Khổ vì chồng "bợm"

04:09, 15/09/2016

Trong cuộc sống, không ít đàn ông "chịu nhậu". Nhưng nhậu vì giao tiếp công việc, gặp gỡ giao lưu bạn bè lâu ngày gặp nhau còn chấp nhận được chứ nhậu theo kiểu "ngày này kéo sang ngày khác" đến nỗi tan nhà nát cửa, khổ vợ khổ con thì không nên chút nào.

Trong cuộc sống, không ít đàn ông “chịu nhậu”. Nhưng nhậu vì giao tiếp công việc, gặp gỡ giao lưu bạn bè lâu ngày gặp nhau còn chấp nhận được chứ nhậu theo kiểu “ngày này kéo sang ngày khác” đến nỗi tan nhà nát cửa, khổ vợ khổ con thì không nên chút nào.

Họp mặt gia đình, giao lưu bạn bè đúng nghĩa thì cuộc nhậu sẽ vui, lành mạnh. Ảnh mang tính minh họa
Họp mặt gia đình, giao lưu bạn bè đúng nghĩa thì cuộc nhậu sẽ vui, lành mạnh. Ảnh mang tính minh họa

Khổ vì chồng “nhậu từ sáng đến chiều”

Chú Ch.C. (Long Hồ) khiến cả xóm nhỏ “ấn tượng” vì thường xuyên rượu chè “be bét” và có cách nhập tiệc y như trong… kịch hài. Hễ đi ngang nhà hàng xóm thấy có tiệc rượu, không cần biết hàng xóm có chào mời mình không, ông đã lên tiếng: “Ai kêu tui đó… có tui đây…” rồi sà vào bàn rượu là nói ngay “tui có lỗi quá, tui đến trễ, phạt tui một ly đi”.

Vì quá “nhiệt tình” với rượu nên việc nhà đều đổ cho vợ và các con. Đông nhân khẩu, nhà khó khăn nên các con chú C. đều bỏ học và bươn chải sớm. Vợ con buồn giận, thường xuyên lục đục cãi vã cũng vì rượu.

Cũng ở Long Hồ, anh B.H. mỗi ngày “nạp” vào người khoảng 2 lít rượu. Thường thì tờ mờ sáng đã có bạn đến nhà rủ nhậu, rải rác suốt ngày chừng 6 chập, đến tối thì không còn biết trời đất gì. Nhậu riết quen mùi, uống hoài không xỉn.

Hàng xóm anh B.H. xầm xì: “Ổng nhậu suốt ngày không lo làm ăn, vợ ổng buồn bỏ nhà đi làm xa, vậy mà ổng không thay đổi, còn nói thà bỏ vợ chớ không bỏ nhậu”.

Cũng có chồng nghiện rượu, chị P.T.M (Bình Tân) buồn rầu chia sẻ: “Chồng tui rất thương vợ con nhưng có tật mê rượu chè, tui khuyên hoài hổng nghe. Lúc bình thường làm hết mọi việc nhưng hễ ai rủ một tiếng là bỏ hết, nhậu đến khi tàn cuộc, không còn biết trời đất gì nữa.

Đáng nói là nhậu vào thì kiếm chuyện chửi bới. Lắm lúc còn ghen tuông, đánh vợ, chửi hàng xóm. Con cái trong nhà buồn phiền. Tui rất khổ tâm. Tui khuyên ổng hoài nên bớt nhậu, lo làm ăn. Phen này nếu ổng không nghe, tui sẽ nhờ địa phương can thiệp”.

Bà P.T. B. (65 tuổi, Tam Bình) thì buồn bã: “Mấy chục năm nay cả nhà không ngày nào được yên vì cái thói rượu chè của ổng”. Theo lời tâm sự của bà thì chồng bà nghiện rượu từ khi còn trẻ:

“Trước ổng uống chừng 1 xị rượu đế mỗi buổi chiều. Lúc chưa uống rượu thì hiền lắm, không mất lòng ai nửa lời. Nhưng có rượu vào là cứ như biến thành người khác, cự nự trong nhà, rầy rà hàng xóm.

Đáng nói là ngày càng già, ổng uống càng nhiều hơn, có khi tới cả lít một ngày. Bởi vậy, lúc nào cũng say xỉn, hự hẹ, cả nhà phải chịu đựng khổ lắm”.

Chị T.T.N.- con bà B.- nói: “Thương má lắm, má khổ cả đời. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều một tay má lo. Ba uống rượu về hằn học, kiếm chuyện có khi còn đánh đập, má chỉ biết khóc”.

Trang bị để “trị” chồng “bợm”

Không chỉ khổ vì chồng bỏ mặc gia đình để bù khú, nhiều chị vợ còn lao đao khi phải chạy vạy chữa trị khi các ông chồng mắc bệnh hay gặp tai nạn do say xỉn.

Các chị vợ thường có tâm lý chung là khi chồng đi nhậu về thường càm ràm, nhiếc móc nhưng sau đó chỉ cần ông xã im lặng hay nhận lỗi là “cho qua”. Đàn ông hay vịn vào điều này và cố chịu cho vợ nói mấy câu là xong, sau đó đâu lại vào đấy...

Phụ nữ lại hay mủi lòng, thương chồng bệnh, sợ chồng tai nạn, lo gia đình tan vỡ thì khổ con... nên cứ cố lôi kéo chồng về mà không cương quyết có biện pháp quyết liệt để người đàn ông nhận ra họ có thể sẽ mất đi gia đình, nếu cứ sống lối vô trách nhiệm đó.

Chị em cần bình tĩnh và khéo léo tìm cách khắc phục, biện pháp tốt nhất là không cằn nhằn và đừng mang chuyện anh ấy hay say xỉn đi kể cho nhiều người nghe, nhất là con cái.

Khi chồng tỉnh táo, hãy thường xuyên tâm sự với chồng những công việc hàng ngày của gia đình, kể rằng mỗi khi anh ấy say rượu, trở về nhà muộn, bạn và con cái lo lắng, vất vả như thế nào; nhắc khéo những sai sót anh ấy gây ra; kể về hình ảnh người chồng, người cha đáng kính lâu nay đã trở nên nhếch nhác khi say, để anh ấy tự thấy xấu hổ và rút kinh nghiệm.

Hãy thỏa thuận với anh ấy cắt giảm việc rượu chè vào mỗi tuần, tuyệt đối không được uống quá say, có thể buộc chồng cam kết trước vợ con. Trước sự quan tâm, lo lắng của vợ con, dần dần anh ấy sẽ ý thức được vấn đề.

Là người vợ, phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao anh ấy hay rượu chè, có phải anh ấy coi đó là thú vui, hay do chuyện buồn trong công việc đã khiến anh ấy bị stress, phải dùng tới rượu bia để giải sầu.

Lúc đó có thể tâm sự với chồng để hiểu những khó khăn, vướng mắc của anh ấy, thường nấu những món ăn gọi chồng về ăn cùng gia đình.

Tuy nhiên, với những trường hợp các ông chồng mê nhậu tới quên hết tất cả thì cũng khó lòng thay đổi. Với các trường hợp này, người vợ nếu không thể chia tay, thì cần tìm cách cứu mình khi buộc phải “sống chung với lũ”.

Thay vì chờ chồng, canh cửa, hãy lo giữ gìn sức khỏe bản thân và chăm sóc con cái, quản lý chặt chẽ tiền bạc, tài sản để tránh các ông chồng “nướng” vào các chầu nhậu.

Cũng nên thông báo cho bên chồng biết tình trạng nhậu nhẹt của ông xã và thái độ không đồng tình của mình với việc này, hãy tính đến cả việc bảo vệ bản thân để không bị cảnh bạo lực gia đình khi chồng say xỉn quên cả vợ con.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên chị em tùy theo hoàn cảnh gia đình và tính cách chồng mà có cách khác nhau để giúp chồng hạn chế bia rượu, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Khi người phụ nữ can đảm để quyết định cuộc đời mình, không chạy theo ông chồng bợm nhậu nữa, người đàn ông sẽ buộc phải suy nghĩ khác để thay đổi.

Các anh chồng cũng cần thể hiện bản lĩnh đàn ông bằng việc xác định trách nhiệm của mình với gia đình, biết kiềm chế những thú vui, biết từ chối những cuộc nhậu không cần thiết. Phải ý thức được khi đã lập gia đình thì cần vun đắp, trân trọng và chính mình phải xây dựng nếp nhà, làm gương cho con cái.

Bài, ảnh: YẾN- HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh