Từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn đến an toàn thông tin, truyền thông đa phương tiện... hàng loạt ngành học mới đang thu hút sự quan tâm của thí sinh, phụ huynh tại các buổi tư vấn tuyển sinh. Tuy nhiên, việc chọn ngành nào để học- ngành “hot” hay ngành truyền thống- vẫn là câu hỏi khiến nhiều học sinh băn khoăn. Câu trả lời nằm ở việc hiểu đúng về ngành nghề, nhu cầu xã hội và chính bản thân mình.
![]() |
Sinh viên chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long thực hành. |
Ngành học mới- đón đầu xu thế của thị trường lao động
Trong bối cảnh chuyển đổi số và bùng nổ công nghệ toàn cầu, các trường ĐH, CĐ tại Việt Nam đang nhanh chóng cập nhật, mở rộng nhiều ngành học mới để bắt kịp xu thế phát triển nhân lực. Những cái tên như: Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ chip bán dẫn, Khoa học dữ liệu, Robot- tự động hóa, An toàn thông tin, Truyền thông đa phương tiện không còn xa lạ trong mùa tuyển sinh năm nay.
PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang triển khai một số đề án phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu về vi mạch và các lĩnh vực liên quan như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật robot, thiết kế vi mạch, điều khiển tự động hóa… đồng thời xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 9 tầng, nhằm tạo không gian nghiên cứu chuyên nghiệp cho cả giảng viên và sinh viên”.
![]() |
Học sinh cần tìm hiểu sâu về ngành học trước khi đăng ký xét tuyển. Trong ảnh: Học sinh tìm hiểu khối ngành sức khỏe. |
Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ThS Lương Văn Thông- PGĐ Tuyển sinh khu vực cũng chia sẻ: “Ngành học mới là cơ hội để các em đón đầu thị trường việc làm. Nhưng để không chọn sai, các em cần xác định rõ đam mê, sở trường của mình, đồng thời khảo sát thực tế nhu cầu nhân lực xã hội, tìm hiểu kỹ điều kiện xét tuyển và chương trình đào tạo của từng trường”.
Từ thực tiễn đó, ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin vẫn giữ vai trò “xương sống” trong nhóm ngành công nghệ, được hầu hết các trường có thế mạnh về kỹ thuật ưu tiên phát triển.
Tại Trường ĐH Cần Thơ, ngành Khoa học máy tính được thiết kế theo hướng ứng dụng cao, đào tạo các kỹ sư có khả năng xây dựng hệ thống thông minh, giải quyết các bài toán thực tiễn. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các vị trí như: lập trình viên, kỹ sư học máy, chuyên viên dữ liệu, chuyên viên đồ họa- thị giác máy tính, hoặc trở thành giảng viên, nghiên cứu viên.
Trong khi đó, ngành An toàn thông tin được xây dựng để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về bảo mật hệ thống, phòng chống tấn công mạng và bảo vệ thông tin số. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty công nghệ, cơ quan nhà nước, các đơn vị chuyên trách về an ninh mạng hoặc trở thành kỹ sư điều tra tội phạm công nghệ cao.
Chọn ngành học phù hợp, đúng năng lực
Không khó để nhận ra “cơn sốt” ngành mới đang lan rộng. Thế nhưng, theo các chuyên gia, lựa chọn ngành học không thể dựa vào cảm tính hay phong trào.
ThS Trần Lý Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm FPT Polytechnic, Trường CĐ FPT Polytechnic Cần Thơ phân tích: “Khi chọn ngành, các bạn cần làm rõ đam mê của mình là gì, ngành học đó có phù hợp không, điều kiện tài chính và học lực bản thân có đáp ứng được không. Ví dụ ngành chip bán dẫn đang rất triển vọng, nhưng yêu cầu đầu vào và kỹ năng cao. Nếu học sinh chưa thực sự đam mê kỹ thuật, việc theo đuổi có thể trở thành áp lực”.
FPT Polytechnic hiện tập trung phát triển các ngành chiến lược như: Lập trình, Thiết kế đồ họa, Marketing, Cơ khí- tự động hóa và đặc biệt là Công nghệ chip bán dẫn- ngành học được xem là nền tảng trong công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, năm 2025, nhà trường sẽ tuyển sinh các chuyên ngành IoT và Trí tuệ nhân tạo. Đây là chương trình hướng tới đào tạo sinh viên có khả năng thiết kế hệ thống tự động hóa ứng dụng trong nhà thông minh, nông nghiệp thông minh, sử dụng vi điều khiển kết nối internet. TS Nguyễn Văn Minh- Trưởng Phòng Đào tạo cho biết, nhiều học sinh THPT hiện rất quan tâm đến các mô hình sáng tạo về tưới tiêu tự động, cảm biến môi trường… Đây chính là nền tảng ban đầu để các em có thể học lên chuyên sâu ngành IoT- ngành học mang tính ứng dụng và gắn chặt với cuộc sống.
Tương tự, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân hiệu Vĩnh Long (UEH Mekong) cũng chú trọng đầu tư đào tạo ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo- với chính sách học bổng toàn phần và bán phần hấp dẫn. Gần như 100% thí sinh trúng tuyển vào ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo đều có cơ hội nhận học bổng.
Dù có nhiều ngành “hot” nhưng các chuyên gia đều thống nhất, học sinh nên chọn đúng ngành hơn là chọn ngành “hot”. PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu- Chủ tịch HSIA (Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Việt Nam) nhấn mạnh: “Trí tuệ nhân tạo và bán dẫn là hai công nghệ then chốt toàn cầu. Việt Nam đang có cơ hội lớn để tham gia chuỗi giá trị công nghệ. Nhưng để làm chủ được các công nghệ này, sinh viên cần có nền tảng toán- logic tốt, khả năng tự học và tính kỷ luật cao”.
![]() |
Chọn ngành phù hợp không chỉ giúp học tốt, mà còn mở rộng cơ hội việc làm. |
Chọn ngành phù hợp không chỉ giúp học tốt, mà còn mở rộng cơ hội việc làm, khả năng phát triển lâu dài. Tuyển sinh không đơn thuần là chọn trường- chọn điểm, mà là chọn một tương lai. Việc ngành học có “hot” hay không không quan trọng bằng việc bạn có phù hợp với nó không. Dù là Trí tuệ nhân tạo, Robot, Chip bán dẫn hay An toàn thông tin… thì cũng đều cần đến sự chuẩn bị kỹ càng, quyết tâm và sự đầu tư nghiêm túc. Khi chọn đúng ngành, đúng năng lực, học sinh không chỉ có cơ hội tìm được việc làm tốt mà còn phát triển bền vững trong tương lai.
Các chuyên gia khuyên học sinh nên thực hiện 3 bước 1. Liệt kê những đam mê, sở thích thực sự của mình ==>Xem ngành nghề nào phù hợp. 2. Tìm hiểu sâu về ngành học ==> Gặp người đang làm trong ngành để hỏi thực tế công việc, mức thu nhập, kỹ năng cần thiết. 3. Đối chiếu điều kiện bản thân với yêu cầu ngành ==> Xem xét học lực, tài chính, địa lý, cơ hội thực tập- việc làm sau này. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin