(VLO) Chương trình “Phá bỏ rào cản- cùng nhau tỏa sáng” thuộc chuỗi hoạt động giai đoạn 2 của Dự án “Chúng tôi có thể”. Chương trình nhằm thúc đẩy sự công bằng, tôn trọng và khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người, không phân biệt giới, hướng đến môi trường giáo dục bình đẳng.
![]() |
Sử dụng vật liệu tái chế, hữu cơ và hạn chế lãng phí, các em tự tin tạo ra trang phục phù hợp sở thích, cá tính của mình. |
Môi trường giáo dục công bằng
Dự án “Chúng tôi có thể” đã góp phần nâng cao nhận thức về quyền được giáo dục của trẻ em gái tại Vĩnh Long. Thông qua các hội thi, hội thao, hội diễn văn nghệ lồng ghép với tuyên truyền về bình đẳng giới, các em học sinh được phát triển tri thức,
kỹ năng.
Chỉ tính từ tháng 9/2024 đến nay, Trường THCS Lộc Hòa (Long Hồ) đã thực hiện 7 hoạt động truyền thông bình đẳng giới. Điển hình như: Tập huấn nâng cao năng lực cho học sinh nòng cốt; Thi sáng tác poster và triển lãm “Trẻ em gái làm chủ tương lai”; Đối thoại trò chuyện với nhà quản lý, nhà khoa học nữ;…
Chia sẻ về hiệu quả đề án, cô Phạm Thị Hiệp- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Hòa, đánh giá: “Trước khi tham gia dự án đa số các em còn nhút nhát; sau khi tham gia dự án các em tự tin, hiểu được vai trò của mình. Các em biết tự bảo vệ mình, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em”.
Nhóm 11 học sinh lớp 8/2, Trường THCS Hòa Phú trình bày tiết mục múa “Tây Sơn- Bước chân hào kiệt” sinh động, hấp dẫn với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Còn mướt mồ hôi sau tiết mục, Trịnh Nguyễn Minh Khang- thành viên nhóm múa, nói: “Tiết mục do chúng em tự chọn, tự biên đạo và cùng nhau tập luyện. Nhiều bạn lần đầu lên sân khấu nên không tránh khỏi hồi hộp nên chưa bắt nhịp kịp, nhưng càng về sau chúng em càng tự tin hơn. Hoàn thành phần diễn và nhận tiếng vỗ tay từ các bạn, chúng em thấy hạnh phúc như chiến thắng chính mình”.
Thầy Lê Thanh Đạm- Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Phú (Long Hồ) cho rằng: “Chủ đề “Phá bỏ rào cản- cùng nhau tỏa sáng” là thông điệp mạnh mẽ khích lệ chúng ta dù giới tính nào cũng vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong học tập, trong cuộc sống để phát triển toàn diện từ vật chất lẫn tinh thần.
Chính sự đoàn kết, sự hợp tác và tinh thần chiến đấu là chìa khóa giúp mỗi chúng ta xóa bỏ mọi rào cản hướng đến một tương lai tươi sáng”.
Cùng nhau tỏa sáng
Dự án “We Are ABLE” (Chúng tôi có thể- PV) được khởi động vào năm 2019 về quyền được giáo dục của trẻ em gái tại Việt Nam. Vĩnh Long có 5 trường THCS tham gia dự án: Trà Côn (Trà Ôn), Tân Mỹ (Trà Ôn), Loan Mỹ (Tam Bình), Lộc Hòa và Hòa Phú (Long Hồ).
Dự án với nhiều hoạt động, chương trình hướng đến việc thay đổi các chuẩn mực xã hội, thách thức các định kiến thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho trẻ em gái, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số.
![]() |
Tham gia hội thao, học sinh có cơ hội giao lưu, thể hiện trách nhiệm với tập thể, tạo sự bình đẳng trong giáo dục. |
Nói về kinh nghiệm thực hiện dự án, cô Phạm Thị Hiệp, thông tin: “Chúng tôi tuyên truyền cho học sinh trong buổi sinh hoạt dưới cờ; tập huấn cho học sinh nòng cốt, đây là lực lượng tiên phong, tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ cho các bạn yếu thế, để các em thể hiện chính mình”.
Tự tin trình diễn thời trang ấn tượng với chủ đề “Xanh mọi dáng- Xinh mọi giới”, các bạn học sinh Trường THCS Lộc Hòa đã truyền tải thông điệp bình đẳng giới thông qua thiết kế thời trang.
“Chúng em ứng dụng nguyên tắc thời trang bền vững, sử dụng vật liệu tái chế, hữu cơ và hạn chế lãng phí. Tạo ra trang phục phù hợp sở thích, cá tính của mình, thể hiện sự hòa nhập, công bằng giữa nam và nữ; các hoạt động khác của dự án giúp em tự tin thể hiện cá tính của bản thân”- Trần Phương Uyên- học sinh lớp 9/5, Trường THCS Lộc Hòa, chia sẻ.
Bà Justine Craig Sass- Trưởng Ban Giáo dục vì sự nghiệp hòa nhập và bình đẳng giới, UNESCO Paris, đề nghị: “Chúng tôi đánh giá cao và cảm ơn sự nỗ lực của 5 trường tham gia dự án đã đưa ra rất nhiều kinh nghiệm hay trở thành ví dụ điển hình cho các trường khác. Chúng ta tự hào và tôn vinh sự sáng tạo, đóng góp của thế hệ trẻ cho cộng đồng. Đối với giáo viên và học sinh chúng ta không có giới hạn nào của sự sáng tạo, sự cống hiến, trong việc góp phần cho một thế giới tốt đẹp hơn, bình đẳng hơn. UNESCO sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đối tác để xây dựng một xã hội công bằng hơn, tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người”.
Bên cạnh các hội thao, hội diễn văn nghệ, học sinh tham gia đề án còn thực hiện các poster tuyên truyền cho dự án, thể hiện đam mê, sở thích, ý nghĩ của mình. “Từ những tác phẩm dự thi, chúng tôi cho các em bình chọn tác phẩm được yêu thích nhất, được bình luận nhiều nhất;… BTC sẽ tiếp tục lọc những sản phẩm đẹp, ý nghĩa, lột tả được chủ đề của cuộc thi”- cô Hiệp chia sẻ.
Ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT mong muốn dự án “Chúng tôi có thể” với những chương trình ý nghĩa hướng đến cộng đồng được tiếp tục thực hiện tại Vĩnh Long, góp phần lan tỏa các giá trị tích cực, truyền cảm hứng, tạo môi trường giáo dục công bằng cho các em học sinh phát triển.
Các em học sinh với sức trẻ, hoài bão và ước mơ hãy nỗ lực để ước mơ thành hiện thực, trở thành những người thành công trong tương lai. Các em hãy nhớ rằng không có rào cản nào ngăn được ước mơ của mình”.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin