Từ bao đời nay, người đàn ông luôn là trụ cột trong gia đình. Song, trong xã hội hiện đại, không ít người vợ là nữ tướng, cầm quyền trong nhà. Tuy nhiên, không phải người vợ nào cũng biết cách cư xử khéo léo, mềm mỏng với đức lang quân của mình. Vậy là mâu thuẫn từ đó mà phát sinh.
Từ bao đời nay, người đàn ông luôn là trụ cột trong gia đình. Song, trong xã hội hiện đại, không ít người vợ là nữ tướng, cầm quyền trong nhà. Tuy nhiên, không phải người vợ nào cũng biết cách cư xử khéo léo, mềm mỏng với đức lang quân của mình. Vậy là mâu thuẫn từ đó mà phát sinh.
Vợ chồng phải song hành, tôn trọng và bình đẳng với nhau để tìm thấy hạnh phúc. Ảnh mang tính minh họa |
Đừng quá đáng!
Vợ anh L.M.T. (Long Hồ) làm công nhân khu công nghiệp, anh ở nhà lo việc đồng áng, chăm sóc 2 con nhỏ, ai thuê gì làm nấy để phụ vợ tiền chi tiêu.
Vốn tính tình hiền lành, ít nói và hơi nhút nhát, anh T. hay nhường nhịn, vợ “sai đâu đánh đó”.
Tiền bạc đều giao vợ quản lý, mọi quyết định lớn nhỏ trong nhà từ việc ăn món gì đến trồng cây gì, nuôi con gì tất tần tật đều do vợ quyết định- thậm chí không cần bàn qua ý chồng.
Ngoài gánh hết việc nhà như nấu nướng, giặt giũ,… anh còn chăm sóc chu đáo cho vợ từng miếng ăn, giấc ngủ. Vậy mà thỉnh thoảng vợ anh còn cằn nhằn: “Làm gì chậm như rùa bò?
Sao không khéo gì hết vậy?” Có khi anh đi làm thuê về chưa kịp nghỉ ngơi, chị đã giao anh tắm rửa, cho con ăn. Anh chưa kịp làm thì chị nạt nộ: “Không làm thì thôi, đừng có rề rà”.
Chưa kể, nhiều khi rảnh rỗi, anh uống vài ly với anh em bằng hữu thì chị vợ mặt lớn mặt nhỏ chì chiết khiến ai cũng lắc đầu ngao ngán.
Còn bà con hàng xóm anh P.T.M. (xã Hòa Phú- Long Hồ) thì ai cũng thương cảm khi chứng kiến cảnh anh bị vợ “mắng như con”.
Chị L.Y.K. chưa hết ngạc nhiên kể: “Hôm bữa trời nhá nhem tối, tui thấy chị N. (vợ anh T.M.) đi với một người nam ngang qua nhà tui, vừa đi vừa chửi: “Về nhà kỳ này tao quýnh cho mày mềm thây. Bỏ cái tật tao nói rồi mà mày trơ trơ như đàn khải tai trâu nhe!”
Tui cứ ngỡ chỉ mắng con nhưng mẹ tui nói là chỉ chửi chồng đó. Có bữa còn đánh chồng luôn, bà con người ta biết hết rồi. Chồng sợ chỉ như sợ cọp”.
Dù hết mực thương yêu, chăm sóc vợ con, sống có trách nhiệm nhưng anh N.H.Q. vẫn thường bị ê mặt với bạn bè vì mỗi lần ra khỏi nhà là bị vợ gọi điện giục về.
Nếu anh bắt máy, chị sẽ la ó vô điện thoại khiến bạn bè nghe thấy. Nếu không bắt máy, chị sẽ gọi mãi không ngừng. Còn nếu tắt máy thì về nhà thế nào vợ chồng cũng có chuyện lục đục.
Anh đã nói vợ nhiều lần đừng làm vậy nữa nhưng chị không nghe, còn sừng sộ lên la mắng anh. Cùng tình cảnh, anh P.A.H.- chủ một tiệm nước sơn ở Bình Tân chia sẻ: “Có khi cuối tuần, định ngồi lại ăn uống với khách hàng hoặc anh em trong tiệm thì vợ cứ gọi giục về.
Nếu không nhanh chân về, vợ hỏi thăm tìm được chỗ, đi tới nơi la lối om sòm, cũng phải về mà càng xấu mặt”.
Nên song hành cùng chồng!
Trong cuộc sống hôn nhân, vợ chồng phải có sự cân bằng, tôn trọng lẫn nhau. Người đàn ông là trụ cột gia đình nên khi người chồng nói đúng thì người vợ phải nghe theo. Ngược lại, khi người vợ mong muốn, chia sẻ, khuyên nhủ điều gì đúng thì người chồng cũng phải nghe.
Có trường hợp vợ chồng nọ đã đến tuổi sắp về chiều lại kéo nhau ra tòa ly dị chỉ vì người chồng đã hết sức chịu đựng bà vợ “như bà la sát”.
Ông nói vì con cái nên ông ráng chịu đựng, giờ bọn trẻ đã lớn nên ông muốn giải thoát. Ấy vậy mà khi ra tòa, bà vợ còn lớn tiếng mắng chửi chồng, tranh giành phân chia tài sản trước tòa. Cho dù tòa án có hòa giải thế nào họ cũng quyết định ly dị.
Khi được hỏi, nhiều chị vợ cho biết, chỉ vì muốn các anh không la cà, rượu chè be bét mà chí thú làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc nên mới quản lý sát sao như vậy.
Nhưng, thay vì dùng lời lẽ, cử chỉ thô bạo làm xấu mặt chồng, các chị nên lựa lời khuyên giải, có chuyện không hài lòng, vợ chồng cần “đóng cửa bảo nhau”, không nên la lối um xùm làm phiền hàng xóm, làm xấu mặt mình.
Có những trường hợp do có vợ quá giỏi giang, đảm đang nên các ông chồng ỷ lại, phó thác mọi việc cho vợ và từ đó tạo thành thói quen để vợ quyết mọi thứ trong gia đình, họ dường như cũng nhu nhược chấp nhận “an phận”.
Người chồng nhường thế làm chủ cho vợ, chính vì thế, nhiều người vợ có phần lấn lướt vị trí của người đàn ông trong nhà, dẫn đến những mâu thuẫn khó có thể giải quyết trong gia đình.
Tuy nhiên, cũng có không ít người vợ khôn khéo, đảm đang, họ vận dụng “quyền làm chủ” gia đình như một sự thuận lợi để quán xuyến, chăm sóc chồng con và làm một người vợ tuyệt vời hơn.
Vì vậy, người phụ nữ hãy luôn ở đúng vị trí “làm vợ” của mình. Một người vợ đảm đang phải là người bước “song hành” cùng chồng con, chứ không phải là người tìm cách đứng ở vị trí cao hơn để chỉ huy mọi thành viên trong tổ ấm.
Và ở trong bất kỳ thời đại nào, để có một gia đình hoàn hảo hãy luôn làm người “xây tổ ấm” theo đúng nghĩa của nó.
Bài, ảnh: YẾN ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin