Hiện nay, hàng loạt kiểu phù phép, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm bẩn đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng- nhất là các bà nội trợ. Bởi họ là người trực tiếp mỗi ngày chăm lo bữa cơm cho gia đình.
Hiện nay, hàng loạt kiểu phù phép, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm bẩn đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng- nhất là các bà nội trợ. Bởi họ là người trực tiếp mỗi ngày chăm lo bữa cơm cho gia đình.
Để sản xuất bền vững, nhà nông, nhà doanh nghiệp phải tạo niềm tin cho người nội trợ về bữa cơm gia đình an toàn. |
Không biết đâu là an toàn
Ngày nay, người ta đã không còn xa lạ với vấn đề thực phẩm ngâm hóa chất, dùng chất tẩy, sử dụng thuốc tăng trưởng...
Người tiêu dùng dù biết rằng có thể mình đang đưa chất gây ung thư, chất độc hại vào cơ thể từng ngày, nhưng thật sự rất khó có sự lựa chọn nào khác cho mâm cơm nhà mình.
Chị Võ Ngọc Dung sống tại TP Hồ Chí Minh, ngao ngán chia sẻ: “Là người chịu trách nhiệm 3 bữa cơm cho những người thân yêu trong nhà, song thị trường nhiều thực phẩm độc hại như hiện nay khiến tôi rất hoang mang, lo sợ.
Gần đây, tôi hay đi siêu thị cho đảm bảo nhưng lại có thông tin thực phẩm bẩn đã tuồn vào siêu thị thì không biết làm sao đây.
Mỗi ngày tôi suy tính rất lâu phải mua món gì ăn cho ít rủi ro, tôi đã giảm bớt lượng thịt heo vì sợ chất tạo nạc, thường ăn nhiều cá. Rau xanh thì chọn lựa rất kỹ về rửa với nước chuyên rửa rau quả, như thế cũng không biết là có đảm bảo an toàn hay chưa”.
Chị Kim Thoa- bà nội trợ 36 tuổi- cũng lo sợ: “Mấy ngày nay, bạn bè tôi còn kháo nhau là nên mua nước mắm về trữ ăn lâu dài vì sợ thời gian tới nước mắm có thể được ủ làm từ những con cá chết do nhiễm độc hiện nay tại miền Trung, cũng nên cẩn thận với cá biển vì không biết có bị ướp hóa chất gì để bán ngoài chợ hay phù phép thành những món ăn hấp dẫn tại các hàng quán, do những kẻ xấu vì lợi ích cá nhân đã làm chuyện hại người.
Đi chợ riết tôi cũng không biết phải mua gì ăn để vừa ngon vừa an toàn cho sức khỏe mà lại phù hợp với chi tiêu gia đình khi mà đâu đâu cũng toàn là thực phẩm bẩn. Một bài toán khó cho các bà nội trợ hiện nay”
Hãy là người nội trợ thông minh!
Không thể không ăn, không thể không có bữa cơm gia đình, vì thế mỗi bà nội trợ phải là người tiêu dùng thông minh và hết sức bình tĩnh trước “ma trận” thực phẩm bẩn.
Để nhận biết thực phẩm sạch, an toàn cũng cần dựa trên kinh nghiệm và sự hiểu biết của từng người nội trợ. Chẳng hạn, rau xanh là không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, nhưng mua rau ở đâu an toàn thì nhiều người tiêu dùng không biết.
Theo kinh nghiệm, người nội trợ nên chọn loại rau độ tốt vừa phải, thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh bình thường, không nên chọn những mớ rau có cọng quá to, quá xanh mướt.
Còn cách phân biệt thịt heo có chất tạo nạc và thịt heo sạch đơn giản đầu tiên đó là dựa vào màu sắc sản phẩm. Một miếng thịt bình thường có màu hồng nhạt trong khi thịt heo có chất tạo nạc thường có màu đỏ bóng, sáng hoặc đỏ sậm, trông rất thiếu tự nhiên.
Tiếp theo đó là dựa vào lớp mỡ trên thịt, người dân nuôi heo theo cách bình thường sẽ mất rất nhiều thời gian, chính vì lẽ đó mà lớp mỡ và da heo sẽ dày, còn ở thịt có chất tạo nạc thì ngược lại lớp mỡ rất mỏng.
Trước tình hình khó nhận biết về chất lượng thực phẩm như hiện nay, các bà nội trợ chia sẻ nhiều “bí kíp” để có bữa cơm an toàn cho gia đình.
Giải pháp phổ biến vẫn là tự trang bị thông tin, kiến thức, kỹ năng lựa chọn thực phẩm thông qua các kênh thông tin, các trang mạng giúp các bà nội trợ nâng cao kiến thức tiêu dùng cũng như các thói quen sống, sử dụng đồ ăn có lợi cho sức khỏe.
Khi mua phải xem kỹ thức ăn bằng kinh nghiệm của mình, nhìn bằng mắt chưa đủ, phải sờ ấn bằng tay, kiểm tra cả chất lượng sau khi nấu.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải thông tin rộng rãi và thường xuyên đến người dân thế nào là thực phẩm sạch, cách phân biệt thực phẩm kém chất lượng, hướng dẫn người dân hiểu biết nhiều hơn về những địa điểm bán thực phẩm sạch, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.
Một số giải pháp tình thế nữa được các bà nội trợ đưa ra như tự trồng rau tại nhà, đặt thực phẩm ở quê gửi lên, mua trực tiếp thịt tại lò mổ hoặc rau tại nơi sản xuất, trang bị máy kiểm tra nồng độ hóa chất cho thực phẩm tại các khu vực mua sắm… để hạn chế thấp nhất việc mua phải thực phẩm kém chất lượng.
Gia đình cô Trần Thị Mạnh (Long Hồ) từ khi có nhiều thông tin về thực phẩm bẩn đã chủ trương tự cung tự cấp, “nhà tôi mua đủ các giống rau về trồng ở vườn nhà, tự nuôi gà thả vườn, mua cá về thả trong ao, có đi chợ cũng chọn lựa kỹ lắm, về ngâm nước chanh, nước giấm rửa rất kỹ”- cô Mạnh cho biết.
Các chuyên gia cho rằng để giải quyết những vấn đề về an toàn thực phẩm, phải siết chặt quản lý từ khâu sản xuất của nông dân cho tới người kinh doanh, chế biến và cả người thực thi pháp luật. Phải kêu gọi nông dân đổi mới tư duy, phải học và biết được phương cách làm nông nghiệp công nghệ cao để bảo vệ cho mình và cộng đồng. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử phạt nghiêm. Cần thiết lập nhiều kênh phân phối nông sản an toàn; chỉ rõ địa chỉ để người dân được biết và có thể yên tâm mua sản phẩm an toàn. |
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin