Bước vào mùa tuyển sinh ĐH, CĐ; bên cạnh các yếu tố khác, học phí và các chính sách hỗ trợ tài chính trở thành yếu tố cần thiết mà học sinh và phụ huynh phải tìm hiểu kỹ trước khi chọn ngành- chọn trường.
Chính phủ có nhiều chính sách miễn giảm học phí. Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, học sinh- sinh viên thuộc diện chính sách sẽ được miễn giảm học phí hoặc hỗ trợ chi phí học tập. Bên cạnh đó, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định: Sinh viên ngành sư phạm nếu cam kết làm việc trong ngành giáo dục sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí và sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng trong suốt thời gian học, tối đa 10 tháng/năm học. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 60/2025/NĐ-CP nhằm khắc phục các vướng mắc trong cấp phát học phí cho sinh viên sư phạm, đảm bảo hỗ trợ đúng và kịp thời.
Dự thảo nghị định mới của Bộ GD-ĐT về cơ chế thu, quản lý học phí và miễn giảm chi phí học tập cũng đang đề xuất mở rộng chính sách cho các ngành đặc thù, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn- lĩnh vực đang được ưu tiên phát triển.
Ngoài ngành sư phạm, học sinh- sinh viên thuộc các nhóm sau đây cũng có thể được miễn học phí: Người học các ngành đặc thù phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh; học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo; các chuyên ngành Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; ngành y đặc thù như phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y...
Theo khuyến cáo của chuyên gia hướng nghiệp, học sinh nên cân nhắc kỹ 5 yếu tố: năng lực bản thân, đam mê, nhu cầu xã hội, học phí và chính sách ưu đãi. Ngoài ra, hệ CĐ cũng là lựa chọn tiết kiệm thời gian, chi phí, phù hợp điều kiện tài chính, với cơ hội liên thông rõ ràng. Trong bối cảnh chi phí giáo dục ngày càng cao, việc chọn ngành, chọn trường phù hợp không chỉ dựa trên sở thích hay điểm thi, mà còn cần tính toán kỹ bài toán tài chính để đảm bảo hành trình học tập bền vững và hiệu quả.
CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin