Dậy thì là giai đoạn mà thể chất và tinh thần của lứa tuổi này có rất nhiều thay đổi. Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng nên trang bị kiến thức để đồng hành cùng con, giúp các em phát triển lành mạnh và trải qua giai đoạn đáng nhớ này một cách tốt đẹp.
[links()]
Dậy thì là giai đoạn mà thể chất và tinh thần của lứa tuổi này có rất nhiều thay đổi. Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng nên trang bị kiến thức để đồng hành cùng con, giúp các em phát triển lành mạnh và trải qua giai đoạn đáng nhớ này một cách tốt đẹp.
Tuổi dậy thì có nhiều thay đổi lớn mà cha mẹ cần tìm hiểu để đồng hành cùng con. Ảnh mang tính minh họa: VINH HIỂN |
Nhiều thay đổi khi con lớn
Dạo gần đây, chị Ngọc Thảo, 42 tuổi cảm thấy buồn phiền và lo lắng bất an cho cô con gái rượu 15 tuổi của mình. Tuy biết ở tuổi dậy thì trẻ sẽ có nhiều thay đổi nhưng chị không lường được lại có sự thay đổi nhiều đến vậy. Từ một cô bé ngoan hiền, hay làm nũng, đi học về là sà vào lòng mẹ nói đủ chuyện cho mẹ nghe, ba mẹ đi đâu cũng đòi theo cho bằng được, nay lại thay đổi hoàn toàn, hay giận hờn vô cớ, ít nói chuyện chia sẻ mọi thứ với ba mẹ như trước, đi học về là rút ngay vào phòng đóng kín cửa lại, thường hay cãi lại, tranh luận với mẹ nhiều vấn đề theo chính kiến của cô bé cho là đúng. Nhiều khi chị Thảo “theo dõi” con, thấy cô bé lên mạng xã hội chia sẻ, nói chuyện gì đó với bạn bè mà cười tủm tỉm một mình trông rất vui, chị nghi ngờ con mình có bạn trai nhưng chưa biết phải hỏi như thế nào để cô bé thành thật tâm sự với mẹ.
Có đôi lúc khi rước con, chị bắt gặp con gái đang đứng trò chuyện vui vẻ cùng một nam sinh. Chị hỏi con thì con bé cau có trả lời: “Bạn bè con mẹ có biết đâu mà hỏi? Con lớn rồi phải cho con tự do một chút. Sao cái gì mẹ cũng hỏi hết vậy?” Chị Thảo tá hỏa, vừa giận vừa hơi quê vì bị con gái mà mình thương yêu hết mực lại “chỉnh” mình như thế. Cả ngày hôm đó chị giận không nói chuyện với con, con bé cũng không thèm để ý đến mẹ, cũng không thèm theo xin lỗi hay nói chuyện với mẹ. Cuối cùng, chị Thảo cũng là người thua cuộc, chị phải mon men lên phòng con bắt chuyện với nó. Chị quyết tâm tìm cách nói chuyện tâm lý với con để tìm hiểu những suy nghĩ và tình cảm hiện tại của con gái mình.
Hiểu và làm bạn cùng con
Rất nhiều bậc cha mẹ có con lứa tuổi dậy thì cũng rơi vào nỗi niềm như chị Thảo vì ở lứa tuổi này các em đã bắt đầu muốn thoát ra khỏi vòng tay cha mẹ. Các em bắt đầu có ý thức hơn về giới tính, muốn khám phá bản thân và cả những người khác giới. Sự thay đổi tâm sinh lý này đem đến cho cuộc sống của các em nhiều niềm vui, nhưng cũng có khi khiến các em gặp phải nhiều điều rắc rối làm nhiều em dễ rơi vào trạng thái stress.
Các em trở nên ương bướng, hàng loạt các “triệu chứng chống đối” xảy ra khiến cha mẹ không biết nên ứng xử với con như thế nào cho đúng cách. Theo các chuyên gia tâm lý thì khi con đã khôn lớn bạn nên dành cho trẻ quyền tự do quyết định một số việc của mình, cho con không gian riêng tư. Cha mẹ chỉ cần ở bên cạnh hướng dẫn và nhắc nhở con đi đúng hướng là được. Không nên biến sự quan tâm thành áp lực cho con. Đồng thời, dạy con cách sống tự lập và biết chịu trách nhiệm khi làm sai nhưng phải luôn quan tâm nhất cử nhất động của trẻ “từ xa” để kiểm soát được mọi việc.
Hãy lắng nghe và trò chuyện thoải mái với con. Không nên áp đặt cảm xúc và hành động cũng như lối suy nghĩ của bạn lên chúng. Hãy tạo không khí thoải mái khi nói chuyện, tránh những căng thẳng hay mất bình tĩnh. Ngoài ra, việc tôn trọng những suy nghĩ và nhận định của trẻ cũng là điều kiện tiên quyết giúp ba mẹ hiểu được con cái tuổi teen dễ dàng hơn. Đặc biệt, người mẹ phải là người chỉ dẫn, trang bị cho con gái tuổi dậy thì những kiến thức cơ bản để hiểu rõ và biết cách xử lý khi tâm- sinh lý, thể chất có nhiều thay đổi.
Theo kinh nghiệm của cô Thanh Thúy (52 tuổi) đã trải qua giai đoạn này chia sẻ thì: “Sau thời gian suy nghĩ đau đầu và bình tĩnh lại, tôi quyết định chọn lựa cách thức tìm hiểu thế giới của con trai mình. Vợ chồng tôi không la hét, áp đặt và tra hỏi nó nữa mà âm thầm tìm hiểu. Mỗi khi muốn nhắn nhủ, dạy bảo con điều gì tôi hay đưa ra những mẫu chuyện, những trường hợp tiêu biểu để chỉ cho con thấy và mong muốn con làm theo. Cuối tuần, tôi hay tổ chức cho cả nhà về quê thăm ông bà hoặc đi chơi đâu đó để kết nối với con. Trong không khí thoải mái vui vẻ, mọi chuyện chia sẻ có vẻ thuận lợi hơn. Đừng đối đầu với các cô cậu tuổi dậy thì mà phải hiểu để đồng hành cùng chúng”.
HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin