Công tác gia đình ở Vĩnh Long được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và xác định đây là một trong những mục tiêu chiến lược có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, được cụ thể hóa bằng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các văn bản chỉ đạo về công tác gia đình của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL), công tác gia đình ở Vĩnh Long được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và xác định đây là một trong những mục tiêu chiến lược có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Nhiều hoạt động được tổ chức kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28/6, trong đó có hội thi nấu ăn của gia đình văn hóa. |
Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác gia đình, góp phần nâng chất danh hiệu “Gia đình văn hóa” và kéo giảm số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh, BCĐ công tác gia đình tỉnh Vĩnh Long đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác gia đình và phòng chống BLGĐ.
Nổi bật là các quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống BLGĐ; kế hoạch thực hiện Đề án hỗ trợ, chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần đối với người cao tuổi giai đoạn 2016- 2020; kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020; kế hoạch thực hiện Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020.
Đặc biệt, “Quyết định số 17 quy định tiêu chuẩn công nhận và hướng dẫn chấm điểm các danh hiệu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) do UBND tỉnh ban hành năm 2012, được xem là văn bản rất quan trọng, nhằm nâng chất lượng của phong trào trên tính kế thừa Chỉ thị số 01 năm 1996 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về tổ chức thực hiện cuộc vận động “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư” trước đây”- ông Đào Công Đức- Trưởng Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình thuộc Sở VH, TT và DL, Phó Chánh Văn phòng BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh- cho biết.
Trên cơ sở những văn bản được ban hành, Sở VH, TT và DL Vĩnh Long với vai trò Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ công tác gia đình của tỉnh đã triển khai, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể, phòng văn hóa- thông tin các huyện- thị- thành trong tỉnh tuyên truyền kết hợp với tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), để công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hưởng ứng, thực hiện.
Trong đó, vận động, khuyến khích mọi người tổ chức bữa cơm gia đình vào khung giờ chung từ 17 giờ đến 19 giờ nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6), nhằm đề cao giá trị của bữa cơm truyền thống trong gia đình Việt Nam.
Sở VH, TT và DL cũng phối hợp đưa tin, bài tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phòng- chống BLGĐ trên các trang Báo Vĩnh Long, Bản tin Văn hóa, trang thông tin của Sở VH, TT và DL. Hàng năm, tổ chức hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh.
Nếu những năm không tổ chức hội nghị, thì tổ chức các hoạt động: Tọa đàm “Bữa cơm ấm áp yêu thương của gia đình trẻ”; hội thi nấu ăn chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”; hội thao Gia đình văn hóa; tổ chức trò chơi dân gian cho các gia đình tham gia và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở địa phương.
Từ năm 2016 đến nay, Sở VH, TT và DL còn vận động các cơ sở kinh doanh du lịch miễn, giảm giá vé các dịch vụ, lưu trú, tham quan… cho người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc. Hưởng ứng đợt vận động, Công ty CP Du lịch Cửu Long không thu phí phụ thu đối với các bé đi cùng gia đình sử dụng các dịch vụ tại khách sạn Cửu Long, giảm giá cho 110 khách là người cao tuổi.
Hộ kinh doanh Mười Hưởng miễn phí tham quan và 50% chi phí ăn uống cho 30 người là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.
Các gia đình tham gia trò chơi dân gian đập heo đất. |
Tính đến cuối năm 2016, Sở VH, TT và DL đã triển khai mô hình can thiệp phòng- chống BLGĐ cho 52 xã- phường- thị trấn trong tỉnh; 3 xã được triển khai Mô hình can thiệp nhằm giảm tiêu cực tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài và 4 phường được triển khai Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam.
Hiện, toàn tỉnh có trên 320 CLB gia đình phát triển bền vững, 298 nhóm xung kích phòng chống BLGĐ, 300 tổ tư vấn hòa giải.
Các CLB đã tổ chức 1.700 cuộc sinh hoạt tuyên truyền phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, phổ biến pháp luật, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, có 9.000 người tham dự.
Thông qua các đợt tuyên truyền và các hoạt động được tổ chức, nhận thức của người dân về công tác gia đình và phòng chống BLGĐ ngày càng được nâng lên, tinh thần đoàn kết được thắt chặt, nhiều gia đình được cộng đồng hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
Từ năm 2013 đến nay (lấy mốc thời gian Quyết định số 17 sau khi được UBND tỉnh ban hành), theo thống kê của BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, số lượng gia đình văn hóa tăng theo từng năm.
Cụ thể, năm 2014, tỉnh có 240.551 hộ gia đình văn hóa, đạt 92,7% (tăng 7.632 hộ so năm 2013); năm 2015 con số này tăng lên gần 94% và năm 2016 là 94,02%. Số vụ BLGĐ cũng giảm còn 89 vụ năm 2016, so năm 2015 giảm 62 vụ.
Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu xuất sắc, nhiều tấm gương tốt về “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình trẻ hạnh phúc”… được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng.
Tiêu biểu là gia đình ông Trần Hữu Hạo (xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) được tuyên dương gia đình hiếu học, tham gia tốt công tác xã hội; gia đình cô giáo Lê Thị Hồng Lộc (xã Lộc Hòa- Long Hồ) tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình, vượt khó thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn; gia đình bà Đào Thị Vân (xã Hòa Bình- Trà Ôn) là gia đình hiếu học, làm kinh tế giỏi và tham gia tốt công tác xã hội; hay gia đình ông Cao Thanh Hùng (xã Long Mỹ- Mang Thít) cũng là gia đình hiếu học, hiến đất xây dựng nông thôn mới,…
Đây là những hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, điển hình của hơn 246.000 gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Từ đó minh chứng, chất lượng hộ gia đình văn hóa được nâng chất cao hơn, đã tạo động lực thúc đẩy chất lượng những phong trào khác cũng được nâng lên. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 766 ấp- khóm- khu dân cư văn hóa, đạt 90,43%, 41 xã đạt văn hóa nông thôn mới; 2 phường- thị trấn văn minh đô thị, đạt 13,33% và 25 xã nông thôn mới, đạt 28,08%.
Cùng sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân là yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác gia đình tỉnh Vĩnh Long thời gian qua. Đây là động lực quan trọng để mọi người xây dựng gia đình mình thành gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình không có bạo lực và đạt tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin