Ngay sau khi Bộ GD-ĐT có đề nghị lùi lộ trình tăng học phí ĐH công lập năm học 2023-2024 theo Nghị định số 81, nhiều trường ĐH tự giữ ổn định mức thu trong năm học mới.
Lùi tăng học phí đại học là chính sách nhân văn, thể hiện vai trò giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. |
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT có đề nghị lùi lộ trình tăng học phí ĐH công lập năm học 2023-2024 theo Nghị định số 81, nhiều trường ĐH tự giữ ổn định mức thu trong năm học mới.
Không tăng học phí
Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; nếu áp dụng nghị định này thì năm học 2023-2024, mức trần học phí với ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên là 1,35-2,76 triệu đồng/tháng. Học phí này cao hơn rất nhiều so với mức thu năm học 2022-2023 là 980.000đ đến 1,43 triệu đồng. Đối với lộ trình lùi học phí, Bộ GD-ĐT đề nghị đối với trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng.
Năm học 2023-2024, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây không tăng học phí. TS Trương Công Bằng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, cho biết: “Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 5459 đưa ra dự thảo mức thu theo Nghị định 81 sẽ lùi lại 1 năm, chúng tôi đã xây dựng mức học phí tạm thu 1,25-1,45 triệu đồng/tháng”.
Về vấn đề học phí, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã hoàn thành thủ tục nhập học và thu học phí tân sinh viên. PGS.TS Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, chia sẻ: “Năm học 2023-2024, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long không tăng học phí mà chỉ thực hiện tạm thu theo Nghị định số 81, mỗi tín chỉ từ 380.000-525.000đ tùy theo lĩnh vực ngành nghề. Khi có quy định cụ thể, nhà trường sẽ thực hiện theo mức Chính phủ quy định. Nếu các em nộp rồi, thiếu thì bổ sung dư thì nhà trường trả lại cho các em”.
Mặc dù là trường tư thục, Trường ĐH Cửu Long xác định tình hình kinh tế đời sống người dân ở ĐBSCL khó khăn, trường vẫn giữ nguyên học phí như năm học trước, TS Nguyễn Thanh Dũng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết: “Trong năm học này, các nhà đầu tư, ban giám hiệu nhà trường quyết định vẫn giữ nguyên học phí như mọi năm nhằm tạo điều kiện cho nhiều học sinh vào giảng đường ĐH”.
Trong khi đó, một vài trường tăng nhẹ học phí, đảm bảo quy định về tăng lùi lộ trình; Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh có học phí chương trình đại trà năm học 2023-2024 là từ 693.000 đ/tín chỉ đến 712.000 đ/tín chỉ. Trong khi năm học trước, học phí chương trình đại trà từ 555.000 đ/tín chỉ đến 693.000 đ/tín chỉ.
Tại Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, đối với chương trình ĐH chính quy, học phí năm học 2023-2024 là 18,36 triệu đồng/năm/sinh viên, tăng hơn 3 triệu đồng so với các khóa trước. Với ĐH chính quy chương trình chất lượng cao, học phí là 36,85 triệu đồng/năm/sinh viên, tăng 10% so với năm học 2022-2023.
Nhiều chính sách ưu tiên
Bên cạnh đề nghị lùi học phí, Bộ GD-ĐT đề xuất giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục. Các trường ĐH không chỉ thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT, còn có những chính sách ưu tiên miễn, giảm học phí, học bổng khuyến học khuyến tài.
Trường ĐH Cửu Long thực hiện nhiều chính sách cho tân sinh viên. TS Nguyễn Thanh Dũng cho biết: “Về chính sách ưu đãi đối với sinh viên thuộc hộ nghèo và cận nghèo thì nhà trường quyết định giảm 50% học phí. Ngoài ra, các đối tượng khác như con em thương binh, liệt sĩ, con em gia đình cách mạng, nhà trường cũng giảm 50% học phí cho các em. Đối với người dân tộc thiểu số, con em giảng viên của trường cũng được giảm học phí khoảng 40%”.
Trong khi đó, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây có nhiều chính sách khuyến học, khuyến tài cho tân sinh viên. “Nhà trường tặng học bổng 600 triệu đồng hỗ trợ 10 sinh viên có điểm đầu vào trường cao nhất; đồng thời, hỗ trợ học phí 7 triệu đồng/sinh viên để các em học tiếng Anh theo năng lực châu Âu và công nghệ thông tin cơ bản. Đồng thời, miễn phí trọ ký túc xá”- TS Trương Công Bằng cho biết.
Nhiều trường đại học không tăng học phí nhằm tạo điều kiện cho tân sinh viên đến giảng đường. |
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng thực hiện chế độ miễn giảm học phí theo quy định của Bộ GD-ĐT; đồng thời, ngành sư phạm công nghệ của nhà trường đã giảm học phí và cấp sinh hoạt phí theo quy định Bộ GD-ĐT. “Khác với các trường khác, hàng năm nhà trường có chính sách bù học phí, Bộ Lao động-TB-XH đặt hàng cho trường, chọn từ 18-20% sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc miễn học phí và có học bổng”- PGS.TS Cao Hùng Phi cho biết.
Tăng học phí nhằm đảm bảo nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế. Dẫu vậy, từ năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề do đó Chính phủ giữ ổn định mức thu học phí đã không tăng trong 3 năm qua; cho nên lùi tăng học phí ĐH là chính sách nhân văn, thể hiện vai trò giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Bộ GD-ĐT có Công văn số 5459 ngày 2/10/2023 về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2023-2024. Trong đó, đối với học phí của cơ sở giáo dục ĐH công lập, lùi lộ trình học phí 1 năm so với lộ trình học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP; các quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập tiếp tục thực hiện. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN