Có những người cha rất hợp với con trai mình nhưng cũng có nhiều mối quan hệ giữa cha và con trai trở nên căng thẳng vì sự nghiêm khắc, bảo thủ trong dạy dỗ hay vì nhiều lý do khác, nhưng nhìn chung cũng vì thiếu sự thấu hiểu và chia sẻ.
Có những người cha rất hợp với con trai mình nhưng cũng có nhiều mối quan hệ giữa cha và con trai trở nên căng thẳng vì sự nghiêm khắc, bảo thủ trong dạy dỗ hay vì nhiều lý do khác, nhưng nhìn chung cũng vì thiếu sự thấu hiểu và chia sẻ.
Tình yêu thương của người cha luôn bao la, vững vàng dìu dắt con trên đường đời.Ảnh minh họa |
Một người mẹ trung niên chia sẻ trên mạng rằng, chị đang rất đau đầu vì mối quan hệ ngày càng xa cách của chồng và con trai.
Chồng chị có tính nóng nảy, có phần gia trưởng và bảo thủ, anh ít khi nào thể hiện tình yêu thương trước con, luôn yêu cầu con trai về mọi mặt phải theo định hướng của cha, mỗi khi con làm sai điều gì là chồng chị la mắng lớn tiếng, so sánh kể lể những khó khăn anh đã trải qua.
Với thế hệ ngày nay, con trai chị có tư tưởng và quan niệm không giống với cha mình, không cảm thấy thuyết phục về những gì cha nói và hoàn toàn bất bình trước cách la mắng của cha.
Điều đáng lo ngại là con trai chị chưa xác định rõ được mục tiêu để phấn đấu và định hướng cho tương lai nên chồng chị càng sốt ruột và giáo huấn nhiều hơn khiến con càng sợ và không dám đến gần cha, không muốn chia sẻ với cha bất cứ điều gì ngay cả những chuyện về giới tính, nên chuyện gì con trai cũng hỏi mẹ.
Chị biết chồng rất thương con, muốn con phát triển mạnh mẽ, bản lĩnh và tự lập trong cuộc sống nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy thì càng phản tác dụng.
Đây cũng là nỗi niềm của nhiều gia đình trong mối quan hệ cha và con trai. Suy nghĩ và quan điểm của họ thường không chung một hướng và cái tôi của mỗi người thể hiện khác nhau. Do khoảng cách giữa hai thế hệ nên con cái thường không thích nghe chuyện ngày xưa của cha mẹ phải cực khổ, phải cố gắng thế nào.
Con trẻ lại muốn được tôn trọng suy nghĩ, ước mơ nghề nghiệp của cá nhân chứ không muốn lệ thuộc vào định hướng, ước muốn của cha mẹ. Thông thường con cái ít chịu thỏa hiệp với cha mẹ, vì thế việc người cha mong muốn, kỳ vọng vào con sẽ tạo nên sự mâu thuẫn. Là người đi trước, mình phải bao dung, lựa cách thuyết phục con để con hiểu ra vấn đề.
Vai trò và sự đồng hành của người cha là rất quan trọng với con trai, người con dễ bị vấp ngã nếu không có sự dìu dắt, rèn luyện của cha. Vai trò của người mẹ chính là cầu nối để hai cha con hiểu tình yêu thương dành cho nhau dù trái ngược về tính cách, suy nghĩ, quan điểm.
Hai cha con phải tìm ra cách hữu hiệu nhất để giao tiếp với nhau. Một số người cha thích dẫn con trai mình đi câu cá hoặc xem một trận đấu thể thao. Những người khác lại thích lái xe trong cảnh yên tĩnh hoặc cùng làm việc trong vườn. Hãy lựa chọn một hoạt động thú vị để tạo sự gắn kết với con trai của mình.
Không quan trọng khi nào hay làm gì, đơn thuần chỉ cần bạn có thời gian rảnh để bạn và con trai trao đổi, hoạt động cùng nhau, hướng đến những sở thích chung của cả hai. Bạn luôn sẵn sàng lắng nghe những tâm sự của con, điều đó sẽ thắt chặt thêm mối quan hệ cha con.
Ngoài ra, mỗi tháng, người cha cần có ít nhất một cuộc trò chuyện “có chất lượng” với con trai mình, tập trung vào những điều cụ thể như trường học, bạn bè, cảm nghĩ, trò chơi video hay về tâm sinh lý tuổi mới lớn.
Dạy cho con trai thấy giá trị của sức lao động và tầm quan trọng của việc lập kế hoạch công việc, là tấm gương cho con học tập qua cách hành xử tế nhị, khéo léo của mình. Điều này giúp cha con gần gũi, thấu hiểu nhau hơn. Nếu yêu thương con mình thì không nên nói những lời chỉ trích hay so sánh với người khác.
Đừng tiếc chi lời khen ngợi những lúc con cố gắng có được thành tích tốt. Cũng như tất cả mọi người, con trai bạn sẽ cảm nhận được tình yêu thương và có thái độ đáp trả tích cực làm hài lòng cha mẹ.
Anh Q.V. (42 tuổi) chia sẻ: “Hồi đó, cha tôi cũng rất nghiêm khắc, tôi mới học lên cấp hai là phải đi làm vườn phụ gia đình, cha buộc tôi phải tự học hỏi thật tốt những kỹ năng trong cuộc sống. Lúc đó tôi cũng nghĩ sao cha không thương mình, không đưa đón mình đi học giống như tụi bạn, bắt mình làm đủ thứ việc.
Nhưng giờ đây khi có con trai tôi mới thấu hiểu được tấm lòng của cha mình, cha luôn muốn rèn luyện, giáo dục tôi bản lĩnh trong cuộc sống, thích ứng với những trở ngại. Tôi rất biết ơn cha và mong muốn con trai tôi thấu hiểu được nỗi lòng của người cha và dĩ nhiên tôi cũng sẽ thấu hiểu với suy nghĩ của thế hệ trẻ để có cách phối hợp dạy dỗ tốt nhất”.
Giữa cha và con trai cần phải cố gắng thấu hiểu nhau, hãy giúp con hiểu được tình yêu thương của cha dành cho con. Tuy không ngọt ngào, tỉ mỉ, gần gũi cảm thông như mẹ nhưng luôn bao la, ấm áp, vô bờ bến.
Người cha luôn khắt khe, cứng rắn là mong muốn rèn luyện con trưởng thành mạnh mẽ, độc lập, bản lĩnh, luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Về sau, chỉ khi va chạm với đời, đối mặt với thử thách, cam go các con mới thấy quý trọng những gì người cha đã chỉ dạy.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin