Tùy vào từng đối tượng học sinh, các đơn vị giáo dục có học sinh lớp 12 trong tỉnh Vĩnh Long đang triển khai tăng tốc ôn tập. Đặc biệt, đối với những học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp thì kế hoạch ôn tập càng chi tiết hơn, dựa trên cơ sở phân tích từng học sinh; tiếp đó, là sự vào cuộc của tập thể sư phạm nhà trường.
(VLO) Tùy vào từng đối tượng học sinh, các đơn vị giáo dục có học sinh lớp 12 trong tỉnh Vĩnh Long đang triển khai tăng tốc ôn tập. Đặc biệt, đối với những học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp thì kế hoạch ôn tập càng chi tiết hơn, dựa trên cơ sở phân tích từng học sinh; tiếp đó, là sự vào cuộc của tập thể sư phạm nhà trường.
Học sinh lớp 12 được ôn thi theo hướng phân hóa đối tượng và được quan tâm từ vật chất đến tinh thần. |
Bắt “đúng mạch”
Ngay trong quá trình dạy học, các trường đã xác định đối tượng học sinh “diện nguy cơ” và tìm ra giải pháp phù hợp nhất.
Trường THCS-THPT Mỹ Thuận (Bình Tân) có 22 học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp, các em với hoàn cảnh khác nhau, như: gia cảnh khó khăn, ba mẹ ly hôn, sống cùng ông bà, sống cùng cha dượng/mẹ kế không hòa hợp, mồ côi,…
Cô Lâm Thị Thanh Tuyền- Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Mỹ Thuận, cho hay: “Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi đã xác nhận những học sinh có nguy cơ và có giải pháp riêng cho các em.
Phân nhóm học sinh theo môn các em còn yếu và thành lập các tổ hỗ trợ, mỗi tổ gồm 1 thành viên ban giám hiệu, đoàn thanh niên, giáo viên bộ môn, giáo viên hỗ trợ dò bài. Ngoài giờ ôn trên lớp, các em còn được giáo viên bộ môn ôn trực tuyến”.
Kinh nghiệm của Trường THCS-THPT Mỹ Thuận khi ôn thi cho học sinh trung bình, yếu ngoài bồi dưỡng kiến thức là hỗ trợ, động viên tinh thần cho các em. Khi góp ý, động viên nhà trường sẽ góp ý riêng lẻ từng cá nhân nhẹ nhàng để các em nhìn nhận khuyết điểm, nỗ lực học tập.
Khi các em đạt được kết quả tốt, dù nhỏ cũng sẽ được nhà trường khen thưởng “thư khen” hay món quà nhỏ như gấu bông trước tập thể lớp/trường. Nhờ đó, học sinh giữ gìn nề nếp ôn tập, giữ vững sĩ số.
Tại Trường THPT Nguyễn Văn Thiệt (Mang Thít), trong năm học này có 210 học sinh lớp 12; trong đó, nhà trường xác định có 39 học sinh khối 12, tỷ lệ 18,57% có điểm trung bình học tập thấp, cần được tăng cường bồi dưỡng.
Theo thầy Trần Đắc Nghĩa- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Thiệt, những khó khăn của nhà trường hiện nay là: một số giáo viên phải ôn tập nhiều lớp dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng. Điển hình như chỉ có 1 giáo viên Giáo dục công dân nên giáo viên dạy đến 30 tiết/tuần.
Ý thức, động cơ học tập của một số học sinh còn thấp. Một số phụ huynh học sinh thiếu quan tâm đến việc học tập của con em, phó thác cho nhà trường.
Trên cơ sở những khó khăn, để đảm bảo chất lượng, Trường THPT Nguyễn Văn Thiệt đã xác định trọng tâm kiến thức ôn tập, mức độ cần đạt của học sinh so với năng lực thực tế của các em.
“Trên cơ sở kế hoạch từng môn thi, giáo viên bộ môn xây dựng kế hoạch rõ nội dung, phương pháp cho từng đối tượng học sinh.
Giáo viên tự thiết kế sổ ghi nhận quá trình ôn tập để: khen- thưởng cho học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ ôn tập trong tuần; chúng tôi xác định lấy khen thưởng động viên là chính”- thầy Nghĩa cho biết.
Cùng vào cuộc
Bên cạnh kế hoạch cụ thể, ôn thi cho học sinh lớp 12 với các trường là sự vào cuộc của tập thể, tất cả vì không để học sinh bị rớt lại phía sau.
Trường THCS-THPT Phú Quới (Long Hồ) có 9 lớp 12 với 339 học sinh; trong đó, có 112 học sinh dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển ĐH, CĐ. Để giảm áp lực, nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh chính thức trong 8 tuần.
Thời gian ôn tập bên cạnh buổi sáng hàng tuần, buổi chiều chỉ ôn tập 3 buổi, mỗi buổi 2 tiết. Thầy Nguyễn Tấn Long- Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phú Quới, cho biết: “Dựa trên tình hình giáo viên từng môn bên cạnh lực lượng cốt cán có kinh nghiệm ôn tập, còn có giáo viên trẻ chia sẻ”.
Không chỉ dựa trên tình hình học sinh để ôn tập, nhà trường còn dựa trên đặc điểm giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện kế hoạch ôn tập. “Tùy theo năng lực của mình, tất cả giáo viên cũng hỗ trợ ôn tập cho học sinh, từ giáo viên trực tiếp ôn tập đến giáo viên hỗ trợ công nghệ, đoàn thanh niên hay giáo viên THCS cũng hỗ trợ”- thầy Long nói thêm.
Trong khi đó, để giúp đỡ học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp, Trường THPT Phan Văn Đáng (Vũng Liêm) phân công lãnh đạo, đoàn thanh niên, giáo viên quản lý lớp ôn thi; chịu trách nhiệm kiểm dò bài cho những học sinh có nguy cơ thi dưới 5 điểm hoặc rớt tốt nghiệp và những học sinh ôn thi chính khóa buổi sáng chưa thuộc bài.
Ngoài ra, nhà trường còn phân công nhiệm vụ cụ thể để từng cá nhân có trách nhiệm và cùng phối hợp với nhau nhằm đảm bảo nề nếp và chất lượng ôn thi.
Cô Lê Thị Cẩm Loan- Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Đáng, cho hay: “Đoàn thanh niên sẽ đến từng lớp ôn thi điểm danh. Điện thoại về phụ huynh những trường hợp học sinh nghỉ không lý do để tìm hiểu nguyên nhân.
Đồng thời, nhắn tin ngay lên nhóm Zalo lớp 12 để lãnh đạo, giáo viên chủ nhiệm biết để phối hợp xử lý. Hàng ngày, hàng tuần giáo viên bộ môn dạy ôn thi nếu thấy học sinh có biểu hiện lơ là trong học tập sẽ báo ngay với hiệu trưởng để được chỉ đạo kịp thời”.
Nhìn chung, với nhiều giải pháp khác nhau, học sinh lớp 12 ở Vĩnh Long đã và đang được ôn tập theo hướng “bắt đúng mạch” từng học sinh. Tin rằng, với sự vào cuộc của tập thể sư phạm, sự nỗ lực của học sinh, các em sẽ phát huy hết năng lực của mình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Ôn thi tốt nghiệp THPT sao cho các em đạt kết quả cao nhất là mong muốn chung của tất cả các trường. Chính vì thế, công tác này cần có sự chung tay vào cuộc của không chỉ ban giám hiệu, giáo viên ôn tập, học sinh, cha mẹ học sinh mà còn có sự góp mặt của các đoàn thể trong trường, giáo viên dạy các cấp học, môn học khác cùng hỗ trợ. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN