Kỳ cuối: Nắm bắt thời cơ, ĐBSCL vươn lên cùng cả nước

09:04, 28/04/2023

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định rõ: "Đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. 

ĐBSCL cần nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành đem năng lực, trí tuệ phục vụ quê hương (ảnh minh họa).
ĐBSCL cần nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành đem năng lực, trí tuệ phục vụ quê hương (ảnh minh họa).

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định rõ: “Đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước: “Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước”.

Đáp lại sự kỳ vọng đó, tin rằng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh ĐSBCL sẽ phấn đấu vươn lên cùng cả nước. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là quyết liệt đào tạo (ĐT) nhân lực chất lượng cao, cán bộ quản lý, lãnh đạo “vừa hồng vừa chuyên”, có chuyên môn sâu, năng lực tốt, kỹ năng hội nhập quốc tế; cùng với đó là giữ gìn những nét đẹp văn hóa con người miền Tây hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức và kinh tế số của vùng và cả nước.

Quyết liệt đưa nghị quyết vào thực tiễn

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 18/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ.

Nghị quyết riêng về vùng là vận hội cho ĐBSCL phát triển đã được các địa phương tăng cường triển khai quán triệt trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Qua đó, có được sự đồng thuận cao, niềm tin và động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nghị quyết đề ra.

UBND thành phố Cần Thơ cũng đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 12/8/2022. Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, GD - ĐT, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Ngày 14/10/2022 UBND tỉnh Trà Vinh cũng đã ký ban hành Quyết định số 2013 về việc ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13. Trong đó, đề cập đến vấn đề tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tập trung ĐT nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

UBND tỉnh Bến Tre cũng đã có kế hoạch số 6894, ngày 27/10/2022 về việc thực hiện Nghị quyết số 78 của Chính phủ. Trong đó, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình phương pháp GD - ĐT theo hướng phát triển toàn diện con người đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Đầu tư mạng lưới trường lớp học các cấp theo hướng đồng bộ và đạt chuẩn quốc gia. Tham mưu, đề suất tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành và triển khai đề án thành lập Trường ĐH Tây Nam bộ là thành viên ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy Trường CĐ Bến Tre.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long – Lữ Quang Ngời đã ký Quyết định số 2668 ngày 20/12/2022. Với mục tiêu, khẩn trương triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng tầm tư duy và tạo quyết tâm cao của các ngành, các cấp về nhiệm vụ xây dựng và phát triển phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh và của vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, về phát triển nguồn nhân lực, Vĩnh Long sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; kết hợp giữa ĐT, phát triển nguồn nhân lực tại địa phương với thu hút nhân lực từ bên ngoài, nhất là nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đẩy mạnh công tác ĐT nghề, gắn với thị trường xuất khẩu lao động và xu hướng dịch chuyển lao động trong nông nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng. Chú trọng ĐT, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, đảm bảo thích ứng với điều kiện sản xuất mới, đảm bảo nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từng bước hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường ĐH, CĐ chất lượng cao, trọng điểm của vùng.

Tiếp tục hợp tác, kêu gọi đầu tư để nâng cao cơ sở vật chất, tạo tiền đề nâng cao chất lượng ĐT.
Tiếp tục hợp tác, kêu gọi đầu tư để nâng cao cơ sở vật chất, tạo tiền đề nâng cao chất lượng ĐT.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với GD – ĐT tỉnh nhà; luôn khẳng định GD - ĐT là quốc sách hàng đầu, là khâu rất quan trọng trong thực hiện các đột phá, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh.

“Cả nước vì ĐBSCL, ĐBSCL vì cả nước”

Chương trình hành động của Chính phủ, nội dung thứ 4 “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất văn hóa và tinh thần của nhân dân”. Cụ thể là, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa lịch sử, văn hóa sông nước, miệt vườn; văn hóa các dân tộc. Phát triển nguồn lực chất lượng cao, nguồn nhân lực số gắn với ứng dụng phát triển khoa học - công nghệ; đẩy mạnh công tác ĐT nghề, gắn với thị trường xuất khẩu lao động và xu hướng dịch chuyển lao động trong nông nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chú trọng ĐT nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, đảm bảo thích ứng với điều kiện sản xuất mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng.

Phát triển mạng lưới trường ĐH và mở rộng các trường CĐ, dạy nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên đầu tư, phát triển các trường ĐH, CĐ chất lượng cao, đa ngành, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp; chú trọng các ngành khoa học về y tế, kỹ thuật, công nghệ và kinh tế số. Phát triển TP Cần Thơ thành trung tâm GD - ĐT cấp quốc gia và vùng”.

Thực hiện sứ mệnh trở thành Trường ĐH trọng điểm của quốc gia, của vùng Trường ĐH Cần Thơ đang nỗ lực để đạt được những thành tựu cao hơn, góp sức ĐT nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL. GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Trường ĐH Cần Thơ cũng đang chuyển sang mô hình ĐH Cần Thơ với nhiều Trường chuyên ngành, Khoa và Viện nghiên cứu theo mô hình phổ biến của các Trường đa ngành trên thế giới. Đồng bộ với phát triển nguồn nhân lực giảng viên chất lượng và cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển của quốc gia và vùng, nhất là ĐBSCL”.

Trong tương lai gần vùng ĐBSCL phải đột phá chuyển đổi từ căn bản dựa vào vị thế địa lý của vùng như trong quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội đã phân tích. Thực tiễn đó, đòi hỏi nhân lực ở những ngành có chuyên môn chuyên sâu, ở mức độ trình độ cao hơn như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến nông, thủy sản, công nghệ sinh học, công nghệ xây dựng, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, …. Ngoài ra, phải tập trung đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực sức khỏe để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Nghiên cứu những quyết sách của Đảng, Nhà nước các cơ sở GD ĐH sẽ có hướng ĐT nhân lực phù hợp hơn. “Như vậy, thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, đòi hỏi nguồn lực lao động về lĩnh vực khoa học xây dựng cơ bản, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển… là vấn đề căn bản và còn là nhu cầu cần thiết” - PGS.TS. Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long chia sẻ thêm: “Câu hỏi đặt ra là “liều lượng” số lượng nhu cầu cụ thể từng lĩnh vực là bao nhiêu? Chất lượng thế nào? Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chiếm mất bao nhiêu thị phần lao động của vùng? Môi giới để cung ứng lao động ra sao sau khi sinh viên tốt nghiệp, … là vấn đề cần phải nghiên cứu thêm”.

Bên cạnh đó, ĐBSCL cần có cơ chế, chính sách tăng cường hoạt động đầu tư phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ, phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết hợp tác giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và nông nghiệp.

Nói tóm lại, ĐT nhân lực phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; với tiến bộ khoa học và công nghệ, phù hợp quy luật khách quan. Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa cở sở GD; giữa các vùng, miền. Bên cạnh nhiệm vụ ĐT nguồn nhân lực mới có trình độ khoa học, kỹ thuật chuyên môn cao thì vấn đề đạo đức tốt và thái độ, tinh thần dân tộc phải song hành. Cần phát triển một nền GD toàn diện ĐT ra nhân lực chất lượng cao “made in ĐBSCL” làm nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững cho ĐBSCL trong thời gian tới.

Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong chương trình hành động một cách đồng bộ, kịp thời, đúng tiến độ sẽ giúp ĐBSCL có bước phát triển đột phá, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đề ra.

Cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục truyền thống, đạo đức, văn hóa cho học sinh sinh viên.
Cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục truyền thống, đạo đức, văn hóa cho học sinh sinh viên.

Xin mượn lời phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết XIII để kết lại vấn đề này:

“Tôi tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng ĐBSCL nhất định sẽ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào "đồng khởi", khí phách anh hùng "thành đồng" Tổ quốc và phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người miền Tây; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là TP Hồ Chí Minh và toàn Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng ĐBSCL - Vùng đất 9 rồng theo tinh thần: Cả nước vì ĐBSCL; ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.

Tỉnh ủy Vĩnh Long có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức có phẩm chất năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ;.. Trong đó, chú trọng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang và ưu tiên phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.


Ông Hoàng Tuấn Lang – Giám đốc Khách sạn Vạn Phát Riverside Hotel & Restaurant (TP. Cần Thơ) cho rằng: “Kiến thức, kỹ năng và thái độ của sinh viên đều rất cần thiết. Các em có tâm làm việc, chúng tôi sẵn sàng chào đón đến thực tập và mong các cơ sở GD ĐH, Bộ GD – ĐT thay đổi thời gian thực tập được kéo dài hơn. Bởi vì, trong quá trình thực tập, học sinh sẽ được tiếp cận, cọ sát để học cách giải quyết các vấn đề phát sinh, kỹ năng trong công việc. Thêm vào đó, các trường cần đầu tư nhiều hơn về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên”.


Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị: Các địa phương vùng ĐBSCL phát huy các nguồn lực nội lực làm điểm tựa quyết định chất lượng GD - ĐT của địa phương. Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu về GD ĐT của từng địa phương, theo nghị quyết về chương trình mục tiêu quốc gia và chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025. Bên cạnh, đảm bảo bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho GD - ĐT bảo đảm tỷ lệ chi cho con người và chi cho hoạt động chuyên môn đạt tỷ lệ 81/19 theo Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh