Sau 6 năm triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp (KN) đến năm 2025" với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái KN quốc gia.
(VLO) Sau 6 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp (KN) đến năm 2025” với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái KN quốc gia.
Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được còn chưa xứng với kỳ vọng và tiềm năng, cần những giải pháp phù hợp hơn cho HSSV tự tin KN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với học sinh, sinh viên tham gia Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia tại TP Cần thơ. |
Chuyển biến mạnh mẽ
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ HSSV KN đến năm 2025”, số lượng các cơ sở giáo dục (GD) ĐH đưa nội dung KN thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 48%, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học.
Đến nay, có 75% cơ sở đào tạo ngắn hạn cho SV thông qua các lớp kỹ năng KN với 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ KN đã được hình thành.
Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ- PGS.TS Trần Trung Tính, cho biết: “Trường ĐH Cần Thơ đã xây dựng học phần đổi mới sáng tạo và KN vào chương trình học chính quy và giảng dạy cho toàn bộ SV của trường từ năm 2019.
Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tọa đàm, giao lưu với doanh nghiệp, cựu SV thành đạt, các “startup” trẻ, tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho SV.
Giảng viên của trường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho SV tham gia nghiên cứu, ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn; lan tỏa tinh thần tự tin KN cho SV”.
Có 60% trường thành lập được các CLB KN; 110 trường bố trí không gian chung hỗ trợ KN dành cho HSSV, tăng 20 trường so với năm 2023. Có khoảng 50 trường thành lập trung tâm hỗ trợ SV KN, tăng 5 so với năm 2023.
Trong đó, có hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp KN của SV. Có thêm nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư quan tâm, kết nối đầu tư đối với các ý tưởng, dự án KN có tính khả thi.
Tuy nhiên, hệ sinh thái KN nói chung và hệ sinh thái KN trong các cơ sở GD nói riêng vẫn còn hạn chế, thiếu sự gắn kết; còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực, thế giới.
Phát biểu tại ngày hội KN quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: “Các chính sách hỗ trợ KN đối với HSSV triển khai còn chậm. Nhiều thành tố của hệ sinh thái KN chưa thực sự đủ mạnh. Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở GD, đào tạo tại các địa phương còn khá dè dặt.
Đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ KN có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu còn ít. Tâm lý ngại rủi ro vẫn còn trong cả đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở GD và đội ngũ chuyên gia”.
Cần đi vào chiều sâu
Sinh viên tự tin trình bày dự án khởi nghiệp. |
Dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng thành tựu KN ở các cơ sở GD nói chung còn hạn chế.
PGS.TS Trần Trung Tính, kiến nghị: “Cần thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, GD nâng cao nhận thức kiến thức kỹ năng về KN của HSSV thống nhất trong toàn hệ thống. Lựa chọn một số cơ sở GD có đủ điều kiện đại diện trong khu vực để đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo và KN của HSSV; phát triển hệ thống KN trường phổ thông với ĐH đồng bộ, phát triển các ý tưởng KN tạo ra nhiều sản phẩm có tính đặc trưng công nghệ mới có khả năng thương mại. Có cơ chế đặc thù để các doanh nghiệp đầu tư tài chính nhằm phát triển các ý tưởng KN của HSSV.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của đề án, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của đề án đã đặt ra; tiếp tục rà soát, sửa đổi, cập nhật, ban hành và đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động KN đổi mới sáng tạo cho HSSV gắn với hoạt động GD, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hướng nghiệp”.
Bên cạnh, Bộ GD-ĐT còn đề nghị các trường phổ thông cần chủ động cung cấp cho HS các kiến thức, kỹ năng về KN, tăng cường tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng KN cho HS. Các trường ĐH tiếp tục phát huy, nhân rộng kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời khẩn trương xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế.
Thúc đẩy hợp tác nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác quốc tế nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ hoạt động KN, đổi mới sáng tạo trong nhà trường.
Đối với các cơ sở GD, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chỉ đạo: “Tổ chức triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành; chủ động bố trí nguồn lực sớm xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái KN; phối hợp với doanh nghiệp để hình thành các trung tâm ươm tạo trong nhà trường.
Thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ; phát triển mạng lưới KN, đổi mới sáng tạo, mạng lưới chuyên gia, cố vấn; kết nối với mạng lưới KN đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Đối với HSSV, Thủ tướng nhấn mạnh: “Các cháu chính là những chủ nhân tương lai của đất nước! Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng căn dặn: “Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.
Sau 6 năm tổ chức, Cuộc thi “HSSV với ý tưởng KN” đã nhận được hơn 1.900 dự án đến từ các cơ sở GD và hơn 1.100 dự án đến từ các trường THPT, THCS trong toàn quốc. 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án KN cũng ngày càng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN