Tiến tới triển khai đại trà giáo dục STEM cấp tiểu học

11:52, 04/09/2024

(VLO) Sau 1 năm thực hiện thí điểm tại một số trường tiểu học (TH) trong toàn tỉnh, giáo dục (GD) STEM đã góp phần phát huy năng lực sáng tạo, tư duy phản biện khoa học,… và các kỹ năng cần thiết cho học sinh. Tuy nhiên, để triển khai đại trà GD STEM trong năm học mới, các cơ sở GD cần kế thừa, phát huy hiệu quả thí điểm; đề ra giải pháp khắc phục khó khăn phù hợp từng đơn vị.

Các sản phẩm STEM của học sinh tiểu học tham gia triển lãm.
Các sản phẩm STEM của học sinh tiểu học tham gia triển lãm.

Sau 1 năm thí điểm

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 42 trường TH đăng ký tham gia thí điểm GD STEM. Qua đó, các trường đã xây dựng kế hoạch GD STEM; một số đơn vị có tổ chức lựa chọn tài liệu GD STEM để tổ chức giảng; thành lập BCĐ việc thực hiện GD STEM; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên căn cứ theo công văn hướng dẫn của Sở GD-ĐT. Các tổ chuyên môn có kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên môn về GD STEM.

Có bố trí góc trưng bày sản phẩm STEM ở từng lớp học, một góc ở thư viện nhà trường; trường thực hiện tốt công tác truyền thông đến phụ huynh học sinh, trang bị tài liệu GD STEM nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác triển khai.

Ông Nguyễn Tương Xuyên Nghiêm- Trưởng Phòng GD mầm non- TH (thuộc Sở GD-ĐT), đánh giá: “Nhìn chung, các trường tham gia thí điểm bám sát kế hoạch của Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT; lựa chọn các chủ đề để tổ chức hoạt động GD STEM tương ứng cho từng khối lớp; có thành lập tổ hỗ trợ, tổ chức thực hiện GD STEM của nhà trường, có thời gian tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ thành viên cụ thể; có bố trí góc trưng bày sản phẩm STEM”.

Sau 1 năm triển khai thực hiện GD STEM, Trường TH Lê Thánh Tông (TX Bình Minh) với thuận lợi có đội ngũ cán bộ, giáo viên năng động, nhiệt tình, tích cực tham gia các lớp tập huấn có hiệu quả đã đạt được những thành tựu cơ bản.

Kết quả về kinh tế đã huy động tài trợ 39 triệu đồng; qua đó, giúp học sinh biết tận dụng những nguyên vật liệu làm ra được các sản phẩm STEM, tiết kiệm được kinh phí mua đồ dùng học tập.

Học sinh được phát huy năng lực sáng tạo, tư duy phản biện khoa học, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết, ý thức tiết kiệm,...

Tuy nhiên, cùng những thuận lợi đó nhà trường vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Ông Phạm Hoàng An- Hiệu trưởng Trường TH Lê Thánh Tông, cho hay: “Nhiều phụ huynh đi làm ăn xa, ít có thời gian quan tâm đến việc học hành của con em.

Năng lực sáng tạo, linh hoạt đổi mới phương pháp GD STEM ở vài giáo viên còn hạn chế. Nội dung GD STEM còn mới mẻ, cán bộ giáo viên phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu xây dựng, lựa chọn các chủ đề STEM vào trong tiết dạy.

Nguồn ngân sách để mua sắm dụng cụ, nguyên vật liệu và tài liệu phục vụ cho GD STEM còn gặp khó khăn. Rất ít phụ huynh thực sự nhận thức đầy đủ và hiểu rõ về vai trò của STEM trong GD học sinh TH”.

Triển khai đại trà

Để triển khai đại trà GD STEM trong toàn tỉnh có hiệu quả, các đơn vị cần nhìn nhận những khó khăn và đề ra giải pháp phù hợp thực hiện trong năm học mới.

Hoạt động trải nghiệm STEM của học sinh Trường Tiểu học Lê Thánh Tông.
Hoạt động trải nghiệm STEM của học sinh Trường Tiểu học Lê Thánh Tông.

Nói về những hạn chế trong thực hiện GD STEM, ông Nguyễn Tương Xuyên Nghiêm cho rằng: “Kế hoạch bồi dưỡng của nhà trường chưa xác định trọng tâm nội dung bồi dưỡng tại từng thời điểm; kế hoạch GD STEM chưa có nội dung cụ thể từng tháng.

Một số đơn vị, kế hoạch GD STEM của tổ khối giống kế hoạch của nhà trường, chưa cụ thể phù hợp với điều kiện với từng khối; phụ lục về phiếu đánh giá chưa đầy đủ. Kế hoạch bài học STEM chưa phân biệt cụ thể từng tiết; phần nội dung Công nghệ, Tin học chưa cập nhật STEM vào phụ lục”.

Từ thực tế nhà trường trong GD STEM, ông Phạm Hoàng An đề nghị: “Các cấp, các trường tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, hội thảo, hoạt động trải nghiệm STEM hay ngày hội STEM”.

Thực tế, các hoạt động, hội thảo STEM đã mang lại hứng thú học tập, sáng tạo cho học sinh. Tại ngày hội STEM cấp tỉnh dành cho học sinh TH vào cuối tháng 8, có 126 sản phẩm STEM của học sinh/nhóm học sinh 42 trường TH tham gia thí điểm STEM được trưng bày.

Sản phẩm STEM của các em học sinh đa dạng, phong phú, đảm bảo vận dụng kiến thức STEM tính ứng dụng trong cuộc sống.

Em Lê Bảo Trâm- học sinh lớp 5, Trường TH Song Phú A (huyện Tam Bình) cùng các bạn tham gia triển lãm với sản phẩm của nhóm là “hộp số bí ẩn”. Bảo Trâm, cho biết: “Được thầy cô hướng dẫn, em và các bạn cùng làm sản phẩm này, nó giúp chúng em học môn Toán vui hơn, thú vị hơn”.

Trong năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT đề nghị, Phòng GD-ĐT, nhà trường cần tổ chức cho đội ngũ nghiên cứu kỹ tài liệu GD STEM trong quá trình tổ chức thực hiện.

Kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ của nhà trường trong năm học cần xác định cụ thể từng nội dung. Nhà trường quan tâm hơn nữa đến góc trưng bày sản phẩm STEM đảm bảo tính thẩm mỹ, sáng tạo, phù hợp điều kiện từng đơn vị. Làm tốt công tác tuyên truyền trong phụ huynh học sinh về vai trò của GD STEM.

Năm học 2024-2025, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, triển khai đại trà hoạt động GD STEM cấp TH. Trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được qua 1 năm thí điểm GD STEM, cán bộ giáo viên các trường cần tích cực, chủ động nghiên cứu tài liệu; tăng cường công tác đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn; tổ chức dự giờ trao đổi chia sẻ cách thiết kế bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM, thực hiện thành công hoạt động GD STEM góp phần thực hiện mục tiêu dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh