Đảm bảo quyền riêng tư của con

05:06, 08/06/2017

Lâu nay, nhiều phụ huynh vẫn thường có thói quen, sở thích đăng ảnh khoe con lên các trang mạng xã hội như facebook, youtube, zalo...

Lâu nay, nhiều phụ huynh vẫn thường có thói quen, sở thích đăng ảnh khoe con lên các trang mạng xã hội như facebook, youtube, zalo...

Theo nhiều chuyên gia, cha mẹ cần cân nhắc việc lựa chọn các hình ảnh để đăng tải lên mạng xã hội.
Theo nhiều chuyên gia, cha mẹ cần cân nhắc việc lựa chọn các hình ảnh để đăng tải lên mạng xã hội.

Song, khi Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Đây được xem là một việc làm thiết thực, góp phần bảo vệ trẻ em theo xu thế chung của thế giới.

Đăng ảnh con vì yêu con

Từ khi bé Mía chào đời đến 2 tuổi, thì trên facebook, zalo của vợ chồng chị Minh Thảo tràn ngập những khoảnh khắc đáng yêu của con.

Chị Thảo cho biết, vợ chồng chị đều có thói quen cập nhật những hình ảnh mới nhất của con trên mạng xã hội và xem đó là một cách để lưu lại, để nhìn con lớn khôn từng ngày.

Song, chị cũng như nhiều bậc phụ huynh khác khá chủ quan bởi thói quen này có thể gây nguy hiểm cho con và gia đình bởi thủ phạm có thể lấy thông tin trên mạng xã hội.

“Điện thoại, iPad lưu giữ rất nhiều hình của bé Mía và chị cũng thường xuyên đăng, chia sẻ hình ảnh con trên mạng để cho bản thân, bạn bè, người thân xem hình ảnh của con.

Mình cũng hổng nghĩ đó là điều gây hại cho con sau này bởi mình nghĩ đó là cách thể hiện tình yêu thương đối với con”- chị Thảo nói.

Không ít phụ huynh cho rằng, việc khoe hình ảnh con hay con cái học giỏi là niềm tự hào của cha mẹ thì việc đăng lên mạng xã hội khoe với bạn bè thì có gì xấu đâu.

Tuy nhiên, hành vi này sẽ được xem là vi phạm pháp luật nếu không được sự chấp thuận của trẻ. Đó là một trong những điểm nổi bật của Luật Trẻ em 2016 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6 năm nay với quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình...

Thông tin này nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh bởi hành động “khoe” con lên mạng xã hội đã trở thành thói quen của không ít người.

Chị Bích Hạnh cho rằng những quy định tại Luật Trẻ em là rất cần thiết để bảo vệ con trước tội phạm mạng, nhất là những kẻ ấu dâm. Không ít cha mẹ vô tư đăng hình ảnh con hơi phản cảm như “con sexy khi tắm”, “con sún hết hàng tiền đạo”, “con nhõng nhẽo” mà sau này khi xem lại khiến con xấu hổ với bạn bè. Việc chọn những khoảnh khắc đáng yêu của con khi vui chơi, sum họp gia đình lên mạng xã hội cũng có thể chấp nhận được vì đó là nhu cầu thể hiện tình yêu với con.

Đảm bảo quyền riêng tư của con

Dù có con gái hơn 1 tuổi, nhưng anh Tấn Trung chưa bao giờ đăng ảnh con trên facebook. Đồng nghiệp hay bạn bè có hỏi đòi xem ảnh bé thì anh gửi qua tin nhắn riêng, hay qua mail cho xem và dặn đừng úp hình bé.

Anh Trung cho biết: “Anh rất sợ kẻ gian lợi dụng lấy hình ảnh con giả mạo thì mệt lắm bởi sự thật và giả tạo trên face khó phân biệt, thà không đăng mình sẽ không lo”.

Theo các chuyên gia về luật, bản thân đứa trẻ chưa nhận thức rõ tác hại khi người lớn đưa hình ảnh của chúng lên mạng. Do vậy, pháp luật phải bảo vệ trẻ cho đến khi trưởng thành, có khả năng tự bảo vệ, quyết định quyền nhân thân của trẻ.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, có một trường hợp vì cha mẹ đăng tải công khai hình ảnh, trường học của con mà suýt nữa con bị bắt cóc. Lý do vì trời mưa, cha mẹ kẹt xe nên đến đón con trễ.

Trong khi đó, kẻ gian đã đến trường gặp trẻ, đọc rõ tên cha mẹ và nói cha mẹ bận nên nhờ chú đến đón hộ. May mắn rằng đúng lúc đó người cha đến kịp.

Ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)- cho biết: “Để những quy định của Luật Trẻ em và Nghị định 56 đi vào cuộc sống, chúng tôi cho rằng cần rà soát lại các bộ luật và luật liên quan khác để làm sao những vi phạm trong việc công bố, phổ biến bí mật đời sống riêng tư của trẻ em mà gây tác hại cho trẻ em thì phải được xử lý.

Ngoài ra, cần giáo dục lại cho các bậc cha mẹ hiểu rõ tác hại khi phổ biến rộng rãi và quá chi tiết những thông tin bí mật về đời sống riêng tư của trẻ em.

Thực tế đã cho thấy những thông tin này dễ bị kẻ xấu lợi dụng và gây tổn hại lâu dài đến trẻ em. Bởi vì một thông tin tung lên mạng sẽ rất khó thu lại và có thể đi theo đứa trẻ đó đến hết cuộc đời”.

Luật Bảo vệ trẻ em quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư (Điều 21) và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Điều 54).

Theo đó, việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ mà không được sự đồng ý của trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên và cha mẹ, người giám hộ trẻ sẽ bị cấm, là vi phạm pháp luật. Nghị định 56 hướng dẫn về Luật Trẻ em cũng chỉ ra thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ là thông tin về: tên tuổi, tình trạng sức khỏe ghi trong bệnh án, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng cá nhân, kết quả học tập... Như vậy nếu cha mẹ của trẻ, người nào đăng ảnh, thông tin riêng tư... của trẻ lên facebook, trang mạng thì có thể vi phạm pháp luật.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh