Ly hôn vì chồng là đại gia- nghe có vẻ "trớ trêu" nhưng lại là tình cảnh mà một số chị em gặp phải. Một người đàn ông thành đạt luôn hấp dẫn phụ nữ, nhưng nếu chỉ chăm chăm vào điều kiện kinh tế mà không chú trọng những vấn đề khác thì "lấy chồng giàu chẳng sướng".
Cuộc hôn nhân hạnh phúc phải đến từ tình yêu, sự tôn trọng và chia sẻ. |
Ly hôn vì chồng là đại gia- nghe có vẻ “trớ trêu” nhưng lại là tình cảnh mà một số chị em gặp phải. Một người đàn ông thành đạt luôn hấp dẫn phụ nữ, nhưng nếu chỉ chăm chăm vào điều kiện kinh tế mà không chú trọng những vấn đề khác thì “lấy chồng giàu chẳng sướng”.
Khổ cũng phải giấu
Chị L.T.T.N. tâm sự: “Chồng tôi chỉ có nhiều tiền chớ không biết gì khác nữa”. Về vật chất, anh lo chị không thiếu thứ gì nhưng hiếm khi thể hiện tình cảm yêu thương hay ngọt ngào với vợ.
Anh sắm cho chị nào xe SH, vespa, điện thoại iPhone đời mới nhất… Chị định mua thứ gì, mới nói hôm trước thì hôm sau anh đã lo đủ cả. Tuy nhiên, anh tuyệt đối không đi siêu thị, công viên, càng không đi du lịch đó đây cùng với vợ.
“Em cứ đi với mẹ, với con, tôi sẽ đưa tiền”- chị T.N. kể. Điều chị T.N. buồn nhất là nhà chị có rể cũng như không, anh không màng tới bên vợ, mỗi khi nhà bên vợ có đám tiệc, anh cũng chịu chi để phụ lo nhưng tuyệt đối không bao giờ xuất hiện vì “ngán nhậu”.
Cô bác, anh chị em bên vợ thấy anh mất tăm, lạt lẽo cũng phiền lòng. Nhiều lúc quá bức xúc vì cách hành xử của chồng, chị cằn nhằn thì chồng lại mang tiền ra giải quyết, lạnh lùng: “Cô thấy tôi lo nhà cửa còn thiếu thứ gì không mà còn ở đó càm ràm”.
Anh còn giao điều kiện là khi anh đi cà phê, giao tế với bạn bè dù có đến khuya thì chị tuyệt đối không được phép gọi điện thoại. Quần áo của anh, chị phải giặt tay và ủi cho phẳng mịn, nếu anh “coi không được” thì quăng, vợ phải nhặt lên, giặt và ủi lại. Chăm con cũng phải vô cùng tỉ mỉ, không được để con khóc nhè, ăn ít...
Có khổ chị cũng phải giấu vì khó giải bày được với ai- nhất là bạn bè- vì sĩ diện, vì ai cũng trầm trồ bảo chị tốt số có chồng giàu. Thời gian sau, chịu hết nỗi phong cách “đại gia kỳ quái” của chồng, chị T.N. quyết định ra tòa để thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Chị P.T.B.T. nổi tiếng xinh đẹp- là hoa khôi của trường ngày còn đi học. Lấy chồng là giám đốc một công ty chuyên về xây dựng, chị có xe hơi riêng và nắm trong tay tiền tỷ. Họ đã có 2 con (1 gái, 1 trai) vô cùng đáng yêu, ngoan ngoãn.
Nhiều người nhìn vào cứ nghĩ chị B.T. có cuộc sống vô cùng viên mãn. Nhưng không, chị B.T. luôn sống trong buồn tủi. Chồng chị có tính trăng hoa, thường xuyên đi suốt đêm ngày, không màng nhớ tới vợ con. Vợ gọi điện, có khi còn không bắt máy.
Nhiều lần đọc được tin nhắn của nhân tình, thậm chí là “bắt quả tang, day tận mặt”, chị yêu cầu chồng sửa đổi, quay về với gia đình nhưng anh cứ khăng khăng: “Công việc tôi phải giao du. Tôi sống như vậy đã quen rồi không thay đổi được”.
Đáng buồn là mẹ chồng không giúp khuyên răn, còn một mực bênh quý tử. Hạnh phúc không có được với chồng, chị còn phải chịu cảnh mẹ chồng giàu nhưng khó tính, xét nét từng chút một.
Ngột ngạt đến thế nhưng chị cũng phải ráng chịu đựng vì con cái và vì sĩ diện của gia đình khi vào làm dâu được gia đình bề thế, giàu có. Giờ chị không biết là mình có thể chịu được đến lúc nào.
Làm sao để hòa hợp
Bình thường phụ nữ làm dâu đã phải chịu những khó khăn nhất định. Việc lấy một người chồng xuất thân giàu có càng khiến chị em gặp càng nhiều áp lực hơn.
Trên thực tế, điều kiện kinh tế ảnh hưởng khá nhiều đến cách đối nhân xử thế của mỗi người.
Những “đại gia” khi có được gia sản lớn thì thường họ cũng có địa vị cao trong xã hội hoặc làm kinh tế giỏi, vì thế mà lối sống của họ đôi khi thiên về thực dụng, tính toán chi ly và đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe, nhất là họ phải thường xuyên đi sớm về trễ, thậm chí là thường hết cô này đến cô khác mà cho là giao tiếp.
Người phụ nữ về làm dâu trong những gia đình như thế thường bị chê bai và cảm thấy sốc. Nếu không chuẩn bị trước về tâm lý và không biết chịu đựng thì nguy cơ tan vỡ gia đình rất cao.
Chuyên gia khuyên rằng, trước khi tiến đến hôn nhân, chị em không nên quá chú trọng về kinh tế mà cần có thời gian tìm hiểu kỹ về người chồng tương lai cũng như gia đình chồng, từ đó có những chuẩn bị tốt về mặt tâm lý cho cuộc sống chung về sau.
Ngay từ đầu, vợ chồng cũng cần thiết lập một số nguyên tắc ứng xử. Chẳng hạn trong trường hợp có xung đột xảy ra, người chồng phải đứng ra làm trọng tài phân xử và vun đắp tình cảm giữa nàng dâu với gia đình chồng.
Trên thực tế, trong một số trường hợp người chồng không có bản lĩnh hoặc nhu nhược không dám bảo vệ lẽ phải thì giải pháp ly hôn là cứu cánh cuối cùng để người phụ nữ tự giải thoát mình.
Vì thế người phụ nữ lúc này cần phải cân nhắc thật kỹ giữa được và mất. Đôi khi chị em nghĩ đến hạnh phúc gia đình và hạnh phúc của con cái mà khéo léo hơn, nhường nhịn hơn một chút cũng là điều nên làm. Có thể về lâu dài, thiện chí ấy sẽ được gia đình nhà chồng hiểu ra và nhìn nhận.
Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người một tính cách khác nhau, hạnh phúc hay không là do vợ chồng biết dung hòa, yêu thương và chia sẻ.
Bài, ảnh: YẾN - HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin