Nỗi niềm có rể ngoại

05:09, 13/09/2018

Trong xu thế hội nhập, việc kết hôn với người nước ngoài là rất bình thường và ngày càng nhiều. Nhưng khi 2 người ở 2 đất nước khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, phong tục, văn hóa khác nhau mà sống chung với nhau sẽ xảy ra rất nhiều chuyện rắc rối, vui buồn lẫn lộn; việc tiếp xúc, hòa nhập được với "phụ huynh" cũng là một trở ngại lớn.

Trong xu thế hội nhập, việc kết hôn với người nước ngoài là rất bình thường và ngày càng nhiều. Nhưng khi 2 người ở 2 đất nước khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, phong tục, văn hóa khác nhau mà sống chung với nhau sẽ xảy ra rất nhiều chuyện rắc rối, vui buồn lẫn lộn; việc tiếp xúc, hòa nhập được với “phụ huynh” cũng là một trở ngại lớn.

Ngoài tình yêu, những chàng rể ngoại còn phải học hỏi rất nhiều để hòa hợp. Ảnh minh họa
Ngoài tình yêu, những chàng rể ngoại còn phải học hỏi rất nhiều để hòa hợp. Ảnh minh họa

Trong xã hội hiện đại, khi ngôn ngữ không còn là rào cản, nhiều đôi tình nhân khác màu da đã tìm được bến bờ hạnh phúc.

Ngôn ngữ chung của tình yêu là 2 trái tim hòa cùng một nhịp, họ có thể cùng nhau đi trọn đường tình. Thế nhưng, khi đã chung sống với nhau, giống như muôn nghìn lứa đôi khác, họ cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Cách đây 3 năm, cô H.T.B.M. (58 tuổi) “hết hồn” khi nghe con gái út thông báo đưa bạn trai người Hàn Quốc về ra mắt gia đình, họ đã quen nhau được 1 năm.

Cô B.M. không khỏi lo lắng cho con gái về mọi mặt, nhất là chuyện phải làm dâu nơi xứ lạ quê người, bất đồng ngôn ngữ và đủ thứ vấn đề khác.

Sau khi gặp gỡ cũng không giao tiếp hay tìm hiểu gì được nhiều nhưng vì đôi trẻ đã quá kiên quyết với tình yêu của mình và quan trọng là sau đám cưới, vợ chồng sẽ sống tại TP Hồ Chí Minh trong căn chung cư cao cấp nhà trai mua cho và con gái cô không phải về làm dâu tận xứ Hàn, thế nên cô B.M. chấp nhận gả con.

Hôn nhân của họ diễn ra suôn sẻ mặc dù hai bên thông gia gặp nhau cũng chỉ nhìn nhau… cười trừ, mọi giao tiếp phải nhờ có con gái kế bên thì mới nói được.

Sau đó, mọi chuyện cũng không có gì va vấp, cho đến khi cô B.M. phải lên thành phố ở với vợ chồng trẻ một thời gian để chăm sóc con gái sắp đến ngày sinh nở. Những bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa bắt đầu gây trở ngại trong cuộc sống hàng ngày.

Chàng rể và mẹ vợ không hề nói chuyện được với nhau câu nào. Là đàn ông nhưng anh chàng này rất kỹ tính, cô B.M. dọn dẹp nhà cửa như cách ở quê liền thấy thái độ không hài lòng của con rể, cô chăm sóc con gái và cháu ngoại việc gì cũng đều bị anh ta góp ý với vợ mình và yêu cầu nói lại với mẹ.

Khổ cái là con gái cô lại rất… hòa hợp và nghe lời chồng, chút gì cũng “chỉnh” mẹ mình được.

Giờ mỗi ngày trôi qua rất nặng nề với cô, vì thương con thương cháu không ai phụ nuôi nên cô đành ở lại, từ sáng đến tối cô luôn tìm cách tránh mặt chàng rể ngoại cho yên lành, trông chờ qua ngày tháng cháu ngoại cứng cáp thì cô sẽ về quê.

Cô M.T. (60 tuổi) cũng cùng cảnh ngộ này với chàng rể người Pháp. Tuy nhiên, anh chàng Tây này lại khá vui vẻ, hòa đồng mặc dù chẳng biết nói tiếng Việt.

Những khi về nhà cha mẹ vợ chơi, suốt ngày anh chỉ cười trừ rồi liến thoắng dành làm việc này việc kia, mặc dù làm “trớt quớt” và phải làm lại.

Không hiểu tiếng Việt lắm nhưng anh cứ giao tiếp thoải mái hỏi này hỏi kia với cha mẹ vợ dù họ không hiểu gì, cứ ngớ người ra.

Cô M.T. tâm sự: “Không hiểu được nó nói gì, muốn nói gì phải nhờ đến con gái, nhiều khi rất phiền phức. Là người nước ngoài nên chàng rể này khá thoải mái, nhiều khi có chị em họ tới chơi nhà, là chàng tự nhiên tới ôm người ta xã giao, khiến mấy đứa con gái hết hồn”.

Trong sinh hoạt hàng ngày, ngoài chuyện ăn, chuyện ngủ thì còn rất nhiều chuyện những người sống chung mái nhà muốn trao đổi chia sẻ với nhau nhưng lại do bất đồng ngôn ngữ và cách sống nên giữa cha mẹ vợ và rể ngoại không thể trao đổi được, cho nên cứ lảng tránh mặt nhau cho đôi bên được tự nhiên, khỏi ngượng ngùng, ngột ngạt.

Chúng ta cần rút ra một điều là muốn cải thiện mối quan hệ trong gia đình hay giữa cha mẹ vợ và con rể thì trước hết mỗi người phải có thiện chí, có tình thân nhất định với nhau, phải tích cực cải thiện giao tiếp để tránh hiểu lầm hoặc không cảm thấy đối tác tẻ nhạt, xa cách vì không biết nói gì.

Để làm được điều đó thì cả 2 phía đều phải học hỏi, phía cha mẹ vợ cũng phải cố gắng nâng cao khả năng giao lưu bằng ngôn ngữ và chàng rể dù ở nước nào cũng có thể giao tiếp tiếng Anh thông thường.

Việc học tiếng Anh ngày nay rất thuận lợi với nhiều phương tiện và không phân biệt tuổi tác, những câu giao tiếp hàng ngày cũng không quá khó khăn với mọi lứa tuổi.

Về phía những cô gái Việt cũng nên trao đổi thẳng thắn với anh chồng ngoại của mình là phải học những câu tiếng Việt đơn giản để khi có về quê ông bà, cha mẹ chào hỏi được thì mới gây được thiện cảm, phải làm quen và học hỏi một vài phong tục tập quán của người thôn quê, cách sống, cách cảm nhận của người lớn tuổi để có thể hòa hợp được phần nào.

Tình yêu không phân biệt tuổi tác, tiếng nói, biên giới, màu da... đó là sự thật, khi trong cuộc sống đã có hàng triệu lứa đôi khác biệt chủng tộc đến với nhau vì tình yêu.

Tuy có nhiều vấn đề chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu nhưng tin rằng chỉ cần có tình yêu thật sự, có thể vì nhau làm tất cả, thì mọi rào cản, mọi trở ngại từ những thành viên khác trong gia đình sẽ được cải thiện tốt đẹp.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh