Môn Lịch sử- gần thi nên luyện giải đề mỗi ngày

08:06, 22/06/2023

Lịch sử là môn khiến nhiều học sinh lo lắng vì có nhiều con số, sự kiện, mốc thời gian,… Không ít học sinh không biết bắt đầu từ đâu khi ôn thi môn Lịch sử đặc biệt là những ngày cận thi tốt nghiệp THPT.

 

 

Cô Bùi Thị Mỹ Lệ. Ảnh: TL
Cô Bùi Thị Mỹ Lệ. Ảnh: TL

Lịch sử là môn khiến nhiều học sinh lo lắng vì có nhiều con số, sự kiện, mốc thời gian,… Không ít học sinh không biết bắt đầu từ đâu khi ôn thi môn Lịch sử đặc biệt là những ngày cận thi tốt nghiệp THPT.

Trông chờ vào vận may do thi trắc nghiệm là tâm lý của một số ít học sinh khi thi môn Lịch sử, đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến điểm liệt môn Lịch sử. Do đó, đánh bừa trắc nghiệm hay “sạ hàng” không phải là phương án khả thi.

Cô Bùi Thị Mỹ Lệ- Tổ phó Tổ Sử- Địa, Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) cho biết: So với đề tham khảo của Bộ GD-ĐT, môn Lịch sử năm nay nội dung đề thi vẫn tập trung trọng tâm vào kiến thức lịch sử lớp 12. Trong đó, kiến thức rơi nhiều nhất vào nội dung lịch sử Việt Nam từ 1919-1975, sau 1975 chỉ có 1 câu. Lớp 11 có 4 câu (năm 2022 có 3 câu) thuộc nội dung chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách kinh tế mới (NEP) và phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”.

Đề thi có 4 mức độ, theo cô Lệ thì câu hỏi mức độ nhận biết- thông hiểu là những kiến thức cơ bản, độ nhiễu không cao, học sinh dễ chọn được đáp án đúng. Câu hỏi thuộc phần vận dụng và vận dụng cao rải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ năm 1919-1975. Những câu hỏi vận dụng cao chủ yếu xoay quanh dạng bài so sánh liên hệ kiến thức lịch sử thế giới- lịch sử Việt Nam hoặc nhận xét cả giai đoạn lịch sử để tìm ra điểm đặc trưng sự kiện.

Do đó, để đạt điểm tốt môn Lịch sử học sinh không chỉ học bài thuộc lòng, mà còn đòi hỏi người học có tư duy logic, biết vận dụng kiến thức để thực hiện các phương pháp lựa chọn đúng nhất có thể. “Học, ôn và chốt kiến thức theo giai đoạn, thời kỳ lịch sử, theo chủ đề, chuyên đề để hiểu rõ và tránh nhầm lẫn”- cô Lệ khuyên.

Đây cũng là phần cô Lệ thấy học sinh thường nhầm lẫn và dễ mất điểm. Ví dụ, nhầm giữa chống Pháp và chống Mỹ; chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ,…

Còn theo kinh nghiệm của những học sinh điểm cao môn Lịch sử là học theo sách giáo khoa và đọc sách giáo khoa như đọc truyện. Ngoài ra, một số học sinh chọn môn Lịch sử để xét tuyển còn học bài theo kiểu vẽ biểu đồ tư duy theo từng bài học, sự kiện để dễ hiểu, dễ nhớ.

Trong thời điểm cận thi thì giải đề thi là việc nên làm, vì khi giải đề các em sẽ tiếp cận nhiều dạng câu hỏi và rèn luyện khả năng nhanh nhạy hơn khi làm bài thi.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh