(VLO) Tăng cường hợp tác quốc tế là một xu thế tất yếu khách quan cho sự phát triển của các trường ĐH.
Chuyến công tác của Trường ĐH Cửu Long tại hai nước Lào và Thái Lan vừa qua, đã mở ra cơ hội cập nhật những tri thức mới góp phần cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, Trường ĐH Cửu Long còn thực hiện nhiệm vụ văn hóa là góp phần giữ gìn, phát huy giá trị nhân văn của tiếng Việt.
Trường ĐH Cửu Long ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Trung học Benchama Maharat, Thái Lan. |
Dạy tiếng Việt ở nước ngoài
Hiện nay, có khoảng 100.000 kiều bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Lào, trong đó có gần 40.000 kiều bào sinh sống và làm việc tại Thủ đô Viêng Chăn.
Cùng với đó, Việt Nam đang là nước đào tạo nguồn nhân lực cho Lào nhiều nhất so với các nước trên thế giới, với hơn 10.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại các trường ĐH, CĐ ở 54 tỉnh, thành phố.
Khó khăn lớn nhất được xác định trong việc học tập của lưu học sinh Lào tại Việt Nam hiện nay là ngôn ngữ. Góp phần giải bài toán này, Trường ĐH Cửu Long vừa đưa vào hoạt động Trung tâm Đào tạo tiếng Việt thứ 2 ở Thủ đô Viêng Chăn.
PGS.TS Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, thông tin: “Trung tâm sẽ đào tạo tiếng Việt cho các chuyên viên trong và ngoài Bộ Giáo dục- Thể thao, cho người dân có nguyện vọng học tiếng Việt, cũng như chuẩn bị năng lực tiếng Việt trước khi qua Việt Nam học chuyên môn.
Trước đây, muốn học tiếng Việt thì phải qua Việt Nam học từ 9-12 tháng, vì nhiều lý do không phải ai cũng có điều kiện sang Việt Nam học. Giờ đây, người học tiếng Việt có thể học kết hợp giữa học ở Lào và học ở Việt Nam, như vậy tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho người học”.
Điểm đặc biệt của trung tâm này là có chương trình đào tạo tiếng Việt cho cả trẻ em và người lớn, lớp học đa dạng về thời gian để người học lựa chọn. Như vậy, những người Việt Nam thế hệ thứ 2 thứ 3 tại Viêng Chăn sẽ có thêm cơ hội học tiếng Việt, để hiểu và cùng giữ gìn văn hóa, cội nguồn dân tộc.
Tiếng Việt là ngoại ngữ thay thế được tổ chức giảng dạy ở 21 trường ở Lào. Trung tâm sẽ là khởi đầu cho mô hình hợp tác và tự chủ trong quản lý chuyên môn, nghĩa là Trường ĐH Cửu Long sẽ cung cấp trang thiết bị cũng như cử giáo viên sang giảng dạy. Bộ Giáo dục- Thể thao Lào sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ cơ sở vật chất, chỗ ở cho giáo viên và quản lý kinh phí hành chính.
Phương thức dạy và học sẽ được tổ chức theo nhu cầu của người học là chính hoặc có thể tổ chức riêng cho các đơn vị, cơ quan có nhu cầu học tập trong thời gian thuận tiện. Vì vậy đây sẽ là điều kiện thuận lợi để học viên có thể sắp xếp thời gian nhập học.
PGS.TS Anoulom Vilayphone- Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào, nhận định: “Trung tâm Đào tạo tiếng Việt là dấu mốc quan trọng của sự hợp tác và mối quan hệ hữu nghị giữa hai đơn vị, xúc tiến đào tạo tiếng Việt tại Lào.
Thay mặt Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục, tôi đánh giá cao việc thành lập Trung tâm Đào tạo tiếng Việt, qua đó giúp nâng cao vai trò chuyên môn của trung tâm xúc tiến ngoại ngữ lên một tầm cao hơn, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ trung tâm trong việc trao đổi kiến thức từ các giáo viên Việt Nam, cũng như góp phần tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực”.
Kỳ vọng tương lai
Trường ĐH Cửu Long vừa đưa vào hoạt động Trung tâm Đào tạo tiếng Việt thứ 2 ở Thủ đô Viêng Chăn, Lào. |
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đòi hỏi các cơ sở giáo dục ĐH phải không ngừng đổi mới sáng tạo, từ đó đặt ra yêu cầu hội nhập quốc tế để cập nhật những tri thức mới, những xu thế mới góp phần cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan ước tính khoảng 100.000 người, tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc. Đây là cộng đồng có truyền thống cách mạng, yêu nước, tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Trường ĐH Rajabhat Udon Thani, một trong ít trường tại Thái Lan đưa môn tiếng Việt vào giảng dạy tọa lạc tại nơi được xem là “thủ phủ” của người Thái gốc Việt với hơn 60.000 người. Đây cũng là tỉnh tập trung kiều bào gốc Việt đông nhất ở Thái Lan.
Mới đây, Trường ĐH Cửu Long ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường ĐH Rajabhat Udon Thani và Trường Trung học Benchama Maharat, Thái Lan.
Nội dung ký kết hợp tác nhằm tạo điều kiện giao lưu học tập kinh nghiệm thông qua các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên; hợp tác đào tạo theo chương trình 2+2; 2+1; thực hiện chương trình tư vấn và hướng nghiệp cho học sinh, tiếp nhận học sinh Thái Lan sang du học.
PGS.TS Khanisara Thanyasunthornsakun- Hiệu trưởng Trường ĐH Rajabhat Udon Thani, Thái Lan, chia sẻ ngay sau lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác: “Đây là điểm khởi đầu sự hợp tác của hai trường, chúng tôi thấy được tiềm năng phát triển giữa trường của chúng tôi và Trường ĐH Cửu Long, chúng tôi cũng có sự tương đồng về lực lượng đội ngũ giảng viên, sinh viên. Có rất nhiều khả năng hợp tác ở các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe.
Tôi hy vọng là có thể hiện thực hóa cũng như phát triển thêm những chiến lược, những chính sách mà chúng tôi đề ra trong biên bản ký kết ghi nhớ hợp tác này”.
Đến nay, Trường ĐH Cửu Long đã thực hiện ký kết hơn 100 biên bản ghi nhớ hợp tác với các trung tâm, trường ĐH, CĐ, các tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài; trong đó, nhiều dự án được thực hiện thành công như chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên; các chương trình liên kết đào tạo, thực tập sinh; đầu tư dự án, tài trợ giáo dục và nghiên cứu khoa học...
Từ năm 2015 đến nay, Trường ĐH Cửu Long đã triển khai hợp tác đào tạo ĐH, cao học cho gần 400 sinh viên, học viên Lào tại Việt Nam. Trong đó có hàng trăm sinh viên, học viên về nước công tác. Hiện tại, Trường ĐH Cửu Long có hơn 150 lưu học sinh, trong đó có 70% là lưu học sinh Lào đang học tập. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin