"Mẹ già" nuôi con mọn

08:09, 30/09/2017

Ngày nay, nhiều người ở tuổi U60, U70… trông nhà, giữ cháu cho người trẻ đi làm. Đó là lý do khiến một bộ phận người cao tuổi chưa thảnh thơi ở tuổi xế chiều.

Ngày nay, nhiều người ở tuổi U60, U70… trông nhà, giữ cháu cho người trẻ đi làm. Đó là lý do khiến một bộ phận người cao tuổi chưa thảnh thơi ở tuổi xế chiều.

Người trẻ cần quan tâm chăm sóc để ba mẹ, ông bà vui vầy cùng con cháu.
Người trẻ cần quan tâm chăm sóc để ba mẹ, ông bà vui vầy cùng con cháu.

Hiện nay, nhiều người trẻ bận việc mưu sinh nên không có thời gian chăm con của mình (nhất là sau khi nghỉ hộ sản).

Dĩ nhiên, người tin tưởng nhất để nhờ chăm con là ông bà nội, ngoại. Có người làm việc ở thành thị thì gởi con về quê cho ông bà. Có người thì rước ông hoặc bà lên ở cùng để phụ chăm sóc “thiên thần nhỏ”.

Dì Phạm Thị Hai, 68 tuổi (xã Thạnh Quới- Long Hồ) cho biết: Dì giữ cháu suốt 10 năm nay, có thời gian “giữ một lượt 2 đứa 4 tháng tuổi”.

Dì bắt đầu giữ cháu từ sáng cho các con đi làm ở khu công nghiệp tới lúc các con về, cơm nước xong là tới giờ ngủ nên dì không còn thời gian tập thể dục, đi đám tiệc...

Tương tự, dì Phan Thị Châu, 64 tuổi (xã Hòa Phú- Long Hồ) cũng giữ cháu liên miên suốt mấy năm nay. Chị Lưu Yến Trang- con dì Châu nói: Mấy năm trước mẹ giữ cùng lúc 2 đứa cháu trai mà không cho các anh chị thuê người vì ngại tốn kém.

Mẹ lớn tuổi rồi nên sức khỏe kém, giữ cháu nhỏ rất vất vả. Mình phải quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn, như thường xuyên trò chuyện với mẹ, sắp xếp giữ cháu để mẹ có thời gian nghỉ ngơi, đi dạo, trò chuyện các ông bà bạn láng giềng…

Chị Nguyễn Hồng Lan (xã Song Phú- Tam Bình)- hiện là công nhân, có 2 con 3 tuổi và 8 tháng tuổi cũng nhờ mẹ chồng chăm sóc.

Chị Lan bộc bạch: mẹ chồng tui có 8 người con và hiện đã có 10 đứa cháu, tất cả đều qua tay mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng. Kể ra, mẹ đã dành trọn cả cuộc đời nuôi con rồi chăm cháu, đúng là quá vất vả. Cho nên, anh em trong nhà thường bảo nhau, phải yêu kính mẹ, quan tâm mẹ.

Tuy nhiên, không phải ai ai cũng hiểu lòng cha mẹ, một số người còn “vô tư” không thấy sự vất vả của cha mẹ.

Làm bộ phận bếp ăn của một công ty, vợ chồng anh Nguyễn T. S. (Long Hồ) thường đi làm từ khi trời chưa sáng, gửi con cho mẹ giữ từ lúc bé 6 tháng tuổi.

Tuy nhiên, đáng nói là sau giờ làm việc anh S. thường la cà, cô vợ thì thấy chồng “chè chén, say xỉn hoài” nên tan giờ làm cũng… né về nhà, phó mặc cho bà nội giữ bé. Một mình dì B. ở nhà vừa lo cháu vừa làm việc nhà, nấu nướng chờ các con về ăn, dù ngày nào dì cũng trông mỏi mắt. 

Là nhân viên tín dụng ngân hàng nên chị Nguyễn Tuyết Lan (Phường 1-TP Vĩnh Long) khá áp lực về công việc, thường tan sở trễ.

Chồng chị lại làm kinh doanh thường xuyên đi công tác. Chị sanh con có mẹ ruột phụ chăm nên cũng đỡ vất vả. Song, anh chị không phó thác việc chăm con cho mẹ mà “cắt hết các khoản ngoài giờ” dành thời gian chăm sóc, chơi với “công chúa bé bỏng” gần 2 tuổi của mình.

Chị cho biết: “Sáng tôi thức sớm nấu cháo cho con. Sáng giao con cho ngoại là con đã ăn no, vệ sinh sạch sẽ. Trưa không bận công tác thì về nhà nấu cháo, cho con ăn, tắm rửa rồi chơi với bé để cho bà ngoại nghỉ trưa.

Chiều làm về là vợ chồng tôi dành thơi gian cho con, để ngoại đi bộ, đi cà phê thư giãn. Sự nghiệp của tôi có thể chậm lại nhưng điều đó làm sao quan trọng bằng sức khỏe và tình cảm của những người thân trong gia đình”. 

Ngày nay, không ít người cao tuổi “sống vui, sống khỏe, sống có ích” như: tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng, rèn luyện sức khỏe, tham gia công tác từ thiện xã hội…

Song, vẫn còn một bộ phận người cao tuổi vì nhiều lý do nên chưa có được “nguồn vui riêng” tuổi xế chiều- như những ông bà phải chăm cháu nhỏ, đặc biệt là những người phải rời quê lên phố- môi trường mới hoàn toàn xa lạ, con cháu luôn bận rộn với công việc và các mối quan hệ xã hội, ít thời gian trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình, rất dễ khiến họ có cảm giác cô đơn.

Thiết nghĩ, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến ba mẹ, không chỉ quan tâm miếng ăn, giấc ngủ, sức khỏe thể chất mà còn phải quan tâm về mặt tinh thần.

Ba mẹ cả đời nhẫn nại hy sinh đến khi tuổi già vẫn còn bận bịu phụ con chăm cháu dù lẽ ra đã đáng được hưởng những ngày tháng thảnh thơi. Chúng ta cần có cách cư xử, lời nói, hành động chia sẻ, giúp ba mẹ có niềm vui bên con cháu ở tuổi xế chiều.

Bài, ảnh: SONG ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh