Nhà giáo ưu tú Võ Tấn Diệp, sinh năm 1971, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Cái Ngang (Tam Bình) đã có 30 năm gắn bó với nghề, với những "thay da đổi thịt" từ chất lượng, quy mô đến cơ sở vật chất của ngôi trường này.
|
Thầy Diệp luôn chú trọng đến chất lượng học tập của học sinh, nhất là học sinh cuối cấp. |
Nhà giáo ưu tú Võ Tấn Diệp, sinh năm 1971, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Cái Ngang (Tam Bình) đã có 30 năm gắn bó với nghề, với những “thay da đổi thịt” từ chất lượng, quy mô đến cơ sở vật chất của ngôi trường này.
Là người thầy có kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, nhưng thầy Diệp cũng là người dìu dắt học sinh yếu học tốt hơn. Nói theo quan niệm của thầy Diệp, đó là sự công bằng trong giáo dục, không để học sinh yếu kém lại phía sau; đồng thời, không quên đào tạo, vun bồi thêm cho các em khá giỏi.
Hạnh phúc với nghề
Trong sân trường xanh, sạch, đẹp, thấp thoáng ánh sáng mùa hè, thầy Võ Tấn Diệp như cũng rạo rực niềm vui nhớ về những chuyện ngày mới vào nghề. Thầy Diệp kể: “Lúc đó trường có 2 điểm trường cách xa nhau, muốn đi từ điểm A sang điểm B phải đi đò. Những ngày trời mưa, học trò ra cửa lớp đón thầy. Có lần tôi lên đò thì bị trợt ngã, thầy trò đều cười”.
Trường học ngày ấy giữa đồng, xung quanh nhiều ao vũng, nên chuyện đi học, đi dạy lấm lem mỗi mùa mưa là rất bình thường. Đường đi học đã khó, giáo viên thiếu, cơ sở vật chất cũng thiếu. “Tôi vừa dạy Toán, Lý còn kiêm thêm dạy Thể dục, Sinh học và làm Tổng phụ trách đội. Nay trường đạt chuẩn quốc gia, đủ cơ sở vật chất, giáo viên đạt và trên chuẩn,… những con đường đến trường là lộ nhựa xe chạy bon bon”- thầy Diệp nói.
Tình yêu thương đối với học trò, sự quý mến của trò dành cho thầy đã giúp thầy Diệp vượt qua những năm tháng khó khăn, lương giáo viên ít ỏi. Cũng có những học trò chưa ngoan, cá biệt nhưng với quan điểm công bằng giáo dục, thầy Diệp không bỏ rơi các em.
Thầy Diệp quan niệm: “Không thể bỏ các em học sinh yếu kém lại phía sau, cũng không quên bồi dưỡng cho học sinh khá giỏi. Tôi đặt mình với vai trò là người cha để dạy các con. Có thể buồn khi học sinh chưa ngoan nhưng không bỏ cuộc”.
Lấy tình cảm làm nền tảng, nhiều học sinh cá biệt được thầy Diệp cảm hóa và tiếp tục đến trường. “Tôi tìm hiểu kỹ những hoàn cảnh học sinh vì đa số các em bị ảnh hưởng nhiều từ hoàn cảnh gia đình. Hiểu, rồi thông cảm, lắng nghe các em tâm sự để chia sẻ với các em và tìm giải pháp phù hợp tâm lý học trò. Trong các trường hợp này phải tiếp xúc riêng, vì đa phần các em dễ mặc cảm”- thầy Diệp chia sẻ.
Với tinh thần đoàn kết, hòa đồng, quan tâm đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công việc; thầy Diệp giúp đỡ nhiều giáo viên trong trường trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Thầy còn là giáo viên cốt cán trong việc đổi mới sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đã dạy qua 3 chương trình giáo dục, thầy Diệp tỉ mẩn nghiên cứu, đi sâu khám phá cái mới, nắm chắc và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp dạy học, nhất là những yêu cầu mới của chương trình cải cách mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra.
Thầy Diệp chia sẻ: “3 lần thay đổi chương trình chủ yếu về cách dạy, nội dung cốt lõi không thay đổi nhiều. Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo tôi là chương trình hay, đòi hỏi học sinh phải sáng tạo, tự suy nghĩ tìm ra kiến thức”.
Em Nguyễn Thị Ngọc Diệp- học sinh lớp 9/1, Trường THCS Cái Ngang, nói: “Em rất thích học Toán thầy Diệp dạy, thầy dạy rất vui. Dù môn Toán khó nhưng thầy dạy dễ hiểu, em không thấy áp lực. Các bạn trong lớp cũng rất vui khi học tiết của thầy. Mỗi khi tụi em không thuộc công thức hay khái niệm thì thầy phạt chép bài phạt, không la rầy, nhưng chép xong nhớ bài rất lâu”.
|
Học với học sinh
Dù ở chương trình giáo dục nào, thầy Diệp luôn chú trọng đến chất lượng học tập của học sinh, nhất là học sinh cuối cấp, tạo mọi điều kiện để học sinh tiếp cận kiến thức một cách tốt nhất. Kết quả cuối năm của các lớp phụ trách học sinh từ trung bình trở lên đạt 100%. Thầy thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy, mỗi năm đều tham gia mở chuyên đề cho tổ chuyên môn.
Đối với học sinh giỏi Toán, thầy Diệp chủ động và vận động thầy cô trong tổ ôn tập miễn phí cho các em học sinh. Chia sẻ về vấn đề này, thầy Diệp nói: “Dựa trên ưu thế của từng giáo viên mà tôi phân công ôn tập. Ví dụ giáo viên nào ôn hình học, giáo viên nào ôn đại số,… để kết quả ôn tập cao hơn”.
Với thầy Diệp mỗi tiết bồi giỏi là giờ học cùng trò, kiến thức là vô hạn nên thầy cũng vừa dạy vừa học để cùng tiến bộ với học sinh. Thầy Diệp nói: “Tôi luôn đặt niềm tin với học sinh của mình, thầy cùng học với học sinh. Các em làm đúng hay gần đúng ý nào, tôi hoàn thiện ý đó cho các em hiểu, giải từ từ theo kiểu lần lần vách”.
Trong quá trình ôn tập, thầy Diệp còn xây dựng kiến thức cơ bản cho học sinh. Cho các em suy nghĩ, khai thác, tìm hiểu thêm tài liệu, tiếp cận các dạng đề. Thầy Diệp cho rằng để trở thành học sinh giỏi là một quá trình, đòi hỏi học sinh có nền tảng và được bồi dưỡng từ sớm, đến đầu lớp 9 mới chọn lựa học sinh sẽ gặp nhiều hạn chế, ít thời gian ôn tập.
Bên cạnh dạy kiến thức cho học sinh, thầy Diệp luôn quan tâm dạy các em cách làm công dân có ích, thông qua biện pháp nêu gương. Thầy Diệp cho hay: “Tôi đăng ký học Bác tính nêu gương trong tác phong làm việc. Đến lớp đúng giờ, ăn mặc gọn gàng đúng quy định, dạy học thì dùng ngôn ngữ Toán học, ngôn ngữ nói nhẹ nhàng, lắng nghe học sinh,… Lấy mình làm gương cho học sinh noi theo, thầy trò cùng nhau học làm theo Bác từ những điều nhỏ nhất”.
Vấn đề thầy Diệp băn khoăn hiện nay là việc quản lý học sinh từ gia đình ít được quan tâm, phối hợp vì đa số phụ huynh đi làm, ít có thời gian tiếp xúc con, nên không biết con học gì, học như thế nào,... Những băn khoăn, trăn trở như liều thuốc thử vàng để thầy Diệp cố gắng nhiều hơn, tìm nhiều giải pháp hơn để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”.
Theo thầy Quách Trung Dung- Hiệu trưởng Trường THCS Cái Ngang: Thầy Diệp là người nhiệt tình, được đồng nghiệp yêu quý, học sinh thương yêu, rất trách nhiệm với việc mình làm. Là tổ trưởng tổ Toán, thầy và tổ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong thời điểm dịch phải học trực tuyến, tỷ lệ học sinh lớp 9 có điểm thi môn Toán tuyển sinh lớp 10, cao nhất nhì tỉnh. Thầy cũng là người “mát tay” trong bồi dưỡng học sinh giỏi, năm nào nhà trường cũng có học sinh giỏi Toán cấp huyện, tỉnh.
|
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
>> Kỳ cuối: “Người “thắp lửa” cho học sinh nghiên cứu, sáng tạo”