Để dạy và học tốt môn Lịch sử

03:01, 09/01/2024

Lịch sử là môn có điểm thi tốt nghiệp THPT thường thấp hơn so với các môn thi khác. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tiến đến là chương trình giáo dục phổ thông 2018, trở thành môn học bắt buộc, Lịch sử càng giữ vai trò quan trọng hơn. Làm thế nào để dạy tốt, học tốt môn học này?

 

Học trải nghiệm tại các “địa chỉ đỏ”.
Học trải nghiệm tại các “địa chỉ đỏ”.

Lịch sử là môn có điểm thi tốt nghiệp THPT thường thấp hơn so với các môn thi khác. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tiến đến là chương trình giáo dục phổ thông 2018, trở thành môn học bắt buộc, Lịch sử càng giữ vai trò quan trọng hơn. Làm thế nào để dạy tốt, học tốt môn học này?

Chống điểm liệt, đảm bảo điểm trung bình
 
Trong 3 năm 2021-2023, điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử đã dần được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn là môn học trong top “đội sổ” so với các môn khác trong kỳ thi này. Do đó, việc chống điểm liệt và đảm bảo điểm trung bình môn này là vấn đề các trường và học sinh cần quan tâm.
 
Là giáo viên khá “mát tay”, trong ôn tập cho học sinh trung bình, yếu thầy Bùi Nhựt Khoa- Giáo viên Lịch sử, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Bình Tân, cho biết: “Với đối tượng học sinh tại trung tâm, tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên 5 điểm đạt 90,57%, cao hơn tỷ lệ của tỉnh là 5%. Tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trên 5 điểm đạt 87,69%, vượt tỷ lệ của tỉnh khoảng 3%”.
 
Kinh nghiệm của thầy Khoa là đặc biệt biên soạn tài liệu ôn thi phù hợp với học sinh đặc biệt là các học sinh có thể là bị điểm liệt. “Tài liệu ôn thi này phải ngắn gọn, cho các em dễ học, không quá tầm đối với các em. Ngoài ra, tôi cho các em học theo sơ đồ tư duy, bảng so sánh”- thầy Khoa chia sẻ.
 
Ví dụ như trong 3 chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh, học sinh hay bị nhầm lẫn. Để hạn chế lỗi này, thầy Khoa đã lập ra bảng giống và khác nhau về lực lượng, âm mưu và thủ đoạn, thắng lợi của ta để học sinh có thể hiểu và trả lời đúng câu hỏi.
 
Cùng với đó, đối với ngân hàng trắc nghiệm do hội đồng bộ môn tổng hợp, thầy Khoa cho các em học sinh làm quen và làm tốt các đề dựa trên đề tham khảo của Bộ GD-ĐT.
 
Bằng việc thành lập nhiều bảng so sánh, thầy Khoa đã giúp cho học sinh hiểu hơn nhớ lâu hơn và nhận biết “từ khóa” cần lưu ý. Ví dụ như những câu hỏi phủ định, câu hỏi về điểm khác biệt,... mà học sinh cần phải lưu ý. 
 
Bên cạnh đó, giáo viên cần ứng dụng công nghệ thông tin, cho học sinh giải các bộ đề trên điện thoại, dễ đối chiếu cho các em học sinh, khi máy làm bài xong sẽ có kết quả ngay. Song song đó, học sinh còn học theo các biện pháp truyền thống như trả lời trên bảng theo hình thức “Rung chuông vàng”.
 
Ngoài ra, trước mỗi giờ học, thầy Khoa gửi những video rất ngắn liên quan bài giảng vào nhóm Zalo học sinh, file bài giảng vào lớp để cho các em vào xem trước, kích thích sự tò mò tìm hiểu hơn khi các em vào bài học. Học sinh còn được ôn tập bằng cách học nhóm với những nhóm nhỏ, để các em được vui chơi và học tập, vẽ sơ đồ tư duy. “Tôi truyền cảm hứng, niềm tin cho các em học sinh, sử dụng triệt để lời khen để động viên, cổ vũ các em từ những thành tích nhỏ”- thầy Khoa nói.
 
Học tốt chương trình mới
 
Chương trình giáo dục phổ thông 2018- chương trình mới, Lịch sử trở thành môn bắt buộc. Theo thầy Tăng Xuân Khánh- giáo viên Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long): “Sách giáo khoa được thiết kế khoa học, sinh động. Nội dung chương trình có nhiều thời lượng dành cho học sinh thực hành, tìm hiểu khám phá...”.
 
Chia sẻ những khó khăn, thầy Khánh cho rằng: “Nội dung chương trình có nhiều kiến thức mới đòi hỏi giáo viên, học sinh nỗ lực học tập, khám phá mới có thể hiểu được. Các tiết thực hành lịch sử khó thực hiện có hiệu quả vì liên quan đến thực địa, tìm hiểu hiện vật và di tích lịch sử,… chủ yếu thầy trò chỉ có thể thực hiện trên lớp thông qua phương tiện máy móc hoặc học “chay””.
 
Chương trình môn Lịch sử chuyển từ tự chọn sang bắt buộc, từ 70 tiết xuống 52 tiết, ảnh hưởng phần nào đến sự liền mạch, gắn kết nội dung từng bài học, học sinh khó tiếp thu mạch kiến thức.
 
Để giải quyết những khó khăn này, thầy Khánh cho rằng: “Giáo viên nhiệt tình trong giảng dạy, chú trọng đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin là những vấn đề căn bản mà giáo viên Lịch sử cần lưu ý”. 
 
Soạn bài là bước đầu tiên và rất cần thiết cho việc đầu tư một tiết dạy. Giáo viên tự tin lên lớp khi có sự chuẩn bị, tất nhiên một bài soạn không thể áp dụng cho tất cả các lớp dạy vì tùy đối tượng mà người giáo viên sử dụng phương pháp nào cho phù hợp, cần mở rộng hay đi sâu ở vấn đề nào. 
 
Thầy Khánh chia sẻ: “Mỗi bài dạy, mỗi đơn vị kiến thức và mỗi đối tượng cần lựa chọn một phương pháp phù hợp, tức là phương pháp đó phải đem lại hiệu quả trong việc tiếp thu, giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất chứ không hình thức”. 
 
Sản phẩm làm việc nhóm.
Sản phẩm làm việc nhóm.
Tóm lại, nội dung mới thì bản thân người giáo viên không thể cứ “kiến thức cũ” và chỉ dựa vào kinh nghiệm đã có mà giảng dạy, phải liên tục cập nhật để đáp ứng yêu cầu mới, phù hợp với những thay đổi.
 
Lịch sử vừa là môn học giúp học sinh rèn luyện tư duy phân tích, đánh giá, nhận định vấn đề, vừa giúp các em bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc để có thể phát triển phẩm chất và năng lực một cách toàn diện. Giáo viên cần dạy môn Lịch sử như thế nào để học sinh có những tiết học sinh động, yêu thích môn Lịch sử và đạt chất lượng trong học tập và các kỳ thi.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Lịch sử “đội sổ” khi có 52,03% số thí sinh có điểm thi dưới trung bình. Lịch sử cũng là môn có số lượng thí sinh có điểm liệt nhiều nhất, với 540 thí sinh có điểm thi <= 1 điểm (chiếm 0,08%). Năm 2022, số thí sinh có điểm <= 1 là 83 em; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 127.557 em, chiếm 19.34%. Năm 2023, số thí sinh có điểm Lịch sử dưới trung bình là 170.237, chiếm 24,91%; có số thí sinh có điểm <= 1 điểm là 38 em.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh