Giáo dục, đào tạo vươn mình cùng đất nước

09:29, 30/04/2025

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long bắt tay vào công cuộc kiến thiết quê hương trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục (GD), đào tạo (ĐT).

Trường THCS Nguyễn Trãi nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phụ huynh, học sinh tín nhiệm. 
Trường THCS Nguyễn Trãi nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phụ huynh, học sinh tín nhiệm. 

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ những ngày đốt đuốc tham gia “bình dân học vụ” đến nay, Vĩnh Long hoàn thành phổ cập GD mức độ 2, nhiều năm liền vào “top 20” các tỉnh, thành trong cả nước, về điểm trung bình thi tốt nghiệp. Từ phòng học 3 ca với cột cây, vách lá đến những ngôi trường mới khang trang, không có sự phân biệt trường làng, trường chợ. GD, ĐT tỉnh Vĩnh Long đang vươn mình thay áo mới, mang kỳ vọng tương lai đẩy mạnh GD mũi nhọn, góp sức ĐT nhân tài xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Diện mạo mới

Theo Lịch sử GD tỉnh Vĩnh Long (1932-2010), sau 1975 khi ta tiếp quản hệ thống GD của chế độ cũ, toàn tỉnh chỉ có 40 trường: 2 trường trung học, 1 trường trung học bán công, 2 trường tư thục, 7 trường trung học tỉnh hạt, 26 trường tiểu học, 1 trường sư phạm và 1 trường kỹ thuật nông thôn. 

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, ngành GD Vĩnh Long đã từng bước phát triển hệ thống trường lớp của tất cả các cấp học, phân bố đều trên địa bàn toàn tỉnh để đảm bảo quyền học tập cho học sinh, kiên quyết không để con em vùng sâu vùng căn cứ cách mạng, thất học. Năm 1976, ngành đầu tư xây dựng kiên cố 148 phòng học, xây dựng tạm thời 234 phòng học, đa số là phòng học tre lá và học 3 ca/ngày là phổ biến. 

Đến nay, mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến phổ thông đã phát triển với 371 trường. Các trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sạch, đẹp. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 97% và hơn 51% trường học đạt chuẩn quốc gia. 

Thầy Võ Tấn Diệp- giáo viên Trường THCS Cái Ngang (huyện Tam Bình), nhớ lại những ngày đầu vào nghề, hơn 30 năm trước, trường học ở giữa đồng, xung quanh nhiều ao vũng, mỗi mùa mưa là thầy trò đều lấm lem đến lớp. Cơ sở vật chất thiếu, giáo viên cũng thiếu. “Tôi vừa dạy Toán, Lý còn kiêm thêm dạy Thể dục, Sinh học và làm Tổng phụ trách đội”- thầy Diệp tâm tình.

Từ đội ngũ ban đầu hơn 2.500 giáo viên, thiếu về số lượng, chưa đồng nhất về trình độ. Thực hiện lời dạy của Bác: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”, việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, chuẩn hóa về chuyên môn cho đội ngũ giáo viên cũng được đặc biệt quan tâm. 

Từ cuối năm 1975-1977, toàn tỉnh đã xóa mù chữ được 75,7%. Tháng 10/1997, Vĩnh Long được Ủy ban Quốc gia xóa mù chữ và Bộ GD-ĐT công nhận hoàn thành công tác chống mù chữ và phổ cập GD tiểu học, là tỉnh đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL và thứ 28/61 tỉnh, thành hoàn thành phổ cập và xóa mù chữ.

Theo bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, ngay sau giải phóng, ngành GD Vĩnh Long đã từng bước bố trí, ĐT, tuyển dụng để tăng số lượng và song song đó là công tác chuẩn hóa, nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên các cấp.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, đầu tư.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, đầu tư.

Tính đến cuối năm 2024, toàn ngành có hơn 15.200 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Số lượng cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn trình độ ĐT theo Luật GD 2019 gần 97%; trong đó, trên chuẩn ĐT chiếm gần 27%, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình GD phổ thông mới. “Sở GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xem đây là nhiệm vụ, giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm phát huy hết tiềm năng để nâng cao hiệu quả, chất lượng GD đáp ứng yêu cầu đổi mới GD”- bà Trương Thanh Nhuận cho biết.

Chất lượng nâng cao

Góp phần cho sự phát triển toàn diện của GD, ĐT tỉnh, nhiều trường phổ thông không kể thành thị hay nông thôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Vĩnh Long) đã trở thành cơ sở GD uy tín được nhiều phụ huynh tin tưởng, mong muốn con em được vào học. Thầy Nguyễn Minh Đăng- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, chia sẻ niềm vui: “Trong học kỳ 1 vừa qua, nhà trường có 24 học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt 80% trên tổng số thí sinh dự thi của trường”.

Chia sẻ tâm huyết trong GD, ĐT học sinh, thầy Nguyễn Minh Đăng cho biết: “Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt lưu ý giáo viên chủ nhiệm ngay từ đầu năm học, GD học sinh thực hiện nội quy, nề nếp tốt. Khi môi trường GD có kỷ luật, có đạo đức thì học sinh mới yên tâm học tốt. Bên cạnh, khi xây dựng kế hoạch GD năm và triển khai đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, mỗi chỉ tiêu cụ thể có giải pháp thực hiện cho từng bộ phận, có đánh giá và điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tế”. 

Trường THPT Hựu Thành (huyện Trà Ôn) nhiều năm liền có 100% học sinh tốt nghiệp THPT, nhờ trường đẩy mạnh chất lượng GD mũi nhọn. Chỉ tính riêng trong năm học 2023-2024, có 20 học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa, nhiều học sinh đoạt giải trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, hùng biện tiếng Anh,…

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 giúp học sinh chủ động, sáng tạo hơn.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 giúp học sinh chủ động, sáng tạo hơn.

Theo cô Huỳnh Ngọc Mỹ Xuyên- Hiệu trưởng Trường THPT Hựu Thành, cần có cơ chế quản lý chuyên môn, chú trọng phân cấp, phát huy vai trò tự quản lý của tổ trưởng, tổ phó, nhóm trưởng. Đồng thời, Ban giám hiệu chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động, phù hợp thực tế, có sơ kết và rút kinh nghiệm kịp thời. Thực hiện phân công, phân nhiệm đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong hội đồng sư phạm, trong họp tổ, nhóm để nâng cao nhận thức hoàn thành nhiệm vụ và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. 

Sau 50 năm, GD Vĩnh Long đã phát triển đồng bộ ở tất cả các cấp học, ngành học từ mẫu giáo đến THPT, GD thường xuyên. Quy mô, trường, lớp, giáo viên, học sinh ngày càng phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu chương trình GD phổ thông mới. Tin rằng, với sự nỗ lực quyết tâm của ngành GD, sự quan tâm hỗ trợ của toàn xã hội, chất lượng GD, ĐT Vĩnh Long sẽ vươn xa hơn, cao hơn trong thời gian tới.

Bà Trương Thanh Nhuận-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết: “Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, ngành GD tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ; tăng cường chuyển đổi số trong ngành GD theo kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ; khuyến khích học sinh tự nghiên cứu, tự học. Nâng cao chất lượng GD cũng như phát triển các chương trình GD theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất của học sinh để đảm bảo cho học sinh được phát triển một cách toàn diện”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh