Gia đình hạnh phúc

06:06, 28/06/2017

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt sẽ góp phần làm nên một xã hội tốt đẹp, văn hóa, văn minh…

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt sẽ góp phần làm nên một xã hội tốt đẹp, văn hóa, văn minh…

Ông Nguyễn Phước Trung vui thú điền viên bên vườn kiểng của mình.
Ông Nguyễn Phước Trung vui thú điền viên bên vườn kiểng của mình.

Là một gia đình văn hóa, mẫu mực tại địa phương, ông Nguyễn Phước Trung (ấp Phú An 2, xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) tự thấy mình phải có trách nhiệm với xã hội, với quê hương.

Ở địa phương, từ những chính sách, pháp luật của Nhà nước, nếu biết, ông sẵn sàng tuyên truyền, vận động bà con xóm ấp, nhất là khi xã xây dựng nông thôn mới.

Ông Trung cho biết: “Là người dân trong xã, khi có chủ trương làm công trình đê bao khép kín, tôi hết sức vui mừng và hoan nghênh”.

Ông Trung còn hiến phần đất khoảng 700m2 (trị giá hơn 150 triệu đồng) để làm đường và cầu bắc qua sông, từ UBND xã Bình Hòa Phước sang ấp Phú An 2. Ông còn vận động nhiều hộ khác hiến đất làm đường giao thông.

Ông tâm sự: “Vận động các hộ gia đình cùng tham gia với chính quyền xây dựng nông thôn mới, phải cho thấy được những công trình mang lại nhiều ý nghĩa cho quê hương, cho bản thân gia đình mình”.

Riêng việc hiến đất và vận động bà con hiến đất, cũng chỉ là một phần nhỏ để thực hiện trách nhiệm của một công dân yêu quê hương, đất nước nhằm xây dựng quê hương ngày càng đẹp, giao thông nông thôn thuận lợi hơn.

Đóng góp cho xã hội cũng là cách để ông giáo dục con cái. Gia đình gồm có 5 thành viên, trong đó, 2 con trai và con dâu đều đã thành đạt, người là kỹ sư, người là nhà giáo mẫu mực…

Gia đình cô Trần Thị Kim Em quây quần hạnh phúc.
Gia đình cô Trần Thị Kim Em quây quần hạnh phúc.

Đến ấp Phú Tân (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) hỏi gia đình cô Trần Thị Kim Em và chú Dương Văn Ơi thì ai cũng biết, bởi cô chú nổi tiếng giàu nghị lực, phấn đấu làm ăn và nuôi dạy con cái siêng năng lao động.

Cô Kim Em nhớ cái thời vợ chồng mới cưới, được cha mẹ cho ra riêng với hơn 1 công đất vườn “ngày nào vợ chồng tui cũng trầm nghịch dưới sông kéo lưới”, chừa một ít để ăn, số còn lại đem đi bán chợ. Có những ngày cô Kim Em đi chợ đến… 3 lần để bán cá.

Rồi các con lần lượt ra đời, mỗi lần đi kéo lưới, trên chiếc ghe cô lại đèo thêm 5 đứa nhỏ “vì nhà ở giữa đồng, không ai giữ”.

Các con lớn lên, đi học, áp lực cuộc sống ngày càng tăng nhưng nhờ sống tiết kiệm nên cô chú mua thêm được 3 công đất vườn, rồi 10 công ruộng và 4 con bò.

Cô Kim Em nói thêm: “Má tui hay kêu tui bằng Hai Sò vì mỗi khi dành dụm được tiền, tui lại đi mua 1 chỉ vàng để dành, có khi thiếu vài chục ngàn đồng, tui lại chạy về mượn má”.

Trong ngôi nhà tường 3 gian mát mẻ, các bé đang vui chơi cùng nhau. Cô Kim Em cười: “Con đi làm hết rồi. Dựng vợ gả chồng cho 4 đứa, giờ tui ở nhà mần lặt vặt và giữ 6 đứa nhỏ này”.

5 người con của cô chú đều đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Phú. Nhờ siêng năng và tiết kiệm nên ai cũng có dư và cất được nhà cửa khang trang.

Anh Dương Thanh Lâm chỉ 2 cậu con trai bụ bẫm đang chơi trò siêu nhân, cười: “Học theo cha mẹ, anh em tui làm gì cũng phải siêng năng để lo cho con cái đàng hoàng”.

Khi chúng tôi ra về, nghe anh Lâm và chú Ơi đang chuẩn bị ra ruộng chờ máy cắt, bởi “chuyện đốt đèn xịt thuốc, bón phân, cắt cỏ bò ăn là chuyện thường ở nhà này”- chú Ơi cười nói.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh