Buồn vui nếp nhà ngày tết

01:01, 12/01/2017

Ngày tết là những ngày được xúng xính quần áo đẹp, được ăn uống nghỉ ngơi, đi chơi thưởng thức cảnh đẹp, không khí xuân ấm áp. Tuy nhiên, không ít nàng dâu thật sự chán ngán, mệt mỏi và phát "hoảng" với nếp nhà bên chồng những ngày tết.

Ngày tết là những ngày được xúng xính quần áo đẹp, được ăn uống nghỉ ngơi, đi chơi thưởng thức cảnh đẹp, không khí xuân ấm áp. Tuy nhiên, không ít nàng dâu thật sự chán ngán, mệt mỏi và phát “hoảng” với nếp nhà bên chồng những ngày tết.

Điều tiết một cách hợp lý để phụ nữ còn thời gian vui chơi cùng những người thân yêu.
Điều tiết một cách hợp lý để phụ nữ còn thời gian vui chơi cùng những người thân yêu.

Đầu tắt mặt tối những ngày xuân

Nghe mấy em đồng nghiệp nôn nả những ngày tết mà chị Hồng Mai thở dài ngao ngán, chị thật sự sợ mấy ngày này. Hồi mới lấy chồng, chị đã một phen hụt hẫng và cho đến nay đã 5 năm vẫn vậy, ngày tết là những ngày đầu tắt mặt tối không thấy gì là xuân. Gia đình chồng chị là một đại gia đình bề thế, đông thành viên, có công danh sự nghiệp, giao thiệp rộng từ họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp…

Nên những ngày tết, nhà chị cứ thế thay phiên nhau đón khách, thết đãi khách đến chóng mặt. Ba mẹ chồng lại là người kỹ tính trong chuyện ăn uống, ngay từ những ngày trước tết, cả nhà đã chuẩn bị ê hề những thức ăn, nào là mua sẵn, nào là tự làm… đủ thứ món ngon vật lạ.

Chị và người em dâu đều phải đi làm tất bật nhưng cũng phải cùng “đồng tâm hiệp lực” chiến đấu với đủ mọi chuyện. Ngày 30 tết, mùng một thì lo bày mâm cúng, lo ăn uống trong nhà, từ mùng 2 dài đến hết tết là bà con họ hàng ở quê, bạn bè của ba mẹ chồng, rồi đồng nghiệp, bạn bè của các thành viên trong nhà thay phiên nhau đến chúc tết. Ba mẹ chồng chị rất hiếu khách và có “cái lệ” là hễ ai mà đến chúc tết thì không chỉ uống chun trà, ăn cái bánh là về mà phải bày mâm dọn tiệc, nhấm nháp vài ba ly đàm đạo mùa xuân.

Chỉ khổ cho 2 nàng dâu phải nấu nướng, bưng bê thức ăn nước uống, dọn dẹp hết mâm này đến mâm khác không có lúc nghỉ ngơi, cũng không có được ngày rảnh rỗi về bên nhà ngoại chơi tết. Do đó, chị Hồng Mai thấy sợ những ngày tết và thật sự mệt mỏi.

Nàng dâu mới Ngọc Hiền cũng “hoảng” không kém khi cái tết đầu tiên bên nhà chồng lại “khủng” đến thế. Là con gái thành thị có chồng về quê, Ngọc Hiền cũng ít nhiều biết được sẽ có những bất đồng, nhưng không ngờ lại khác biệt đến thế.

Ở nhà chồng, từ ngày 29 tết là phải gói bánh tét nấu đến ngày 30, phải tự làm dưa kiệu, giò chả, cuốn nem, làm dưa cải, biết bao là món phải tự nhà làm mà Hiền vốn có biết làm món gì đâu.

“Hoảng” nhất là suốt mấy ngày tết nhà chồng Hiền phải cúng ông bà tổ tiên, ngay cả chồng Hiền còn không biết hết là cúng những ai mà ngày nào cũng nấu vài món tươm tất để cúng.

Cứ sáng sớm là phải dậy lo nấu nướng để đến giờ cúng, bàn thờ thì ở trên lầu, nội chuyện bưng mấy mâm chén đũa, nào là chén lớn chén nhỏ, tô dĩa la liệt mỗi thứ một chút, cúng xong phải dọn xuống để chiều còn cúng thứ khác, Hiền hoa cả mắt. “Có lúc bưng mâm cơm leo lên lầu bị trượt chân suýt té, nước mắt cứ chực tuôn ra, nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ những ngày tết tung tăng với bạn bè vui biết bao…”- Hiền tâm sự.

Để có cái tết thật vui, ý nghĩa

Ngày tết mới có dịp được ăn ngon, mới có thời gian nghỉ ngơi và thăm hỏi nhau. Tết truyền thống thì phải duy trì, giữ gìn nét Việt riêng, nhưng nên chọn lọc những điều tốt đẹp để phát huy, giảm bớt những điều phiền hà, khó chịu, mệt mỏi không còn phù hợp.

Ngày nay, nhiều nhà đã giảm bớt những thủ tục bếp núc rườm rà, ăn uống đơn giản để dành thời gian đi chơi, du lịch, nghỉ ngơi tận hưởng những ngày vui vẻ bên người thân.

Con dâu nào cũng muốn thể hiện trách nhiệm của mình, hiếu thảo, đảm đang chăm sóc gia đình bên chồng để cả nhà vui vẻ sum vầy, nhưng chính những quy tắc bất di bất dịch đó đã làm họ mệt mỏi và đôi khi chán nản.

Những người phụ nữ cũng cần được nghỉ ngơi, được vui vẻ đi chơi cùng chồng con nhưng không ít bà mẹ chồng nặng tư tưởng cũ hay đòi hỏi nàng dâu phải “trực chiến 100%”, đã gây áp lực lớn khiến nhiều nàng dâu sợ tết quê chồng.

Khi mới kết hôn, vợ chồng cần có sự chia sẻ, trao đổi với nhau về cách ứng xử, đối đãi với hai bên nội, ngoại sao cho hợp lý.

Hai người nên sắp xếp từ trước lịch của các ngày nghỉ dài trong năm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán để có thời gian thư giãn và về thăm hai bên nội ngoại.

Nếu bạn cảm thấy thực sự mệt mỏi, căng thẳng và những công việc đặt ra trước mắt là quá sức thì hãy nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh. Điều này không những giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều mà đây còn là cách để các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn.

Dễ hay khó là ở lòng người, quan trọng là biết nghĩ về cha mẹ hai bên. Cha mẹ cũng cần thông cảm, đừng chấp nệ con dâu thì khó khăn mấy cũng vượt qua.

Tết truyền thống vốn mang ý nghĩa duy trì giữ gìn nét đẹp Việt Nam nhưng trong đời sống hiện đại, nếu không được chắt lọc bớt những nghi thức rườm rà không còn phù hợp thì không khéo không khí hạnh phúc, êm ấm trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng.

  • ™Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh