ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT 2025:
Tiếng Anh không “học mẹo”, Công nghệ nông nghiệp xem thêm ngoài sách giáo khoa

21:26, 14/05/2025

Năm 2025 là năm đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ (chủ yếu học sinh chọn Tiếng Anh- PV) là môn thi tự chọn. Và cũng là năm đầu tiên, môn Công nghệ nông nghiệp vào danh sách môn có thể chọn thi. Lưu ý gì khi ôn thi tốt nghiệp 2 môn học này theo chương trình mới?

Thầy Thạch Xa Riết.
Thầy Thạch Xa Riết.

Tiếng Anh- không “học mẹo”

Dựa trên đề tham khảo được Bộ GD-ĐT công bố, đề thi Tiếng Anh năm 2025 là đề thi trắc nghiệm và giảm 10 phút làm bài so với năm trước, nghĩa là từ 60 phút còn 50 phút; tương đương số lượng câu hỏi cũng giảm từ 50 câu còn 40 câu.

Thầy Lê Hồng Kha- giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Trà Ôn (huyện Trà Ôn), cho biết: “Đề thi tập trung vào 5 nội dung cơ bản là: đọc và chọn thông tin để hoàn chỉnh một thông báo hay quảng cáo; đọc và chọn thông tin để hoàn chỉnh một tờ rơi; sắp xếp đoạn hội thoại, lá thư, đoạn văn; đọc và điền khuyết thông tin và 2 đoạn đọc hiểu”.

Cũng theo thầy Kha, hầu hết đề xuất hiện dưới dạng đoạn đọc hiểu, đọc điền và sắp xếp thứ tự.

Mức độ câu hỏi và kiến thức thể hiện sự phân hóa cao với tỷ lệ dao động nhận biết, thông hiểu khoảng 60% và vận dụng 40%. Do đó, đòi hỏi học sinh cần nắm vững kiến thức ngữ pháp, vốn từ vựng khá rộng liên quan chủ điểm, chủ đề sách giáo khoa, hiểu rõ yêu cầu câu hỏi và kỹ năng làm bài tốt. Với dạng đề thi này, thầy Kha cho rằng gần như loại bỏ hoàn toàn kiểu “học mẹo”, học sinh phải nắm vững cách sử dụng và khả năng áp dụng kiến thức vào các ngữ cảnh. Những nội dung học sinh có thể tập trung vào để làm tốt kiến thức căn bản như: từ loại, trật tự cụm từ, mệnh đề quan hệ rút gọn, danh động từ và động từ nguyên thể, lượng từ, liên từ, giới từ, cụm động từ, cụm từ cố định,... phần đầu đề thi.

Theo thầy Kha để làm tốt bài thi, học sinh nên cân đối thời gian để tập trung vào các câu hỏi căn bản trước, không nên tập trung quá nhiều thời gian cho mỗi câu. Trong giai đoạn đầu ôn tập, học sinh nên ôn chuyên đề lồng ghép vào ngữ cảnh đoạn theo dạng câu hỏi đề thi để nắm thật vững kiến thức nền, quen dạng câu hỏi trước khi luyện tập nội dung phức tạp hơn. Để đạt điểm 7 trở lên môn này, học sinh cần vững các cấu trúc ngữ pháp, kỹ năng làm bài tốt và có vốn từ vựng phong phú để có thể nâng điểm ở các câu khó. Thầy Kha chia sẻ: “Để phát triển vốn từ, trước tiên học sinh cần bám vào nguồn từ vựng trong sách giáo khoa mà trong quá trình học đã được tiếp cận. Tiếp theo là các từ vựng được rút ra từ các đề luyện tập”.

Như vậy, để làm tốt đề thi, học sinh cần rèn luyện cấu trúc ngữ pháp, từ vựng qua ngữ cảnh và thường xuyên giải đề. Chia sẻ về phát triển vốn từ, thầy Kha cho hay: “Học sinh cần bám vào nguồn từ vựng trong sách giáo khoa mà trong quá trình học đã được tiếp cận. Tiếp theo là các từ vựng được rút ra từ các đề luyện tập. Tùy theo năng lực, học sinh có thể chốt lại ở mỗi đoạn trong đề luyện tập tầm 5 từ then chốt, tương đương 20-25 từ cho một đề thi. Theo đó, vốn từ học sinh sẽ tăng dần và sẽ trở thành vốn “từ vựng sống” vì nó xuất hiện trong ngữ cảnh. Khi số lượng đề đủ nhiều thì vốn từ của học sinh cũng sẽ đủ lớn để xử lý tốt bài thi.

Công nghệ nông nghiệp- nghiên cứu thêm ngoài sách giáo khoa

Công nghệ nông nghiệp có cấu trúc và định dạng đề theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy Thạch Xa Riết- Giáo viên Công nghệ nông nghiệp, Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm) cho biết, đề gồm 28 câu hỏi, trong đó có 40 lệnh hỏi, thí sinh thực hiện trong thời gian 50 phút. Cụ thể, trong 28 câu hỏi thì có 24 câu hỏi trắc nghiệm 4 đáp án và 4 câu chọn đáp án đúng/sai.

Đề Công nghệ nông nghiệp gồm 2 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm: trắc nghiệm nhiều lựa chọn, chiếm 60% số lệnh hỏi trong đề thi; câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu có 4 ý, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa. Đề gồm 4 câu hỏi, mỗi câu hỏi gồm 4 lệnh hỏi, tổng là 16 lệnh hỏi, chiếm 40% số lệnh hỏi trong đề thi.

Về nội dung câu hỏi, thầy Xa Riết thống kê làm 4 phần nội dung kiến thức: thủy sản 55%, lâm nghiệp 25%, trồng trọt và chăn nuôi mỗi lĩnh vực 10%.

Là môn thi mới trong kỳ thi năm nay, tuy nhiên, theo thầy Xa Riết thì đây là môn “có thể coi là môn dễ kiếm điểm” do môn học gắn liền với thực tế cuộc sống, nếu như học sinh có chiến lược học tập hợp lý. Nội dung môn Công nghệ nông nghiệp không quá dài hoặc quá phức tạp so với các môn khoa học tự nhiên khác. Phần lớn kiến thức là thực tiễn, logic, dễ hiểu. Nhiều câu hỏi có tính chất ghi nhớ, còn lại là vận dụng cơ bản chứ không đánh đố người học. Đồng thời, có một số chuyên đề quen thuộc, lặp đi lặp lại nhiều năm. Điển hình như: công nghệ giống, công nghệ bảo quản và chế biến lương thực thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi…

Tuy nhiên, vì là môn mới tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp nên phần lớn tài liệu tham khảo ít, một số thầy cô chưa có kinh nghiệm nhiều trong quá trình ôn tập cho học sinh. “Học sinh cần nghiên cứu thêm một số tài liệu tham khảo vì sách giáo khoa thường chỉ cung cấp kiến thức nền tảng, cơ bản- phù hợp để lấy điểm trung bình khá. Đề thi có thể có một vài câu vận dụng- vận dụng cao, đòi hỏi hiểu sâu, áp dụng thực tế hoặc liên ngành. Tìm hiểu thêm cũng giúp học sinh nắm vững quy trình công nghệ, hiểu bản chất vấn đề, tránh học thuộc lòng máy móc”- thầy Xa Riết cho biết.

Một số link tài liệu mà thầy Xa Riết giới thiệu học sinh có thể tham khảo:

https://scholar.google.com

https://jfst.vn/index.php/ntu

https://ctujsvn.ctu.edu.vn/index.php/ctujsvn/index

https://tapchi.vnua.edu.vn

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh