ vợ chồng, nếu một trong hai phạm lỗi và đã được tha thứ cho qua, nhưng vẫn không cảm nhận được niềm tin, không cảm nhận được sự cố gắng từ đối phương, cảm thấy mọi thứ trở nên mông lung, mơ hồ thì có lẽ cả hai nên có một cuộc nói chuyện thẳng thắn về mối quan hệ của hai người, tìm hiểu xem hai người còn thực tâm muốn bên cạnh nhau hay không.

Nếu cả hai vẫn còn tình cảm với nhau, vẫn còn muốn cho nhau một cơ hội thì cùng nhau trao đổi xem cả hai nên đối xử với nhau như thế nào để những tháng ngày ở bên cạnh nhau là niềm vui, hạnh phúc; chứ không phải là những trách móc, dỗi hờn, mệt mỏi vì nhau.

Tình cảm và niềm tin là hai yếu tố nền tảng để những cặp đôi yêu nhau có được hạnh phúc và có thể đi cùng nhau lâu dài. Dù ai sai ai đúng nhưng nếu nhận thấy hai yếu tố này không còn nữa thì nên cân nhắc lại thật nghiêm túc mối quan hệ.

Bài, ảnh: LAM NGỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh