Các môn học Khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có mặt trong tất cả chương trình đào tạo của sinh viên (SV), dù học bất kỳ ngành gì. Không chỉ trang bị tri thức cho người học, khối môn học này còn góp phần quan trọng trong giáo dục về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, văn hóa, ý thức, trách nhiệm cho những công dân trẻ.
Tuy nhiên, đây là những môn học “khó, khô” với không ít SV, vì lẽ đó, vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học các môn học này là rất cần thiết, cần được quan tâm.
![]() |
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, đã có sự phối hợp giữa kiến thức trên lớp với tham quan, học tập thực tế. |
Đã có nhiều đổi mới…
Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW (2018) của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Việc giảng dạy các môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (gọi chung là các môn lý luận chính trị) trong thời gian qua ở các trường ĐH đã mang lại những tín hiệu tích cực.
Theo PGS.TS Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, các môn lý luận chính trị đã giúp SV nắm vững thế giới quan và phương pháp luận khoa học để tiếp cận các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội. Một số trường ĐH đã có những cải tiến trong phương pháp giảng dạy từ lối truyền thụ một chiều sang các hình thức tương tác, thảo luận, xử lý tình huống… và bước đầu áp dụng công nghệ thông tin, AI tạo sự tương tác nhiều hơn giữa giảng viên và SV.
Bên cạnh, trong kiểm tra, đánh giá các môn lý luận chính trị cũng đa dạng với nhiều hình thức đánh giá khác nhau như: thuyết trình chuyên đề, viết tiểu luận hoặc bài thu hoạch, kiểm tra trắc nghiệm giữa kỳ trực tuyến, có chấm điểm tự động…
PGS.TS Đinh Ngọc Thạch- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho rằng trong tổ chức giảng dạy các môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như là môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nội dung đã có nhiều cải tiến về tính mở, tính mới, tính cập nhật đáp ứng nhu cầu của xã hội. Về phương pháp thì rõ ràng đã có sự linh hoạt trong việc tổ chức học tập dành cho các SV ở các bậc ĐH, CĐ. Các em được tạo điều kiện nhiều hơn để thể hiện tư duy phản biện, sự tự kiến tạo trong việc hình thành hệ thống tri thức của bản thân.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, vẫn còn một bộ phận SV chưa nhận thức đúng vai trò của các môn học này, dẫn đến tình trạng học đối phó, học để thi thay vì chủ động tiếp thu và vận dụng tri thức vào thực tiễn.
Phương pháp giảng dạy của một số giảng viên còn nhiều hạn chế, chưa thực sự phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học. Việc kiểm tra, đánh giá còn nặng về lý thuyết, chưa chú trọng kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế.
Đặc biệt, sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, trong đó có cả những quan điểm sai lệch về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặt ra thách thức lớn trong công tác giáo dục các môn lý luận chính trị. PGS.TS Đinh Ngọc Thạch, lưu ý: “Giảng viên thì phải định hướng các em xử lý hết sức trách nhiệm trước ảnh hưởng bởi các luồng thông tin, để có cách tiếp cận vừa mang tính mở lại vừa thể hiện được tính định hướng chính trị”.
Người dạy- người học cùng chủ động, sáng tạo
Chia sẻ kinh nghiệm tăng hiệu quả giảng dạy các môn lý luận chính trị, PGS.TS Lương Minh Cừ, cho biết: “Trường ĐH Cửu Long mời các chuyên gia về trường giảng dạy nhằm tạo sức hút cho SV; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đến các công nghệ hỗ trợ SV. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ trương không mở lớp lớn, bởi mở các lớp nhỏ SV tiếp thu tốt hơn”.
Cụ thể hóa việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của SV, lấy SV làm trung tâm. Nghiên cứu sinh Lương Ngọc Bích- giảng viên Trường ĐH Cửu Long, chia sẻ: “Để SV hào hứng vui vẻ trong giờ học, tôi để các em làm chủ sân chơi. Có nghĩa là tôi giao những chủ đề để các SV nghiên cứu, thảo luận, trình bày. SV có thể đưa ra bài tập tình huống, giả định, phân vai và có thể giải quyết vấn đề mình nêu ra trong tình huống giả định đó”.
Bổ sung cho quan điểm này, nghiên cứu sinh Lê Văn Luận- Trường ĐH Gia Định, góp ý: “Người thầy cũng cần nâng cao tính tích cực sáng tạo, chủ động. Vì người thầy giảng hay, cuốn hút, đặt tâm huyết của mình vào bài giảng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thái độ, tinh thần học tập của SV”.
PGS.TS Đinh Ngọc Thạch cho rằng, các chương trình giáo trình hiện nay còn nặng về tính hàn lâm học thuật, không bám sát đặc thù trong đào tạo các khối ngành. Do đó, ông Thạch đề nghị: “Bên cạnh giáo trình tổng thể “mang tính định hướng chung”, các cơ sở đào tạo với lực lượng giảng viên trực tiếp gắn bó với đối tượng của mình, trước sự chuyển biến của thực tiễn xã hội cũng như có sự chuyển biến trong lý luận của thời đại, hình thành giáo trình mang màu sắc của từng cơ sở đào tạo”.
Nâng cao chất lượng dạy học các môn lý luận chính trị không đơn giản là nâng cao tri thức SV trong một lĩnh vực mà còn là giáo dục, đào tạo những công dân trẻ, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Học tốt các môn học này, SV sẽ có nền tảng tư tưởng, động lực để phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
SV Mai Hồng Minh- ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Trường ĐH Cửu Long, đề nghị: “Em cho rằng nếu học các môn lý luận chính trị bên cạnh lý thuyết được bổ sung trải nghiệm sẽ hấp dẫn hơn. Ví dụ như học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh thì ngoài tiết dạy trên lớp, kết hợp với tham quan, học tập thực tế tại một địa điểm gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
SV Lưu Kim Hoa- ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Cửu Long, góp ý: “Khi xếp thời khóa biểu các môn này không nên liền kề nhau. Nếu học liên tục 5 tiết lý luận chính trị, SV chúng em rất khó tiếp thu, dễ nhàm chán, lo ra trong giờ học. Bên cạnh, một vài giảng viên khi soạn bài giảng trình chiếu còn nhiều chữ, ít hình ảnh nên thiếu sự sinh động”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin