Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác giáo dục- đào tạo Việt Nam- Lào

11:07, 17/07/2024

Tiếp tục thực hiện dự án: "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam- Lào trong lĩnh vực giáo dục (GD) và phát triển nguồn nhân lực 2021-2030", năm học 2023-2024; Việt Nam tiếp tục là nước đào tạo (ĐT) nguồn nhân lực cho nước bạn Lào nhiều nhất so với các nước trên thế giới. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án này, thời gian tới hai bên cần tăng cường hợp tác, khắc phục khó khăn, phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng cho nước bạn Lào.

 

 

Lưu học sinh Lào tại Việt Nam có thành tích cao trong học tập được khen thưởng tại lễ tổng kết năm học.
Lưu học sinh Lào tại Việt Nam có thành tích cao trong học tập được khen thưởng tại lễ tổng kết năm học.

Tiếp tục thực hiện dự án: “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam- Lào trong lĩnh vực giáo dục (GD) và phát triển nguồn nhân lực 2021-2030”, năm học 2023-2024; Việt Nam tiếp tục là nước đào tạo (ĐT) nguồn nhân lực cho nước bạn Lào nhiều nhất so với các nước trên thế giới. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án này, thời gian tới hai bên cần tăng cường hợp tác, khắc phục khó khăn, phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng cho nước bạn Lào.

Hơn 10.000 lưu học sinh Lào tại Việt Nam

Năm học 2023-2024, có gần 10.200 lưu học sinh (LHS) Lào, đang theo học trên 50 cơ sở GD ĐH tại Việt Nam. Phần lớn LHS Lào có tư tưởng chính trị vững vàng về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt pháp luật của Việt Nam, các quy định của hai bộ GD, các nội quy của trường, phong tục tập quán của địa phương, có tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Trong quá trình học tập LHS Lào còn tích cực tham gia tất cả các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Phát biểu đánh giá năm học vừa qua của LHS Lào tại Việt Nam, ông Khamtanh Somvong- Tham tán GD Văn hóa- Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, cho biết: “Việt Nam ĐT nguồn nhân lực cho Lào nhiều nhất so với các nước trên thế giới. Các cơ sở đào tạo đều có cán bộ quản lý LHS, luôn phối hợp với Đại sứ quán Lào để cùng nhau giải quyết những vấn đề vướng mắc về các chế độ chính sách có liên quan đến LHS. Các trường đều có khu ký túc xá dành riêng cho LHS Lào, có trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ cho học tập, sinh hoạt”.

Tại Vĩnh Long, Trường ĐH Cửu Long là đơn vị có nhiều LHS Lào đang theo học. Trường ĐH Cửu Long có Trung tâm ĐT Tiếng Việt cho người nước ngoài theo quy định của Bộ GD-ĐT tại trường và tại Lào; LHS Lào được tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ký túc xá cũng như các điều kiện học tập, học bổng; được quan tâm tổ chức vui chơi nhân Tết cổ truyền của Lào. PGS.TS Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết: “Sau 9 năm, nhà trường đã ĐT 735 LHS Lào. Chúng tôi luôn chăm sóc các em LHS Lào tận tình, chu đáo, trong quá trình sống và học tập tại Việt Nam với tinh thần đoàn kết, hữu nghị đặc biệt”.

Ông Nguyễn Ngọc Trung- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Đây là năm thứ 10, nhà trường được tiếp nhận các em LHS Lào sang học, hiện tại có 16 LHS. Thuận lợi của các bạn LHS Lào là được học trong thành phố hiện đại, môi trường có nhiều LHS Lào, toàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 800 LHS Lào đang theo học. Đa số LHS thể hiện tinh thần chịu khó, chăm chỉ, lễ phép”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hợp tác ĐT Việt Nam- Lào còn một số khó khăn như trình độ tiếng Việt của một bộ phận LHS còn hạn chế; công tác tư vấn định hướng nghề cho LHS còn chưa đạt hiệu quả cao, dẫn đến một số LHS đổi ngành nghề sau thời gian học.

Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng

Tại hội nghị tổng kết năm học vừa qua, đại diện các cơ sở ĐT đã trao đổi các ý kiến liên quan và đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng ĐT kiến thức, kỹ năng và thái độ, đạo đức hướng tới LHS phát triển năng lực toàn diện.

Theo kiến nghị của ông Khamtanh Somvong, Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ GD- Thể thao Lào cần phối hợp chặt chẽ hơn trong chọn lựa LHS đủ điều kiện; xác định đúng thời gian LHS sang Việt Nam học kịp chương trình; phối hợp cải cách nâng cao chương trình giảng dạy tiếng Việt cơ bản cho LHS Lào trước khi sang Việt Nam. Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào phải có chủ trương mới để quản lý LHS Lào học tập tại Việt Nam.

Để việc hợp tác ĐT LHS đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, bà Thongmy DuanSakda- Quyền Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD- Thể thao Lào mong rằng: “Các cơ sở GD và ĐT Việt Nam quan tâm phối hợp hỗ trợ, cung cấp thông tin ngành nghề ĐT và cập nhật thường xuyên để các em học sinh, sinh viên Lào có nhu cầu và có điều kiện theo học tại Việt Nam ngày càng nhiều hơn, góp phần cho quan hệ hợp tác GD giữa hai nước ngày càng có chất lượng và hiệu quả”.

Năm học 2023-2024 Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng có 400 học viên đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có gần 50% là LHS Lào. Chia sẻ kinh nghiệm ĐT LHS, ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi có những mô hình mang lại hiệu quả cao như mô hình “người mẹ thứ hai”, nghĩa là phối hợp với hội LHPN các cấp để khi các bạn LHS Lào sang học tập sẽ được hội LHPN hỗ trợ và trong thời gian nghỉ, các bạn có thể về nhà của “người mẹ thứ hai” như những người con trong gia đình. Bên cạnh, còn có mô hình một sinh viên Việt Nam kèm một LHS Lào trong học tập. Mô hình này giúp chất lượng về tiếng Việt cũng như kiến thức chuyên môn của LHS tăng lên”.

Trong khi đó, ông Lương Minh Cừ đề nghị: “Bộ GD-ĐT cho phép các trường CĐ, ĐH tư thục ở Việt Nam được tham gia ĐT LHS theo diện hiệp định đã ký kết giữa hai chính phủ. Như vậy, mới đảm bảo tính công bằng trong hợp tác ĐT quốc tế, đảm bảo sự công minh trong thực hiện Luật GD”.

Tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, cơ quan hai nước; sự nỗ lực và quan tâm của các cơ sở GD, công tác ĐT nguồn nhân lực cho nước bạn Lào trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, lưu ý: “Các cơ sở GD khi tiếp nhận LHS Lào cần kiểm tra điều kiện về năng lực tiếng Việt phù hợp; tập trung nâng cao chất lượng ĐT, trong đó, chú trọng công tác kiểm định, đổi mới chương trình. Trong quá trình ĐT LHS Lào, các cơ sở ĐT cần thực hiện đánh giá thực chất, đồng thời cần nhiều hơn sự quan tâm, động viên, hỗ trợ để các LHS Lào có sự tự tin và nỗ lực cao hơn”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh