(VLO) Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 bởi 2 chương trình học khác nhau. Đặc biệt với môn Ngữ văn (NV) do có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) nên ngữ liệu sử dụng trong đề thi môn này có thể nằm trong các SGK khác nhau hoặc hoàn toàn mở.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 bởi 2 chương trình học khác nhau. |
Làm quen sớm
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn NV sẽ xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết các văn bản cụ thể xuất hiện trong đề thi mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về kỹ năng: đọc, viết, nói, nghe.
Để làm quen với sự thay đổi này, ông Đỗ Ý Ly- Trưởng Phòng Giáo dục trung học- Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT, cho hay: “Hội đồng bộ môn NV của sở nghiêm túc nghiên cứu và có những hướng dẫn, triển khai cụ thể về dạy học NV trong chương trình mới theo đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Từ cách dạy làm quen này, học sinh (HS) lớp 12 sắp tới khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp sẽ không thấy hoang mang”.
Cụ thể hướng dẫn công tác chuyên môn bộ môn NV giáo dục trung học- giáo dục thường xuyên của Sở GD-ĐT năm học 2024-2025 lưu ý nội dung kiểm tra giữa kỳ, cấu trúc đề gồm 2 phần như đề thi tốt nghiệp.
Trong đó, đọc hiểu có 1 câu hỏi liên quan đến kiến thức, kỹ năng Tiếng Việt ở các khối lớp và bài đã học. Viết bài văn tương ứng với kiểu bài HS đã được học trong thời gian trước đó theo từng khối lớp.
Với kiểm tra cuối kỳ ở các lớp: 6, 7, 8, 9 và 12, Sở GD-ĐT sẽ ra đề chung toàn tỉnh. Ông Đỗ Ý Ly lưu ý thêm: “SGK chỉ là phương tiện, tài liệu tham khảo cung cấp các chất liệu dạy học cho giáo viên”.
Trước sự đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông, thì giáo viên đã có sự chủ động chuẩn bị ngay từ đầu, có sự thống nhất từ phương pháp nền tảng chung để dạy, thêm vào đó là cơ sở dạy dựa vào chuẩn chương trình.
Cô Phạm Thị Phúc Trinh- giáo viên NV, Trường THPT Bình Minh (TX Bình Minh), cho rằng: “Chúng tôi tham khảo môn NV ở những bộ sách khác, xem cùng nội dung đó có cách diễn giải như thế nào.
Sau đó, rút phần tri thức nền chung dạy HS. Và như vậy, tri thức nền chung là chuẩn, về thể loại, kiểu bài, để HS vận dụng vào kiểu bài cụ thể giúp các em thích ứng dần với chương trình mới.
Tổ bộ môn thống nhất với nhau là văn bản dạy các em đều là văn bản mới. Đồng thời, đảm bảo tương đương với đề tham khảo từ độ khó, độ dài phải tương ứng, câu hỏi dựa trên chuẩn tương đương. Cho làm quen dần các em sẽ thông hiểu”.
Bắt đầu từ năm học lớp 10 còn lúng túng, sau thời gian giáo viên “vừa dạy vừa trấn an” giúp các em làm quen dần từng bước, từng bước một với cách học mới. Đến năm học 12, các em quen dần cách học này.
Đề thi phát huy năng lực học sinh
Điểm thuận lợi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là đề tham khảo được Bộ GD-ĐT công bố từ sớm (tháng 10/2024), tạo điều kiện về thời gian cho giáo viên, HS nghiên cứu.
Theo sự phân tích của giáo viên về đề tham khảo môn NV, có sự kế thừa với các đề thi NV minh họa trước đó; nghĩa là đề thi có 2 phần đọc hiểu và làm văn.
Về phạm vi kiến thức thì phần đọc hiểu nghị luận xã hội nằm ngoài chương trình SGK, nghị luận văn học về các thể loại truyện, kịch, thơ,...
Về cơ cấu thì phần đọc hiểu tăng lên 1 điểm và cũng tăng lên số câu hỏi. Về tính chất, đề thi tốt nghiệp môn NV từ 2025 bổ sung những câu hỏi liên quan đến đặc trưng thể loại các câu hỏi và yêu cầu HS phải vận dụng, liên hệ với thực tiễn.
Về phần làm văn có phần giờ viết đoạn nghị luận xã hội và phần viết bài văn nghị luận văn học. Theo đề tham khảo thì ngữ liệu cả 2 phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều nằm ngoài SGK. Như vậy, HS có thể kiếm điểm được ở những câu hỏi ngắn trong phần đọc hiểu vì số điểm tăng lên.
Sau khi nghiên cứu đề tham khảo, cô Nguyễn Thị Lệ Hà- Tổ trưởng Tổ bộ môn NV, Trường THPT Vĩnh Xuân (huyện Trà Ôn), chia sẻ: “Tôi cùng các giáo viên trong hội bộ môn hướng dẫn HS làm bài từ hướng dẫn chấm điểm; trong học lý thuyết thì tìm những từ then chốt để minh họa linh hoạt cho các em ứng dụng vào các dạng câu hỏi. Hình thành kỹ năng viết đoạn cho HS”.
Trường THPT Vĩnh Xuân hiện đang trong giai đoạn “vừa dạy, vừa ôn” giáo viên sẽ hướng dẫn cho HS thực hành tìm hiểu những kiến thức về đề thi. Cách làm bài cho từng dạng câu với cái khung nền kiến thức sẵn có.
Tổ bộ môn cùng nhau sưu tầm đề và cùng tìm hiểu để bám sát cấu trúc của Bộ GD-ĐT; động viên tinh thần cho HS, dạy HS làm bài cho thích hợp hướng dẫn chấm điểm.
Nói về phương pháp động viên HS, cô Hà chia sẻ: “Đầu tiên là mình phải phân tích sự đổi mới cho HS để các em có sự chuẩn bị về tâm lý.
Sau đó thì giáo viên sẽ đối sánh với đề cũ và xem HS có thể làm được phần nào. Khi các em làm được thì cần khen ngợi, động viên và tạo niềm tin để các em tự tin hơn và làm được tốt hơn. Và cuối cùng sẽ cầm tay chỉ việc, có nghĩa là tùy theo HS, tùy theo mức độ nhận biết của các em để có hướng dẫn phù hợp”.
Góp ý cho đề tham khảo, cô Phạm Thị Phúc Trinh, bày tỏ: “HS thuộc tri thức nền, từ đó áp vào ngữ liệu để các em hiểu được. Thuộc để hiểu để vận dụng; do đó kiến thức nền phải chắc.
Đề tham khảo hay sẽ đánh giá năng lực của HS tới đâu, học thuộc, học vẹt không thể nào làm tốt chương trình này, phải hiểu mới được”.
Chương trình mới đòi hỏi giáo viên NV phải đoàn kết hơn nữa để tìm dữ liệu, nghiên cứu phương pháp giảng dạy. Giáo viên phải vừa học, vừa dạy, tích lũy kiến thức, nghiên cứu, để bổ túc kiến thức cho chính mình và cho HS. Thú vị là HS sẽ hiểu thế nào làm thế đó, không phải “trả lại” thầy cô kiến thức thầy cô đã dạy.
HS cần phải nắm đầy đủ bản chất thể loại và đặc điểm, cách thức triển khai phản ánh đời sống của thể loại để khi gặp bất cứ dữ liệu nào cũng không lúng túng trong việc giải mã yêu cầu của đề. HS cần bổ sung các văn bản ngoài SGK, quan tâm tới vấn đề xã hội, tư duy logic, hình tượng, phản biện để viết nghị luận sắc sảo, thuyết phục và hấp dẫn hơn. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin