Trong hôn nhân thường không chỉ có 2 người với nhau mà còn có những đứa trẻ. Có những cuộc ly hôn của ba mẹ, đứa con vẫn cảm thấy an toàn và được yêu thương đủ đầy. Nhưng có những cuộc ly hôn, họ không chỉ làm tổn thương cho nhau mà còn gây nên những vết thương lòng cho những đứa con của họ.
Trong hôn nhân thường không chỉ có 2 người với nhau mà còn có những đứa trẻ. Có những cuộc ly hôn của ba mẹ, đứa con vẫn cảm thấy an toàn và được yêu thương đủ đầy. Nhưng có những cuộc ly hôn, họ không chỉ làm tổn thương cho nhau mà còn gây nên những vết thương lòng cho những đứa con của họ.
Cha mẹ luôn là tấm gương mẫu mực cho trẻ noi theo. Ảnh minh họa |
Dạo gần đây hàng xóm hay nghe cậu bé An (3 tuổi) gọi mẹ là “con H.” hay “con nhỏ đó giờ này chưa thấy rước”, rồi khi có ai hỏi đến mẹ là bé nói mẹ đi chơi với bạn trai rồi, mẹ bỏ con rồi, mẹ không cần con nữa…
Điều đáng nói là bé nói những điều đó với thái độ thờ ơ và không hề tỏ ra có xúc cảm gì với người mẹ mang nặng đẻ đau mình.
Thực tế là mọi người nhìn bé đều rất thương cảm bởi vì mới 3 tuổi đầu đã phải chịu cảnh ba mẹ ly hôn, mẹ bỏ về nhà ngoại, để bé lại cho cha và ông bà nội, cuối tuần mới rước về ngoại chơi.
Không hiểu người lớn có mâu thuẫn gì nhưng điều đáng nói là cha và ông bà nội cứ thường xuyên nói chuyện với nhau khi có mặt bé, rồi còn nói thẳng với bé về mẹ bé với những lời lẽ không mấy tốt đẹp, xưng hô “con này”, “con kia” nghe rất chói tai, nên giờ trong tư tưởng bé hình ảnh người mẹ đã không còn đẹp đẽ hay bao la tình thương nữa.
Bên ngoại bé cũng không vừa, mỗi lần về chơi là bé được nghe những lời lẽ không tốt về ba mình, nào là ba có bồ nhí bỏ rơi mẹ, ba chỉ lo tụ tập nhậu nhẹt, không có bản lĩnh làm nên chuyện gì…
Thế là bé về hỏi ngay cha mình mẹ nói có đúng như thế không. Thật là tội cho đứa bé vừa mới nhận thức được đã bị nhồi nhét những điều không hay về gia đình mình.
Khi gia đình tan vỡ, chịu thiệt thòi nhất chính là những đứa trẻ. Nếu cha mẹ vẫn giữ danh dự cho nhau, ít nhất là trước mặt con trẻ, cha mẹ chúng vẫn có trách nhiệm và nhớ thương đến chúng thì trẻ cũng cảm thấy không thiếu cha hay thiếu mẹ dù không sống cùng.
Những cuộc ly hôn đó người ta thường gọi là ly hôn có văn hóa. Nhưng trên thực tế những cuộc ly hôn có văn hóa lại không nhiều.
Đáng buồn là nhiều cặp vợ chồng chia tay, mà ngay cả khi không còn sống cùng nhau nữa, họ vẫn tiếp tục đay nghiến nhau, nói xấu nhau với con để chia cắt tình cảm của đối phương với con cái- thậm chí là muốn con cái thù ghét người kia cho hả dạ.
Có nhiều trường hợp còn ngăn cấm không cho gặp con. Họ chỉ quan tâm đến việc đòi hỏi lợi ích cho bản thân và chiến thắng mà quên mất đứa con.
Trẻ em bị mắc kẹt ở giữa và có thể trở thành “con tốt” trong cuộc chiến của vợ chồng, chúng bị buộc phải chọn một trong hai bên và bị “kích động” để đối đầu với bên còn lại.
Đó là chưa nói đến vấn đề mẹ ghẻ- con chồng hay cha dượng- con vợ lại tiếp tục cứa vào nỗi đau thương của đứa bé.
Họ không biết rằng, khi trả thù đối phương thì vô tình họ đã tước đoạt dòng nước mát lành của chính cuộc đời đứa trẻ đó.
Những điều không tốt đẹp về cha hay mẹ đều làm trẻ đau buồn, hằn sâu trong trái tim non nớt và tâm hồn vừa chớm nhận thức được của chúng, ảnh hưởng nặng nề đến tâm tư tình cảm và nhất là tâm lý và sự phát triển của trẻ.
Việc nói xấu nhau sẽ khiến trẻ nhìn cuộc sống với ánh mắt và suy nghĩ tiêu cực và còn học theo cha mẹ nói xấu người khác, hình thành tính cách không tốt.
Bà Nguyễn Thị Hồng- Ban Gia đình và Xã hội (Hội LHPN tỉnh)- cho rằng: Một đứa trẻ không được sống cùng cha nhưng chưa chắc đã thiếu tình cha.
Một đứa trẻ không được sống với mẹ nhưng chưa chắc đã thiếu tình mẹ. Vì thế, dù cha mẹ không ở cùng nhau nữa nhưng nên đối xử với nhau nhân văn và bao dung để trẻ vừa không mất đi phương hướng trong cuộc sống, vừa cảm thấy bên mình vẫn có cha, có mẹ đủ đầy. Đây là điều hết sức quan trọng hình thành tính cách trẻ.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin