Nhận thức, thể chế và nguồn lực để đổi mới giáo dục

04:12, 27/12/2023

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 (NQ 29) của BCH Trung ương Đảng, giáo dục và đào tạo (GD, ĐT) cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; đổi mới căn bản toàn diện.

 

Mô hình xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được triển khai tại Vĩnh Long đạt nhiều kết quả thiết thực.
Mô hình xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được triển khai tại Vĩnh Long đạt nhiều kết quả thiết thực.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 (NQ 29) của BCH Trung ương Đảng, giáo dục và đào tạo (GD, ĐT) cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; đổi mới căn bản toàn diện.

Bên cạnh đó, còn những thách thức đặt ra như: cơ sở vật chất, đội ngũ thực hiện chương trình GD phổ thông 2018,…; đó là những vấn đề được đặt ra trong hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện NQ 29, Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua.

Chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, NQ 29 đã tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân.

Chương trình GD mầm non phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một. Mô hình xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được triển khai ở hầu hết các cơ sở GD mầm non trong cả nước; mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số được triển khai ở hầu hết các tỉnh có đông trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình GD phổ thông 2018 nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo. Phương pháp GD phổ thông được đổi mới theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc điều chỉnh, vận dụng các hình thức, phương pháp dạy học tích cực đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp học sinh ngày càng tự tin, mạnh dạn, phù hợp với định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh tích lũy được kiến thức, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống.

Ở Vĩnh Long, hệ thống các trường mầm non, phổ thông đã rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp đảm bảo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu đến lớp của học sinh. Cơ sở vật chất, thiết bị GD, ĐT được đầu tư, trang cấp theo hướng hiện đại. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng, toàn tỉnh có hơn 66% cơ sở GD mầm non; phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tăng 43,43% so với năm 2013.

Theo bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực GD, ĐT cơ bản được hoàn thiện. Ngành GD đã rà soát, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khắc phục những hạn chế từ nhiều năm trước.

Đến nay, về cơ bản, các chủ trương của NQ 29 đã được tỉnh thể chế hóa và được cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực hiện. “Năm 2023, tỉnh Vĩnh Long được công nhận đạt phổ cập GD tiểu học mức độ 3, phổ cập GD THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2”- bà Trương Thanh Nhuận cho biết thêm.

Tiếp tục nỗ lực với chương trình mới

Đổi mới là quy luật tất yếu và GD, ĐT cũng đổi mới chương trình cho phù hợp để thực hiện tốt hơn nữa chương trình GD phổ thông 2018. Để thực hiện hiệu quả chương trình, cần khắc phục những hạn chế.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc thực hiện NQ 29 còn hạn chế. Cụ thể, một số nội dung của NQ chậm được thể chế; chính sách, pháp luật cho đổi mới GD, ĐT chưa hoàn thiện, đồng bộ.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD, ĐT còn hạn chế; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở GD, ĐT còn gặp nhiều khó khăn. Còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi; quy hoạch mạng lưới cơ sở GD ĐH chậm ban hành.

Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng GD nghề nghiệp và GD ĐH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Vĩnh Long cũng còn một số hạn chế, khó khăn về công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường, trách nhiệm còn chồng chéo; chưa phát huy tốt vai trò của hội đồng trường. Bên cạnh, bà Trương Thanh Nhuận cho biết thêm:

“Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Song song đó, quy hoạch mạng lưới cơ sở GD mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng trường nhiều điểm lẻ; thiếu đất cho xây dựng trường học để đảm bảo trường đạt chuẩn quốc gia”.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết NQ 29, ông Nguyễn Kim Sơn, mong toàn hệ thống chính trị, toàn ngành và xã hội tiếp tục làm tốt hơn nữa vì đổi mới GD đang đứng trước những thách thức mới: thách thức mô hình trường học mới không gian GD mới trong thời đại số, cần tăng cường thích ứng, xử lý vượt qua những thách thức mới. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh 3 vấn đề chính: nhận thức, thể chế và nguồn lực.

Để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng GD, ĐT, Bộ Chính trị đề ra những nhiệm vụ: Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quan điểm coi GD, ĐT là “quốc sách hàng đầu”.

Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về GD, ĐT còn thiếu hoặc chưa đồng bộ. Ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả chương trình GD mầm non mới với nội dung và phương pháp tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Tiếp tục phát triển GD nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh