Nâng cao chất lượng giáo dục (GD) là mục tiêu nhiệm vụ hàng đầu, trong đó, nâng cao chất lượng GD mũi nhọn, hướng đến nâng chất toàn diện là bài toán khó với các cơ sở GD. Những năm gần đây, chất lượng GD THPT Vĩnh Long không ngừng củng cố và phát triển, tuy nhiên về chiều sâu là chất lượng GD mũi nhọn còn chưa đạt được kỳ vọng.
|
Giáo dục Vĩnh Long đang hướng đến đi vào chiều sâu. |
Nâng cao chất lượng giáo dục (GD) là mục tiêu nhiệm vụ hàng đầu, trong đó, nâng cao chất lượng GD mũi nhọn, hướng đến nâng chất toàn diện là bài toán khó với các cơ sở GD. Những năm gần đây, chất lượng GD THPT Vĩnh Long không ngừng củng cố và phát triển, tuy nhiên về chiều sâu là chất lượng GD mũi nhọn còn chưa đạt được kỳ vọng.
Thực trạng chất lượng giáo dục mũi nhọn
Đối với các trường THPT, đặc biệt là trường có nguồn tuyển sinh lớp 10 đầu vào không cao thì việc nâng cao chất lượng GD mũi nhọn không dễ dàng. Dù vậy, những năm qua, các đơn vị này vẫn có học sinh (HS) vào đội tuyển dự thi HS giỏi quốc gia và nhiều em đạt giải.
Trường THCS- THPT Đông Thành (TX Bình Minh) là ngôi trường mới, nguồn tuyển đầu vào lớp 10 không cao nhưng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều năm liền có HS được chọn vào đội tuyển ôn thi HS giỏi quốc gia. Chỉ tính riêng trong năm học 2022-2023, nhà trường có 19 HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh.
Trong đó, có 2 HS được vào đội tuyển cấp quốc gia. Đầu năm học 2023-2024, nhà trường có 1 giáo viên đạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa cấp tỉnh được dự thi toàn quốc và 1 HS vào đội tuyển cấp quốc gia, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên- nhi đồng toàn quốc.
Thầy Trần Hoàng Phong- Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Đông Thành, chia sẻ: “Do trường mới thành lập lực lượng cán bộ, giáo viên đa số còn trẻ, thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy và công tác bồi dưỡng HS giỏi. Bên cạnh đó, thì HS khá còn thiếu tự tin khi tham gia các cuộc thi; nguồn tài liệu chưa phong phú để phục vụ tốt cho công tác bồi dưỡng HS giỏi”.
|
Học sinh được tặng quà, động viên trước khi bước vào kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. |
Chia sẻ những băn khoăn về vấn đề này, giáo viên Trần Ngọc Ngân- Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long), cho rằng: “Đội ngũ giảng dạy là người phát hiện HS có năng khiếu, đam mê và vận động các em tham gia ôn tập và thi tuyển. Do đó, giáo viên phải gắn bó gần gũi với HS để phát hiện và tiếp thêm ngọn lửa đam mê khích lệ các em kiên trì nỗ lực, không vì khó mà bỏ giữa chừng”.
Trong đó, thiếu chế độ đãi ngộ xứng đáng, ít nhiều là một trong những nguyên nhân làm giáo viên tâm huyết dần “mất lửa” đối với công tác bồi dưỡng HS giỏi. Một số học sinh không mặn mà với việc thi tuyển HS giỏi các cấp bởi định hướng của các em là vào trường ĐH. Thế nên, nếu tập trung vào một môn để đạt giải thưởng cao của kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia sẽ khó khăn hơn việc tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH hàng năm.
Giải pháp đồng bộ
Là nơi tập trung hầu hết HS có những năng lực nổi bật nhất của tỉnh, nên ngoài những điểm giống với trường THPT khác, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có chức năng và nhiệm vụ chuyên biệt, đặc trưng. Đây không chỉ là nơi bồi dưỡng tri thức văn hóa, trau dồi nhân cách, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho HS mà còn là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài cho tỉnh và đất nước.
Cô Ngô Thanh Trúc- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Vĩnh Long) cho biết: “Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi THPT quốc gia thì phải có nguồn HS giỏi chất lượng từ THCS, tạo nguồn cho đội tuyển HS giỏi THPT”. Bên cạnh đó, cô Trúc cho rằng cần chính sách hỗ trợ khi các em tham gia ôn thi HS giỏi quốc gia.
Ngoài ra, cần có chính sách khen thưởng đủ mạnh cho HS và đội ngũ bồi dưỡng đạt giải trong các kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia, thi khoa học kỹ thuật quốc gia hàng năm. “Chế độ hỗ trợ tiền ăn hợp lý và chính sách tôn vinh đủ mạnh là các điều kiện vô cùng quan trọng”- cô Trúc chia sẻ.
Là ngôi trường vùng sâu, Trường THPT Hựu Thành (Trà ôn) đạt được những kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng GD mũi nhọn. Cô Huỳnh Ngọc Mỹ Xuyên- Hiệu trưởng Trường THPT Hựu Thành, cho hay: “Trường chúng tôi chỉ đạo tổ chuyên môn và giáo viên chủ nhiệm nắm thông tin HS giỏi đầu cấp thông qua kết quả thi HS giỏi, trước khi được vào đội tuyển của trường.
Trên cơ sở đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên bộ môn sẽ phát hiện những HS có năng lực đam mê và khuyến khích các em tham gia”. Cùng với đó, Trường THPT Hựu Thành huy động nguồn lực từ bên ngoài, ví dụ như là huy động phụ huynh HS, ban đại diện cha mẹ HS của trường, nhà hảo tâm và các tổ chức hội khuyến học các cấp hỗ trợ.
Có thể thấy, giải pháp căn cơ, cốt lõi nhất được nhiều giáo viên đề ra là phải có được cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp dành cho giáo viên, tham gia bồi dưỡng HS giỏi. Song song đó, để giải quyết nỗi lo của HS và phụ huynh khi các em vào đội tuyển HS dự thi HS giỏi quốc gia thì “các trường THPT cần có biện pháp tổ chức giảng dạy bổ sung kiến thức cho HS trước khi các em ôn thi HS giỏi quốc gia.
|
Cựu học sinh Trường THPT Hựu Thành được khen thưởng vì có thành tích cao trong kỳ thi tay nghề Asean và thế giới. |
Để làm được điều đó, phải sớm thành lập đội tuyển dự thi, giáo viên bộ môn theo dõi, nhắc nhở động viên các em thường xuyên ôn tập củng cố kiến thức đã học. Tạo được sự ổn định về tâm lý, hiệu quả học tập của các em sẽ được cải thiện và từ đó thì kết quả sẽ cao hơn”- cô Ngân góp ý.
Tóm lại, để nâng cao chất lượng HS giỏi quốc gia nói riêng và chất lượng GD mũi nhọn nói chung cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Từ tạo nguồn HS giỏi bậc THCS, sự đồng lòng của cha mẹ HS, HS, giáo viên. Đặc biệt, là chính sách thúc đẩy, hỗ trợ HS học tập, ôn luyện và giảm thiểu tối đa gánh nặng từ gia đình.
Ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng: “Nhiều năm qua, bên cạnh một số ít tỉnh giữ vững được thành tích thì số giải HS giỏi quốc gia của hầu hết các tỉnh còn lại hoặc là chưa cao hoặc thiếu ổn định dù sự đầu tư, nỗ lực của mỗi tỉnh là không nhỏ. Làm thế nào để đổi mới công tác quản lý, hoạt động dạy học, tiếp tục duy trì chất lượng hai mặt GD, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, từng bước ổn định và nâng dần chất lượng công tác GD mũi nhọn?… là trăn trở chung của nhiều tỉnh thành trong khu vực”.
|
Bài, ảnh: CAO HUYỀN