Trong buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn với giáo viên (GV) mầm non, phổ thông trong cả nước vừa qua, rất nhiều vấn đề được đặt ra. Trong đó, liên quan đến lương, phụ cấp, chế độ cho GV mầm non được nhiều người quan tâm. Cùng tốt nghiệp ĐH, GV mầm non có mức lương thấp hơn các cấp học khác, thời gian làm việc 10-12 tiếng/ngày, công việc áp lực,…
Cô giáo mầm non không chỉ mất nhiều thời gian trên lớp mà còn phải chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi theo chủ đề hàng tháng rất nhiều so với các cấp học khác. |
(VLO) Trong buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn với giáo viên (GV) mầm non, phổ thông trong cả nước vừa qua, rất nhiều vấn đề được đặt ra. Trong đó, liên quan đến lương, phụ cấp, chế độ cho GV mầm non được nhiều người quan tâm. Cùng tốt nghiệp ĐH, GV mầm non có mức lương thấp hơn các cấp học khác, thời gian làm việc 10-12 tiếng/ngày, công việc áp lực,…
Nỗi niềm cô giáo mầm non
Trong hơn 6.500 ý kiến gửi đến Bộ GD-ĐT thì có khoảng 2.000 ý kiến về chính sách, chế độ lương, phụ cấp GV,… Trong đó, đặc biệt là tình trạng GV mầm non từ Bắc đến Nam bỏ nghề vì lương thấp, áp lực
công việc,…
Ý kiến mở đầu của cô giáo mầm non tỉnh Điện Biên, Lê Thị Tuyết Hường về thời gian làm việc của GV mầm non theo quy định là 8 tiếng/ngày, thực tế GV mầm non phải làm việc từ 10-12 tiếng/ngày. Do đó, nhiều người không có thời gian chăm lo cho gia đình.
Những khó khăn khác của GV mầm non ở Điện Biên như đi làm xa không có nhà công vụ GV nghỉ lại tại trường, thiếu nước sạch; tuổi hưu chưa phù hợp, GV phải ăn ngủ tại điểm trường cả tháng trời, rất vất vả.
Cùng ý kiến, cô giáo Dương Thị Thanh Hồng (Hà Tĩnh) phân tích: “Xếp lương đối với GV mầm non theo quy định sau khi chuyển lương mới thì hệ số của GV mầm non hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của GV tiểu học hạng 3”. Cô Hồng ví dụ bản thân: “Cùng là GV hạng 2, bậc 5 nhưng GV mầm non có hệ số lương là 3,65; trong khi đó, GV tiểu học có hệ số lương 5,36”.
Cô Lý Thị Trinh Nguyên- GV mầm non huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cũng băn khoăn về lương chế độ ưu đãi GV mầm non còn thấp, thời gian làm việc từ tờ mờ sớm đến chiều tối. Công việc đặc thù, chăm sóc trẻ vốn đã áp lực, GV còn là người can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật, tự kỷ.
Theo các GV mầm non thì công việc này cũng là nghề nặng nhọc nên cần được nghỉ hưu ở tuổi 55. Đồng thời, phụ cấp ưu đãi 35% lương hiện nay còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Đặc biệt, đối với GV phải ở trọ đi dạy thì đời sống càng khó khăn hơn.
Tiếng lòng của đại diện GV các tỉnh chia sẻ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng là nỗi niềm của GV mầm non Vĩnh Long. 20 năm gắn bó với mầm non, cô Trương Thị Kim Thoa- Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ Thuận (Bình Tân), chia sẻ: “Từ năm 2020 đến nay, đã có 3 GV trong trường nghỉ việc.
Những lần ký đơn mà rớt nước mắt, vì các cô có hoàn cảnh khó khăn, lương không đủ sống, công việc lại quá áp lực nên không thể bám nghề”.
Cô Thoa phân tích với mức lương, dù vừa được tăng lương cơ sở như hiện nay, nhưng với GV mới ra trường khoảng 3,5 triệu/tháng, sau khi trừ bảo hiểm.
Với tiền lương này, GV độc thân đã khó khăn, không đủ cho sinh hoạt thường nhật như xăng xe, đám tiệc. Đó là chưa kể GV có gia đình, con nhỏ; GV khác huyện phải ở trọ đi làm,…
Gỡ khó cho giáo viên mầm non
Có thể nói, Nhà nước có rất nhiều chính sách ưu tiên với GV mầm non,… Tuy nhiên, cộng tất cả những chính sách đó thì lương GV mầm non vẫn thấp so mặt bằng thu nhập, so với công sức GV mầm non bỏ ra.
Nhiều giáo viên mầm non chia sẻ, dạy trẻ cũng là nghề nguy hiểm, có trẻ không chỉ quấy khóc, đánh bạn mà còn đánh, cắn cô giáo. |
Cô Kim Thoa kiến nghị: “Đảng và Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chế độ tiền lương cho GV mầm non. Xây nhà công vụ cho GV mầm non, tạo điều kiện để các GV mầm non nhà xa có chỗ ở ổn định, có thời gian nghỉ ngơi, tiết kiệm được chi phí di chuyển.
Miễn học phí cho con của GV mầm non, tạo động lực để các cô yên tâm bám nghề, bám lớp”. Đồng thời, cô Thoa cũng đề nghị không tăng tuổi hưu đối với GV mầm non.
“Trong trường tôi, cô giáo tuổi 55 thì các con kêu bằng “bà ngoại”, các con cũng không thích học với bà ngoại, thích cô giáo trẻ hơn”- cô Thoa chia sẻ thêm.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Riêng với các thầy cô giáo bậc mầm non, hôm nay bàn nhiều về khó khăn, vất vả. Khó khăn lớn, vất vả nhiều, thu nhập ít, thiệt thòi nhiều, những gì chúng ta đã nhìn thấy, đã trao đổi chắc chắn sẽ có giải pháp.
Bộ GD-ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ, dự kiến tăng ưu đãi phụ cấp cho GV mầm non lên 10% và tăng 5% cho GV tiểu học. Mức tăng này đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hy vọng việc tăng phụ cấp sẽ giúp bù đắp cho các GV”.
Liên quan tới tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị đưa đối tượng GV mầm non vào đối tượng nặng nhọc, để giữ nguyên tuổi hưu của nữ là 55 tuổi.
Bộ trưởng khẳng định sẽ kiên trì kiến nghị việc này, đồng thời kiến nghị giữ nguyên các chính sách để đảm bảo thu nhập, tránh sự thiệt thòi cho GV mầm non cao tuổi.
Trong thời gian tới, bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách. Theo Bộ trưởng thì hiện nay có tới hơn 200 chính sách “rải rác” trong các văn bản khác nhau từ các bộ, ngành, lượng chính sách lớn như vậy sẽ khó triển khai. Nhiều chính sách phải thông qua các bộ, ngành khác, không phải việc riêng của ngành.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho GV, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.
Bộ GD-ĐT đang làm mọi cách để chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành không dẫn đến việc gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục”.
Tin rằng, với sự quan tâm, sẻ chia, thấu hiểu của các nhà giáo từ Trung ương đến địa phương, ngành giáo dục sẽ tìm được tiếng nói chung phù hợp với điều kiện đất nước; để GV mầm non nói riêng và tiếp đó là đời sống 1,6 triệu GV cả nước nói chung được nâng lên, vì đó cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn xác định: “Phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp; nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành chúng ta. Lãnh đạo bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển, đổi mới lực lượng nhà giáo”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin