Khẳng định vai trò phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà

04:09, 04/09/2015

Được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động thực hiện từ năm 1989, phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"

[links()]

Được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động thực hiện từ năm 1989, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” (GVN- ĐVN) là phong trào mang tính đặc thù về giới nhằm phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của nữ công nhân, viên chức- lao động (CNVC- LĐ) trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng gia đình no ấm- bình đẳng- tiến bộ- hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế- xã hội và mục tiêu bình đẳng giới.

Lan tỏa rộng, khẳng định vai trò của phụ nữ

Phong trào GVN- ĐVN trở thành động lực thúc đẩy nữ CNVC- LĐ phấn đấu khẳng định vai trò trong công việc và gia đình.
Phong trào GVN- ĐVN trở thành động lực thúc đẩy nữ CNVC- LĐ phấn đấu khẳng định vai trò trong công việc và gia đình.

Những năm qua, phong trào thi đua GVN- ĐVN luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền, cùng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (PN) của các ngành, địa phương và Hội Liên hiệp Phụ nữ đồng cấp phối hợp tổ chức đạt kết quả.

Công đoàn (CĐ) luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm trang bị và nâng cao kiến thức về nhiều mặt cho nữ CNVC- LĐ để chị em thực hiện tốt vai trò, chức năng của người PN trong gia đình và ngoài xã hội. Thông qua các buổi trao đổi, tọa đàm, sinh hoạt tổ, nhóm, Ban Nữ công đã có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời về nội dung, tiêu chuẩn, hình thức tổ chức phong trào phù hợp với nữ CNVC- LĐ.

Qua phát động thi đua, hàng năm đều có 100% chị em nữ CNVC- LĐ đăng ký, tổng kết có gần 29.000 chị đạt danh hiệu GVN- ĐVN (chiếm gần 81%). Trong đó, trên 27.700 chị đạt danh hiệu GVN- ĐVN cấp cơ sở (77,5%); 974 chị đạt danh hiệu cấp trên cơ sở (2,7%) và 254 chị đạt danh hiệu GVN- ĐVN cấp tỉnh (0,7%).

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh- Nguyễn Thị Mỹ Lan cho biết, qua phong trào, có thể thấy rằng, nữ CNVC- LĐ nói chung và nữ cán bộ CĐ nói riêng đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, sắp xếp, tổ chức công việc thật khoa học, phân công công việc cho mọi thành viên trong gia đình hợp lý và động viên họ cùng chia sẻ trách nhiệm để vừa GVN, vừa ĐVN, xây dựng gia đình “bình đẳng, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”. Phong trào đã tạo sức lan tỏa, mang lại hiệu quả cao, khẳng định năng lực, vai trò của PN trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

Gắn với phong trào GVN- ĐVN, nữ CNVC- LĐ còn tích cực thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và xây dựng nếp sống văn minh nơi đô thị, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú, gắn bó đoàn kết với làng xóm, tham gia tích cực các phong trào của địa phương. Kết quả bình xét hàng năm có 96% nữ CNVC- LĐ đạt gia đình văn hóa, 99% nữ CNVC- LĐ đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc trong thực hiện nếp sống văn minh ở cơ quan, đơn vị. Nhiều gia đình nữ CNVC- LĐ được bình chọn gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương.

Phong trào là động lực thúc đẩy chị em phấn đấu

Phong trào GVN- ĐVN đã trở thành động lực thúc đẩy chị em vươn lên trong cuộc sống. Với khả năng và lòng nhiệt huyết, nhiều chị đã đi lên từ phong trào, đã khẳng định được vị trí, vai trò các chị trong gia đình và xã hội.

Ngoài làm tốt việc trong xã hội, phụ nữ cũng phải khéo léo, tề gia nội trợ để cùng lúc GVN- ĐVN.
Ngoài làm tốt việc trong xã hội, phụ nữ cũng phải khéo léo, tề gia nội trợ để cùng lúc GVN- ĐVN.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Tuyết Mai- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho rằng, không có thành công nào tự động đến mà phải là một quá trình nỗ lực phấn đấu hết mình của bản thân và sự đoàn kết, hỗ trợ của cả tập thể. Nhất là chị em PN lại càng phải cố gắng nhiều hơn để GVN- ĐVN, từ đó mới thấy được vai trò của họ trong công cuộc xây dựng đất nước. Phong trào trở thành động lực để PN phấn đấu.

Thật vậy để đạt được học vị tiến sĩ khoa học chuyên ngành trồng trọt là cả một sự phấn đấu không ngừng nghỉ của chị, phải có kế hoạch sắp xếp sao cho thật hợp lý, phân bổ thời gian cho việc cơ quan, việc nhà và việc học với quyết tâm cao.

Khi nhận nhiệm vụ về Trung tâm Giống nông nghiệp thì đơn vị đang đối mặt với nhiều khó khăn. Với sự mạnh mẽ và quyết tâm thay đổi phương pháp làm việc để chuyển biến tình hình, chị mạnh dạn đề xuất nhiều giải pháp hay, nhờ đó mà sản xuất kinh doanh chuyển biến mạnh, liên tiếp nhiều năm hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận tăng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai còn tham gia giảng dạy và nhiều chương trình nghiên cứu khoa học. Mới đây, chị đã vinh dự là 1 trong 7 cá nhân của cả nước nhận giải thưởng Kova lần thứ 11 của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Sương- Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tam Bình cũng là một điển hình không ngừng tự học, tự rèn, xây dựng CĐ vững mạnh. Chị Sương chia sẻ: “Đạt thành tích đã khó, giữ thành tích càng khó hơn. Là cán bộ nữ nên tôi hiểu tâm tư nguyện vọng chị em, tôi tìm mọi cách để tạo điều kiện giúp chị em an tâm công tác, đảm đương gia đình, giúp chị em học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vay vốn hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, giúp cho hoạt động nữ công ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thông qua các mô hình sinh hoạt tập thể, giúp chị em nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của ban nữ công trong phong trào thi đua yêu nước.

Tổng kết giai đoạn 2010- 2013, Liên đoàn Lao động tỉnh biểu dương khen thưởng cho 21 tập thể, 88 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào. Ngoài ra, còn bình chọn biểu dương 430 nữ cán bộ CĐ tiêu biểu xuất sắc trên cơ sở; bình chọn biểu dương cấp tỉnh 50 nữ cán bộ CĐ và bình chọn 1 cán bộ đại diện dự hội nghị toàn quốc do Tổng Liên đoàn tổ chức.

 

Bài, ảnh: HẢI YẾN- XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh