Ba má tôi mất sớm. Tôi gánh nặng mưu sinh khi mới 15 tuổi để lo cho em trai ăn học. Giờ em tôi đã học xong đại học và có được việc làm khá tốt.
[links()]
Ba má tôi mất sớm. Tôi gánh nặng mưu sinh khi mới 15 tuổi để lo cho em trai ăn học. Giờ em tôi đã học xong đại học và có được việc làm khá tốt. Ai cũng bảo đã đến lúc tôi nên lo cho thân mình. Tôi hiểu đây là lời khuyên chí tình, vì nếu không có chồng con, sau này không biết tôi nương dựa vào ai. Tôi đem chuyện này nói với em thì có vẻ em không bằng lòng, bảo khi em có vợ thì em và vợ sẽ lo cho tôi.
Tôi nghe em nói thì cảm động lắm, nhưng tôi băn khoăn mãi. Em nói vậy chứ đã 33 tuổi mà không có bồ bịch chi hết. Tôi lớn hơn em 3 tuổi thôi thì khi tôi già em cũng đã già rồi, thử hỏi làm sao chăm sóc cho tôi được? Đó là chưa kể việc không biết em dâu tôi sau này có quý, có thương tôi như em hay không?
Tôi đã dành cả phần đời tuổi trẻ để lo lắng cho em, nuôi em ăn học, có nghề nghiệp ổn định, nhà cửa cũng đàng hoàng. Tuổi xuân tôi đã qua đi rồi chị ạ! Giờ chỉ mong có một tấm chồng (anh ấy có con riêng cũng được) để tôi coi như con mình, cùng chăm sóc, nuôi dưỡng… Thế nhưng, có điều khó nói là vậy…
Tôi thấy nhiều rồi, em trai mà có vợ thì coi như... mất em trai vậy.
Minh Hạnh (Mang Thít)
Sự hy sinh của bạn thật đáng trân trọng. Và, bạn có quyền được nhận những gì bạn xứng đáng được trao.
Sau bao nhiêu năm vừa là chị vừa đảm đương vai trò “người mẹ”, bạn đã làm rất tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Bởi vậy, giờ đây khi người em đã trưởng thành thì bạn có quyền lo cho bản thân và tương lai mình. Nguyện vọng của bạn về một mái ấm với một bờ vai đàn ông để nương tựa và tiếng cười ấm áp của con trẻ là hoàn toàn chính đáng. Hoa Hồng nghĩ em trai của bạn rồi sẽ hiểu và vun bồi giúp cuộc sống người chị đáng kính của mình hạnh phúc.
Nhưng, để có được điều đó, mỗi người nên gác lại sự ích kỷ của riêng mình. Như em trai bạn thì không muốn chị mình có chồng (để vợ chồng em lo). Nhưng em có biết đâu khi em có vợ và cùng vui vẻ bên nhau thì người chị sống chung nhà sẽ cảm thấy cô đơn, sẽ tủi thân… Như bạn, cũng sợ “mất” em trai nếu em trai cưới vợ. Quả thật, nếu em trai không “tâm lý” thì khi sống chung một nhà chắc bạn khó tránh khỏi “tiếng bấc, tiếng chì”…
Ai cũng hiểu là cuộc sống mỗi người sẽ tròn vẹn, đủ đầy hơn (hay nói cách khác là hài hòa âm- dương) khi mỗi người tìm được “một nửa” của mình ở đâu đó trên thế gian này. Thế nên, nếu thấy trái tim mình còn “mềm mại” yêu thương thì hãy nghe lời trái tim tìm bến bình an.
HOA HỒNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin