Môn Ngữ văn: Không phải cứ viết dài là điểm cao

05:06, 16/06/2023

Ông Đỗ Ý Ly- Trưởng Phòng Giáo dục trung học- Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Vĩnh Long (ảnh), cho biết: "Đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm 2023 so với đề thi năm trước không khác mấy về cấu trúc, nhằm định hướng và bồi dưỡng kiến thức cho học sinh".

(VLO) Ông Đỗ Ý Ly- Trưởng Phòng Giáo dục trung học- Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Vĩnh Long (ảnh), cho biết: “Đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm 2023 so với đề thi năm trước không khác mấy về cấu trúc, nhằm định hướng và bồi dưỡng kiến thức cho học sinh”.

Chia sẻ về những phần thí sinh thường bị mất điểm, ông Đỗ Ý Ly cho biết: “Thí sinh thường không trả lời hết nội dung đề bài yêu cầu”.

Điển hình như ở phần đọc hiểu, phần thi theo mức độ tư duy, bày tỏ quan điểm là đồng ý hay không đồng ý, hay chỉ đồng ý một phần,… thì thí sinh quên khẳng định ý kiến của mình.

Trong khi đó, nội dung này rất quan trọng, có thang điểm riêng. Cũng trong phần này, khi giải thích vì sao thì thí sinh chưa có quan điểm rõ ràng, lòng vòng không rõ ý.

“Nội dung thứ hai thí sinh thường hay mất điểm đó là phần nghị luận xã hội; đó là quên đi vấn đề cần giải quyết và viết lan man, non ý.

Về phần thứ ba hay mất điểm đó là phần nghị luận văn học thì không xác định được những luận điểm cần phải làm sáng tỏ, cần phải làm rõ những vấn đề đặt ra và những yêu cầu phụ thì ít được các em quan tâm và quên trình bày”- ông Ý Ly chia sẻ.

Ví dụ đề yêu cầu phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị để thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác giả thì ngoài tập trung vào phân tích diễn biến tâm lý của nhân vật, thí sinh đặc biệt chú ý tư tưởng nhân đạo của tác giả.

Đối với nghị luận văn học, ông Ý Ly nhấn mạnh việc thể hiện rõ cái kết cấu của bài văn vì đảm bảo kết cấu có điểm riêng, một bài văn phải có mở bài, thân bài và kết luận.

Nếu viết bài văn thành một đoạn văn, không đảm bảo kết cấu thì sẽ mất 1/2 số điểm phần đó; ông Đỗ Ý Ly cho biết “phần nghị luận văn học 5 điểm”. Do đó, thí sinh cần đặc biệt lưu ý phải làm đủ cái kết cấu của bài.

Trong thời gian ôn tập, thí sinh được trang bị kiến thức kỹ năng, nắm được cấu trúc, định hướng cách làm bài. Bản thân học sinh phải tự nghiên cứu kỹ, phải đọc kỹ đề và trả lời rõ ràng chi tiết; lập dàn ý bài làm văn để tránh sót ý. Cùng với đó là bố trí thời gian làm bài phù hợp.

Về việc phân chia thời gian làm bài, ông Ý Ly cho rằng: “Nhìn vào điểm từng nội dung, tương ứng với thời gian các em đầu tư vào phần trả lời đó”.

Để làm được nhanh, hợp lý học sinh cần luyện tập giải đề đọc hiểu và viết thử đoạn văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học để khi thi thật thì các em sẽ quen và kiểm soát được thời gian”.

Bên cạnh đó, phần nghị luận văn học, tất cả ngữ liệu được thể hiện ở trên đề thi; ví dụ đoạn trích, đoạn văn đều được cho sẵn.

Dựa trên ngữ liệu này, thí sinh dùng kiến thức, kỹ năng sẽ làm tốt phần nghị luận văn học. Và muốn có điểm cao phải làm được các yêu cầu, đảm bảo kết cấu, cách diễn đạt, đủ ý; tránh viết sai lỗi chính tả quá nhiều.

Một số học sinh cho rằng, môn Ngữ văn viết càng dài điểm mới cao, ông Ý Ly khẳng định quan điểm này không chính xác.

Quan trọng là những yếu tố cơ bản, những kiến thức kỹ năng để giải quyết vấn đề đặt ra, phải sử dụng từ ngữ chắt lọc, chính xác. Bài dài hay không, không quan trọng nhưng chủ yếu là phải đủ ý. Bài ngắn mà rõ ràng vẫn đạt điểm cao.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh