Khi chồng thất nghiệp

04:04, 18/04/2019

Khi người chồng không may rơi vào cảnh thất nghiệp, điều đó không chỉ đơn thuần là vấn đề tiền bạc eo hẹp, giảm sút thu nhập gây khó khăn về kinh tế cả gia đình, mà đây còn là giai đoạn nguy hiểm của hôn nhân.

 

Hạnh phúc khi cả hai cùng yêu thương, cùng cảm thông, thấu hiểu. Ảnh minh họa
Hạnh phúc khi cả hai cùng yêu thương, cùng cảm thông, thấu hiểu. Ảnh minh họa

Khi người chồng không may rơi vào cảnh thất nghiệp, điều đó không chỉ đơn thuần là vấn đề tiền bạc eo hẹp, giảm sút thu nhập gây khó khăn về kinh tế cả gia đình, mà đây còn là giai đoạn nguy hiểm của hôn nhân.

Khoảng 1 năm nay, anh T.B. (34 tuổi), phải thất nghiệp ở nhà vì siêu thị nhỏ nơi anh làm cắt giảm nhân viên giao hàng. Từ ngày ở nhà, anh phụ vợ việc nhà cửa cơm nước đưa rước con đi học.

Vì vợ anh làm nghề thẩm mỹ nên những lúc được mùa đông khách thì ngay cả ăn cơm cũng không có thời gian. Khi có chồng ở nhà phụ việc, chị vợ như trút được gánh nặng, bao nhiêu việc nhà anh làm hết, chị chuyên tâm cho công việc của mình nhiều hơn, thu nhập cũng tăng lên.

Thấy chồng cứ chạy hỏi thăm công việc khác, chị vợ anh đề nghị thẳng với chồng là ở nhà luôn phụ chị, tiền lương anh làm cũng chẳng là bao, chỉ đủ cho anh đổ xăng, ăn sáng. Thà anh ở nhà phụ chị còn hay hơn.

Có anh làm hậu phương cả năm nay quen rồi, chị cảm thấy rất thoải mái, công việc của chị có thể lo chu toàn cho sinh hoạt trong gia đình. Nghe vợ nói thế, anh T.B. cảm thấy buồn, tự ái. Anh không đồng ý yêu cầu của vợ và vợ chồng cãi vã nhau.

Anh bỏ về nhà mẹ ruột suốt 2 ngày bỏ mặc chị tự xoay xở mọi việc. Anh cảm thấy bản thân mình bị vợ xem thường, anh không muốn trở thành kẻ sống bám vợ, anh quyết phải tìm được việc làm, phải lấy lại cương vị người chủ trong gia đình.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, không ít đàn ông là trụ cột trong nhà rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống gia đình vì vậy cũng lục đục theo.

Thực tế là lúc phụ nữ thất nghiệp, mọi việc dường như nhẹ nhàng hơn do cả hai dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh vợ tạm thời ở nhà chăm sóc con cái và làm việc nội trợ. Nhưng khi chồng thất nghiệp, sự buồn chán, tự ái, kéo theo nhiều hệ lụy gây mâu thuẫn giữa vợ và chồng.

Đa số đàn ông không thể nào thoải mái, tự do tự tại mà sống dựa hoàn toàn vào tài chính do vợ làm ra. Điều tối kỵ nhất của các bà vợ trong giai đoạn này là dằn vặt chồng về vấn đề tiền nong, mắng nhiếc chồng vô dụng, không tài giỏi như chồng người ta, giao hết việc nội trợ cho chồng, coi chồng như ôsin.

Trong tình cảnh này, người vợ đừng nên lo lắng, không nên coi thường, cũng đừng tạo áp lực cho chồng sẽ khiến anh ấy rất dễ áp dụng các biện pháp tiêu cực.

Để giúp gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này, rất cần tình yêu thương và sự khéo léo trong ứng xử của người phụ nữ. Người vợ sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc, luôn ủng hộ chồng, người vợ nên biết nhẫn nhịn và tập cho mình một thói quen chi tiêu khác hẳn những lúc bình thường, mục tiêu chính là tiết kiệm cho gia đình.

Đồng thời, người vợ nên đưa ra nhiều ý kiến có tính chất xây dựng như giúp đỡ chồng tham dự các cuộc phỏng vấn tìm việc, động viên chồng thua keo này ta bày keo khác, rồi gia đình sẽ vượt qua khó khăn.

Điều quan trọng là người vợ nên cho chồng biết rằng cho dù có việc làm hay không thì bạn vẫn tôn trọng và yêu thương anh ấy. Người chồng có thành công hay không luôn có phần đóng góp quan trọng nhất của người vợ.

Chuyện của anh T.B. xảy ra rất nhiều trong xã hội ngày nay. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, người chồng thất nghiệp không chỉ đơn thuần là chuyện tiền bạc, giảm thu nhập của gia đình mà đây cũng chính là giai đoạn nguy hiểm của hôn nhân.

Người thất nghiệp luôn có cảm giác hụt hẫng và dễ rơi vào trạng thái cô đơn. Ở người đàn ông, cảm giác này lớn hơn rất nhiều so với phụ nữ, bởi đàn ông vốn được coi là trụ cột của gia đình. Bất kỳ một thái độ nào của người vợ cũng có thể làm người chồng bị tổn thương.

Mất việc không có nghĩa là dấu chấm hết cho sự nghiệp của người chồng. Hiểu được điều này, người vợ sẽ thông cảm với chồng hơn để động viên và cùng chồng vượt qua, còn bản thân người chồng cũng sẽ bớt bi quan và không buông xuôi trước khó khăn nhất thời.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, người đàn ông trụ cột gia đình cũng có lúc gặp khó khăn. Những lúc đó thì người vợ chính là điểm tựa tinh thần vững chắc cùng chồng “đồng cam cộng khổ” vượt qua sóng gió. Tình yêu thương, sẻ chia và sự cảm thông chính là sức mạnh vượt qua tất cả.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh