Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư từ chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực của người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer, giáo dục ở vùng có nhiều đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long ngày càng được nâng cao.
|
Học sinh dân tộc Khmer được quan tâm, tạo điều kiện học tập. |
Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư từ chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực của người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer, giáo dục ở vùng có nhiều đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long ngày càng được nâng cao. Con đường đến trường rộng mở, ngày càng có nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể.
Từ cơ sở vật chất
Xác định mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội ở vùng tập trung đông đồng bào Khmer là nâng cao dân trí, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm, tăng cường đầu tư cho giáo dục- đào tạo.
Trước đây, Trường Mầm non Tân Mỹ (Trà Ôn) gặp nhiều khó khăn do thiếu phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, đồ dùng, trang thiết bị dạy học,... Hiện nay, Trường Mầm non Tân Mỹ đã được xây dựng khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất và các công trình phụ, đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho gần 400 trẻ và hơn 30 cán bộ, giáo viên học tập, giảng dạy.
|
Các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện học tập tốt. |
Chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ được nâng lên, thu hút trẻ đến trường ngày càng tăng. Mạng lưới, quy mô trường lớp từ mầm non đến THPT ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập với chất lượng ngày càng cao.
Là nhà giáo ưu tú có hơn 20 năm gắn bó với học sinh đồng bào dân tộc Khmer, cô Vinh Thị Cẩm Vân- giáo viên Trường Mầm non Tân Mỹ, nhớ về những ngày dạy học lớp ghép nhiều độ tuổi, lớp học đơn sơ, đường đến trường lầy lội.
“So với trước đây thì cơ sở vật chất nhà trường đã được trang bị đầy đủ từ phòng học đến đồ dùng thiết bị dạy học cho trẻ. Trường học đạt chuẩn quốc gia, sáng, xanh, sạch, đẹp. Đời sống giáo viên ngày càng được nâng lên, yên tâm hơn trong cuộc sống cũng như công tác”.
Từ năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Thạch Thia (Tam Bình) khang trang được đưa vào hoạt động; trường được xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa do Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long tài trợ. Với diện tích hơn 5.700m2 với tổng kinh phí xây dựng hơn 14 tỷ đồng, đáp ứng điều kiện chất lượng chuẩn quốc gia.
Ông Nguyễn Tấn Lực- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Thia, nói: “Hiện nay có 85,7% học sinh dân tộc Khmer đến học tập tại trường. Được sự quan tâm đầu tư phát triển thêm cơ sở vật chất trường lớp đảm bảo cho các em đủ điều kiện để học tập tốt, từ chỗ đó chất lượng giáo dục hàng năm của nhà trường tăng lên.
Tỷ lệ học sinh khen thưởng năm sau cao hơn năm trước 1-2%. Sĩ số học sinh mỗi năm đều phát triển, huy động trẻ đến trường hàng năm đều đạt 100%. Phụ huynh cũng quan tâm, đóng góp rất tích cực. Từ chỗ đó làm cho quý thầy cô nhà trường rất phấn khởi an tâm công tác”.
Đến chất lượng giáo dục
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, tỉnh Vĩnh Long còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dạy, người học ở vùng đồng bào Khmer.
Từ đó, tạo sự chuyển biến đáng kể về nhận thức của đồng bào Khmer trong việc nâng cao dân trí, ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no, phấn đấu phát triển kinh tế, chung tay cùng chính quyền các cấp làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào Khmer.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú được xem là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn vùng đồng bào Khmer trong tỉnh. Trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, hàng năm có trên 200 học sinh theo học, chất lượng khá- giỏi. Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%.
Chị Thạch Thị Mỹ Lệ- phụ huynh học sinh xã Loan Mỹ (Tam Bình), chia sẻ: “Tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi vì điều kiện đi học của con em chúng tôi rất thuận lợi. Trường học khang trang sạch sẽ, con em có trang thiết bị học tập tốt nhất, được tiếp cận với máy vi tính, được học tiếng Anh, được tham gia nhiều trò chơi giải trí. Con lớn đi học trường nội trú được lo chi phí ăn ở; con nhỏ đi học tiểu học, nhà trường còn có làm hồ bơi cho các em tập bơi riêng, con em chúng tôi ngày càng học tập tiến bộ”.
Bên cạnh đó, các chính sách về giáo dục cho đồng bào Khmer như hỗ trợ gạo cho học sinh, hỗ trợ chế độ học tập cho học sinh dân tộc nội trú, chế độ miễn giảm học phí, học bổng,... đã mở rộng con đường đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục cho bà con dân tộc Khmer.
|
Nhiều năm liền, Trường Phổ thông dân tộc nội trú có học sinh đậu tốt nghiệp 100%. |
Bà Vinh Thị Ngọc Trinh- Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mỹ, chia sẻ: “Trước đây tỷ lệ trẻ em dân tộc đến trường rất thấp. Nhưng sau khi được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cũng như chính quyền địa phương, hỗ trợ về cơ sở vật chất khá đầy đủ, kịp thời về chế độ chính sách cho trẻ em người dân tộc, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, phụ huynh cũng rất an tâm đưa trẻ đến trường, tỷ lệ trẻ đến trường đạt trên 90%”.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long ngày càng cao. Trẻ em được tạo mọi điều kiện tốt nhất để đến trường. Rồi những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Khmer tốt nghiệp trở về chung tay xây dựng phum sóc, trở thành động lực, niềm tin cho nhiều gia đình bà con Khmer cho con em học đến nơi đến chốn, cùng xây dựng quê hương.
Đến nay, mạng lưới trường lớp ở vùng đồng bào Khmer được kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 6.000 học sinh dân tộc Khmer đến trường. Các xã đông đồng bào Khmer sinh sống đều có trường mầm non, phổ thông. Môi trường học tập hiện đại, thân thiện. Tỷ lệ huy động học sinh dân tộc Khmer các cấp đạt trên 98%.
|
Bài, ảnh: CAO HUYỀN