Hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông trong tình hình mới

11:05, 08/05/2024

Thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" ở Vĩnh Long thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong tình hình mới còn nhiều khó khăn thách thức đặt ra để thực hiện tốt hơn nữa đề án này.

 

Trường CĐ Vĩnh Long phối hợp trường phổ thông tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Trường CĐ Vĩnh Long phối hợp trường phổ thông tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ở Vĩnh Long thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong tình hình mới còn nhiều khó khăn thách thức đặt ra để thực hiện tốt hơn nữa đề án này.

Hiệu quả bước đầu

Theo Sở GD-ĐT, sau thời gian triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” về cơ bản đã được hoàn thành, các nhiệm vụ đã được thực hiện đúng tiến độ và đạt được một số kết quả quan trọng.

Chia sẻ về mục tiêu hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông, ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, nói: “Không phải không đậu lớp 10 phổ thông mới đi học nghề, phân luồng là phân theo ngành nghề phù hợp lao động. Tại Vĩnh Long không có sự phân biệt giữa giáo dục thường xuyên và giáo dục phổ thông trong sinh hoạt chuyên môn”.

Sở GD-ĐT thành lập hội đồng bộ môn của tất cả các môn và đó là hội đồng chung cho cả giáo dục thường xuyên và phổ thông, kết quả năm 2023, tỷ lệ học sinh lớp 12 của giáo dục thường xuyên tốt nghiệp là 96,65%. Nhiều em học hệ thường xuyên tiếp tục học ĐH; các cuộc thi thực hành thí nghiệm,… Sở đều tạo điều kiện cho các em học sinh thường xuyên tham gia.

Các trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ đều đạt chỉ tiêu.

Chia sẻ kết quả hướng nghiệp và phân luồng học sinh, thầy Nguyễn Phương Bình- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hùng (huyện Long Hồ), thông tin: “Giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm công tác tư vấn phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, trường còn liên kết các cơ sở giáo dục nghề đến trường để tư vấn việc chọn nghề cho các em học sinh lớp 12, phối hợp Phòng Lao động-TB-XH huyện, Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh để tư vấn các em sau khi tốt nghiệp”.

Kết quả, trong những năm gần đây, Trường THPT Phạm Hùng có tỷ lệ 65% học sinh tốt nghiệp THPT học ĐH, 25% học sinh học nghề, 10% còn lại du học hoặc làm nghề tự do.

Có thể thấy, việc đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông được quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông đã từng bước được nâng cao.

Còn nhiều thử thách

Bên cạnh những thành quả đạt được, việc thực hiện đề án này còn nhiều khó khăn, thử thách. Nhiều học sinh không biết nếu học nghề sẽ chọn nghề gì phù hợp với mình, nên lúng túng khi chọn trường để học nghề. Các ngành nghề chưa phong phú, chưa có cơ hội nhiều cho các em lựa chọn,… Vẫn còn nhiều cha mẹ học sinh chưa quan tâm hướng đi cho con em mình sau tốt nghiệp THCS.

Theo thầy Nguyễn Văn Đoàn- Hiệu trưởng Trường THCS Trà Côn (huyện Trà Ôn), khó khăn hiện nay là cha mẹ học sinh khó tiếp cận các thông tin về học nghề; những quyền lợi của học sinh khi được học nghề; sau khi học nghề vấn đề việc làm như thế nào;…

Đóng góp vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Đoàn, đề nghị: “Ngoài miễn học phí đối với các em học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề thì cần có chính sách đặc biệt hơn nữa đối với các em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các trường đặc biệt khó khăn, nhiều học sinh không trực tiếp vào lớp 10 phổ thông sẽ vào thị trường lao động”.

Một trong những thử thách để thực hiện tốt phân luồng là tư tưởng của nhiều phụ huynh còn nặng về tấm bằng ĐH, không muốn con em học nghề sớm; phụ huynh chưa quan tâm, tìm hiểu về tầm quan trọng của việc học nghề.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thành Đông (huyện Bình Tân)- thầy Đặng Ngọc Ánh nói về công tác tư vấn ở trường mình: “Cha mẹ học sinh cảm thấy xấu hổ, mặc cảm khi con học nghề ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên,… chúng ta cần phải làm tốt công tác tư tưởng”.

Để thực hiện công tác tư tưởng này, thầy Đặng Ngọc Ánh mời tất cả cha mẹ học sinh tham gia tư vấn; đồng thời, mời cựu học sinh của trường đang học tại trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên đến để tư vấn cùng ban giám hiệu. Được lắng nghe “người thật, việc thật” nói về nội dung, môi trường học tập, ban giám hiệu tiếp tục hướng dẫn cụ thể, giải đáp từng băn khoăn của cha mẹ học sinh. Kết quả, trong năm học vừa qua có 69 học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 THPT thì có 57 em vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên; 5 học sinh học nghề.

Bên cạnh, để thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết; thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên; đánh giá, sơ kết định kỳ để có những điều chỉnh kịp thời, thiết thực và hiệu quả.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019 là 74,84% đến năm 2023-2024 tỷ lệ 73,32%. Học sinh tốt nghiệp THCS vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên học lớp 10 biến động theo từng năm, tỷ lệ bình quân trong 6 năm học gần đây là 16,3%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào các trường ĐH, CĐ tăng lên rõ rệt, từ năm học 2018-2029 tỷ lệ 48,53%, đến năm học 2023-2024 tỷ lệ đến 66,4%.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh