Có những mối tình già mà như còn son. Người già đâu chỉ biết mỗi ngày tập dưỡng sinh, đâu chỉ biết loay hoay trong vườn cắt tỉa hoa lá, đâu chỉ biết vui vầy bên con cháu mà cũng còn những trái tim đầy ắp yêu thương, chung thủy.
Tình già đậm đà ông Sơn Mỹ và bà Huỳnh Thị Bảy. |
Có những mối tình già mà như còn son. Người già đâu chỉ biết mỗi ngày tập dưỡng sinh, đâu chỉ biết loay hoay trong vườn cắt tỉa hoa lá, đâu chỉ biết vui vầy bên con cháu mà cũng còn những trái tim đầy ắp yêu thương, chung thủy.
Dù không còn trẻ nhưng tình yêu, trái tim họ không úa màu thời gian, không già cỗi mà luôn đập những cung bậc ngọt ngào nhất. Và, cách họ thể hiện tình yêu với nhau đôi khi khiến con cháu phải ngưỡng mộ, thậm chí... hơi ganh tỵ.
Tình già mà như còn son
Kết hôn qua mai mối, nhưng 53 năm qua ông Trần Thanh Bình (Chín Bình) và bà Cao Thị Phượng (Ba Phượng) ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) vẫn sống rất ngọt ngào hạnh phúc và được nhiều con cháu ngưỡng mộ, mong có được kỷ niệm “đám cưới vàng” như ông bà.
Ông đã ở tuổi bát tuần, còn bà đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn xưng “anh, em” ngọt xớt như những ngày đầu, chỉ gần đây bà mới tập sửa lại vì... “đã là nội, ngoại của tụi nhỏ rồi”- bà Ba Phượng bẽn lẽn nói.
Nhớ lại, ngày được cơ quan tổ chức cho biết mặt nhưng ông bà vẫn... “nín thinh từ đầu đến cuối”. Bước đầu, bà còn không chịu vì nhìn vẻ ngoài quá thư sinh, trắng trẻo của ông; nhưng rồi hai chữ “duyên nợ” đã đưa ông bà đến với nhau...
Bà Ba Phượng cho biết: Càng sống chung, bà phát hiện thêm nhiều ưu điểm của ông. Nếu cho điểm 10 thì ưu điểm của ông là 9, còn khuyết điểm thì chỉ có 1, đó là cũng có khi nóng tánh, có cái gì không hài lòng thì la lên rồi thôi. Còn lại bà yêu ông bởi đạo đức tốt; lao động, công tác, học tập tốt; tính đoàn kết cũng rất tốt...
Để có hạnh phúc viên mãn như thế này, ông bà cũng trải qua nhiều thử thách của chiến tranh, bom đạn, với di chứng từ chất độc da cam (hơn 81%), bà sinh ra 2 con đầu lòng bị tim bẩm sinh, mù mắt và lần lượt qua đời, người con thứ 3 thì bị vô sinh.
“Nhờ trời thương nên 2 đứa sau này hoàn toàn khỏe mạnh”- bà nói. “Tuy trong lòng cũng buồn vì sinh con ra không được khỏe mạnh, trọn vẹn, nhưng tình thế như vậy thì mình phải ráng. Trải qua kháng chiến, vợ chồng tôi còn được sống bên nhau đã là hạnh phúc lắm rồi”- ông Chín Bình nói.
Sau ngày giải phóng, do yêu cầu công việc, ông Chín Bình phải về huyện Bình Minh (nay là TX Bình Minh) công tác 16 năm. Thời gian như thử thách thêm lòng người, tuy xa cách nhưng cứ đều đặn chiều thứ 7 ông về, sáng chủ nhật đi.
Còn bà thì vừa công tác, vừa chăn nuôi, buôn bán, quán xuyến việc nhà để chăm lo các con. “Ở nhà không chỉ thằng út chờ cha nó về, mà mình cũng trông ngóng”- bà Ba Phượng kể.
Về chuyện sống xa nhau ngần ấy thời gian có phát sinh vấn đề gì giữa vợ chồng không, bà cho biết: “Với ông nhà tui thì chỉ có công việc và vợ con, tới giờ thì vẫn... chưa có gì để ghen, quan trọng là cả hai đều tin tưởng nhau để giữ vững hôn nhân”.
Hớp ngụm trà, ông tiếp lời: “Khi còn trẻ, người ta sống với nhau vì tình cảm; khi đã già rồi thì cái nghĩa vợ chồng lớn lao lắm!”
“Muối mặn gừng cay”
Tình yêu người già dành cho nhau tuy không sôi nổi như người trẻ nhưng thâm trầm gấp nhiều lần. Họ đã đi qua từng đó thời gian, trải bao lo toan, bộn bề của cuộc sống nên không thể bào mòn được tình yêu mà “gừng càng già càng cay” là vậy!
“Bà hạnh phúc lắm con ơi”- bà Huỳnh Thị Bảy (74 tuổi, Ấp 7, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) cười viên mãn với những gì mình đã có. Tình cảm vợ chồng già ấm êm, ngọt lành hơn 50 năm. Vợ chồng bà chia ngọt sẻ bùi, chắt chiu lo cho 5 người con ăn học nên người.
Ông Nguyễn Sơn Mỹ- nguyên Đảng ủy viên Quân sự tỉnh Cửu Long- nhìn người bạn đời của mình bằng ánh mắt trân trọng, đầy tình cảm.
Ông kể, ông đi bộ đội, cha mẹ mất sớm, được tổ chức, đồng đội đứng ra làm Tuyên bố nên nghĩa vợ chồng.
“Cuộc đời người con gái chưa từng nhận lễ vật cưới, không được mặc áo dài cô dâu. Tuyên bố xong 7 ngày sau, ông nhận nhiệm vụ tiếp tục ra chiến trường cầm súng để bảo vệ Tổ quốc.
Rồi, ông bị thương tật, bà phải lặn lội nuôi ông ròng rã suốt 6 tháng trời. Khi khỏe, ông lại ra trận tuyến. Rồi những đứa con chào đời trong chiến tranh ác liệt. Một mình bà chèo chống, buôn gánh bán bưng thay ông nuôi con khôn lớn, để chồng yên tâm công tác”.
Các con của ông bà noi gương ba mẹ luôn biết gìn giữ hạnh phúc gia đình. Các cháu của bà ngoan, hiếu thảo, cháu gái lớn Thiên Thư vừa tốt nghiệp Dược sĩ đại học.
Căn nhà tường nằm giữa vườn bưởi xanh ngát, kế bên sông Măng thổi lùa mát mẻ là tổ ấm của đôi vợ chồng già. Những dịp lễ tết, nhà có tiệc hay lâu lâu cuối tuần gia đình ông bà lại sum vầy, rộn rã tiếng cười con cháu.
Nhiều người dân Ấp 7 quen thuộc với hình ảnh ông chở bà trên chiếc xe cúp 70, đi chùa, đi chợ hay đi đám tiệc gần nhà. Tuổi về già, ông bà tận hưởng niềm vui cuộc sống.
Em Thiên Thư xuýt xoa: “Ông bà thường hay rù rì bên bình trà nóng kể chuyện ngày xưa, chuyện con cháu kèm theo những nụ cười hạnh phúc đầy vết chân chim”. Có khi ông buột miệng: “Nếu có kiếp sau thì tui với bà lại gặp nhau nghen bà”. Bà cười cười “ông này, nói hổng sợ tụi nhỏ cười...”
Khi người ta trải qua mấy chục năm “muối mặn gừng cay” gắn bó thì tình yêu càng đậm đà hơn, nghĩa tình sâu nặng hơn.
Bài, ảnh: XUÂN QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin