Xác định tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp cho học sinh, ngay từ đầu năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT Vĩnh Long đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức thành lập các tổ tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Qua đó, các chương trình đã mở ra nhiều cách nhìn nhận mới… cho các em tiếp cận nghề, ngành, trường để chọn hướng đi phù hợp nhất.
|
Học sinh tham gia chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai”. |
Xác định tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp cho học sinh, ngay từ đầu năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT Vĩnh Long đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức thành lập các tổ tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Qua đó, các chương trình đã mở ra nhiều cách nhìn nhận mới… cho các em tiếp cận nghề, ngành, trường để chọn hướng đi phù hợp nhất.
Chọn nghề trước khi chọn ngành
Mới đây, Sở GD-ĐT Vĩnh Long phối hợp với tạp chí Giáo dục TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam- Bộ GD-ĐT, tổ chức chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” năm 2023. Chương trình này đến 25 trường THPT, với khoảng 10.000 học sinh tham gia.
Các chuyên gia trong chương trình đã hướng dẫn, chia sẻ về cách chọn ngành nghề, tâm lý học sinh, giải đáp thắc mắc cho các em. TS Lê Thị Thanh Mai- chuyên gia hướng nghiệp, nguyên Trưởng Ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, mở đầu buổi tư vấn với những gợi mở hữu ích cho học sinh về thứ tự chọn ngành nghề.
Theo đó, học sinh có 5 bước định hướng bản thân, một là chọn nghề yêu thích, thích làm nghề gì trong tương lai. Đó là nghề làm hoài không chán, có thể “sức đầu mẻ trán” với nó cũng chịu. Thứ hai là xác định ngành học, hay nói cách khác là học ngành nào để có thể làm nghề đã chọn.
Có đến 800 nghề tương ứng 8 lĩnh vực ngành; nghĩa là một ngành học có thể làm ở nhiều nghề khác nhau. Cùng một nghề có thể học các ngành khác nhau. Do vậy, học sinh hãy chọn ngành có tổ hợp xét tuyển phù hợp nhất trong những ngành có đầu ra là nghề đã chọn.
Bước thứ ba là chọn trình độ đào tạo phù hợp ví dụ như ĐH hoặc CĐ, xa hơn là sau ĐH; trình độ đào tạo phù hợp kinh tế gia đình, năng lực học của bản thân. Bước thứ tư theo cô Mai là chọn trường học, vì có rất nhiều trường đào tạo ngành nghề giống nhau. Hãy xem khung chương trình của ngành học trên trang thông tin từng trường để so sánh, hỏi thăm các anh chị đã học tại trường đó,… để đánh giá khách quan hơn.
Cuối cùng là lên kế hoạch cho bản thân cần nỗ lực như thế nào, trọng tâm ở đâu để thực hiện ước mơ đó.
Là học sinh đầu tiên đặt câu hỏi khi tham gia chương trình tư vấn, em Nguyễn Hoàng Phương (lớp 12T3, Trường THPT Vĩnh Long), chia sẻ: “Trước khi tham gia chương trình tư vấn em khá băn khoăn không biết nên chọn ngành nào, khi được thầy cô tư vấn, em tự tin hơn vì hiểu được một ngành có thể làm được nhiều nghề và biết thứ tự các bước để định vị bản thân”. Phương sẽ cố gắng học để học nhiều kiến thức để có thể đậu vào ngành mình thích, xét tuyển bằng cả hai phương thức là điểm thi và điểm trung bình học tập.
Qua các chương trình hướng nghiệp, đa số học sinh đã xác định được ngành nghề mình yêu thích.
Định hướng nghề nghiệp
Ngay từ đầu năm học các hoạt động tư vấn hướng nghiệp ở các trường phổ thông đã được triển khai với sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT. Đó là kế thừa những thành công của năm học trước, rút kinh nghiệm cho hoạt động tư vấn năm nay. Đồng thời, thầy cô còn tự tìm tòi, tìm hiểu kỹ những thông tin tuyển sinh để tư vấn cho học trò.
Tại Trường THPT Vĩnh Long, công tác tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt đối với học sinh lớp 12. Trường đã tạo điều kiện để học sinh tham quan trực tiếp, trải nghiệm, tìm hiểu những ngành nghề mà các em mong muốn trong thời gian tới.
Em Lê Nguyễn Thúy Hồng (học sinh lớp 12T1, Trường THPT Vĩnh Long) cho rằng: “Chương trình đã tư vấn rất nhiệt tình, em có hỏi về ngành quản trị kinh doanh khi những thầy cô ở đây đã tư vấn em không còn thắc mắc, băn khoăn gì. Em sẽ tập trung vào môn Toán, Lý, Hóa để xét tuyển, em cũng đã chọn được trường ĐH phù hợp cho ngành mình chọn”.
Có thể nói, qua các chương trình tư vấn hướng nghiệp, Sở GD-ĐT và các đơn vị đã cung cấp cho học sinh thông tin bổ ích, cần thiết để định vị bản thân, từ đó xác định được ngành, lĩnh vực, cơ sở đào tạo phù hợp.
Em Nguyễn Ngọc Dương (học sinh lớp 12, Trường THPT Phạm Hùng, huyện Long Hồ) cho hay: “Chương trình tư vấn hướng nghiệp sớm giúp em hiểu được nhiều ngành nghề, có thời gian tìm hiểu và thi. Quan trọng là sau khi học xong em muốn có việc làm giúp bản thân gia đình xã hội”.
Ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, đánh giá: “Có hơn 60% học sinh Vĩnh Long trúng tuyển vào các trường ĐH ở nguyện vọng 1, bình quân mỗi em hơn 2 nguyện vọng, điều này thể hiện được chất lượng các đợt tư vấn”. Tiếp nối những thành công đó, năm học 2023-2024 này, ông Ngoãn cho biết Sở GD-ĐT sẽ đồng hành cùng các đơn vị để tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp với sự tham gia của các chuyên gia đồng hành trong lĩnh vực tư vấn, tâm lý và các lĩnh vực đào tạo của các trường ĐH uy tín trong cả nước.
“Để chương trình thực sự đi vào chiều sâu, mang lại những thông tin hữu ích cho học sinh, ngoài tổ chức tư vấn, hướng nghiệp do Sở GD-ĐT tổ chức, chúng tôi mong các trường, trung tâm trong tỉnh tư vấn tuyển sinh riêng thông qua các nội dung hướng nghiệp, trải nghiệm và thông qua các giờ sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt tập thể, tham quan thực tế để học sinh chọn được hướng đi phù hợp nhất”- ông Ngoãn nói.
Sắp tới, Sở GD-ĐT Vĩnh Long phối hợp với các trường ĐH, CĐ, các đơn vị giáo dục tổ chức tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cho tất cả học sinh lớp 12 trong tỉnh. Mục tiêu của chương trình là trang bị cho học sinh những kiến thức kỹ năng lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực, thể chất, điều kiện kinh tế gia đình của các em. Chương trình sẽ được tổ chức trong quý I/2024.
|
Bài, ảnh: CAO HUYỀN