Những nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển ĐBSCL trong thời gian qua thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vùng kinh tế này. Qua đó, tạo sự thống nhất, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành; động lực cho các địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ để ĐBSCL vươn lên góp sức dựng xây chủ nghĩa xã hội cùng cả nước.
Các tin liên quan |
Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân hiệu Vĩnh Long tổ chức Hội thảo về Nhân lực khu vực công ĐBSCL. |
Những nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển ĐBSCL trong thời gian qua thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vùng kinh tế này. Qua đó, tạo sự thống nhất, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành; động lực cho các địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ để ĐBSCL vươn lên góp sức dựng xây chủ nghĩa xã hội cùng cả nước.
Đây cũng là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, Người quan niệm “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Nói rộng hơn, đào tạo (ĐT) nhân lực khu vực công có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; năng động, sáng tạo để tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ; thích ứng với biến đổi khí hậu là người có đủ đức, tài là gốc của mọi công việc.
Đã đông nhưng chưa chuyên sâu
Phát biểu tại Hội nghị về phát triển nhân lực công ĐBSCL do Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch hành động đề ra, nguồn nhân lực khu vực công đã đủ và đạt chất lượng là yêu cầu cấp thiết.
Cần có đủ nguồn cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) cho các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau. Lực lượng này cần có năng lực tốt, nắm bắt và xử lý được yêu cầu công việc đồng thời, có năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh theo xu hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương như biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế hay nền kinh tế số”.
Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, đề án Vĩnh Long 100 (thuộc đề án MêKong 1000)… đã góp phần bổ sung nhiều CB trẻ, có trình độ, sáng tạo có khả năng đảm đương những trọng trách của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đã ĐT 8.060 CBCCVC đạt trình độ ĐH và trên ĐH, cấp huyện có 741 lượt CB lãnh đạo, quản lý được ĐT, bồi dưỡng và có 260 người có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Cấp tỉnh có 116 CB lãnh đạo, quản lý được ĐT, bồi dưỡng, trong đó 65 người tốt nghiệp trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Tính đến năm 2022, toàn tỉnh có trên 70% CB lãnh đạo, quản lý, trưởng, phó ngành tỉnh và cấp huyện có trình độ thạc sĩ trở lên.
Tại Tiền Giang, đến 6/2022 có 49 tiến sĩ, 1.555 thạc sĩ chiếm tỷ lệ là 8,9%, và gần 90,8% CB, công chức viên chức có trình độ ĐH. Ths. Nguyễn Đình Thông - Giám đốc Sở KH - ĐT tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Đội ngũ CBCCVC có vai trò đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”.
Triển khai các văn bản, nghị quyết của trung ương, Tiền Giang đã xây dựng đội ngũ CB các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Có 96,45% CBCC đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đối với CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có 99,67 % trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm.
Nhận xét về nhân lực công của Tiền Giang, ông Nguyễn Đình Thông cho rằng: “Điểm mạnh của tỉnh trong ĐT đội ngũ CBCCVC là đã được đổi mới toàn diện, CBCCVC trong tỉnh đã nhận thấy được vai trò quan trọng của công tác bồi dưỡng, ĐT và trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao.
Tỉnh đã thực hiện một số chính sách đãi ngộ và thu hút nhân lực. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế về số lượng CBCCVC đông nhưng lại thiếu CB đầu ngành có trình độ năng lực chuyên môn giỏi”. Ông Thông nói thêm: “Một số CBCCVC còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Nguồn kinh phí ĐT bồi dưỡng, năng lực ĐT bồi dưỡng của các cơ sở ĐT ở địa phương cũng còn hạn chế”.
So với các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL, Long An có lợi thế vì nằm cạnh trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước TP Hồ Chí Minh. Đội ngũ CBCC Long An có trình độ chuyên môn khá.
Kết quả ĐT nhân lực trong hệ thống chính trị Long An giai đoạn 2011 - 2020 ĐH là hơn 1.262 người, sau ĐH là 996 người. Trong đó, có 941 người sau ĐH ĐT trong nước và 55 người ĐT tại nước ngoài.
Đến năm 2022, 100 % CB của Long An có trình độ chuyên môn từ ĐH trở lên, trong đó, có 3 % có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ chiếm 29%. Trình độ chuyên môn của CCVC có 75 % CB có trình độ từ ĐH trở lên trong đó, thạc sĩ và tiến sĩ chiếm 5,03%.
TS. Mai Văn Nhiều - Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Long An xác định: “Khó khăn về nguồn nhân lực khu vực công của Long An là “Dù 100% có trình độ từ ĐH trở lên nhưng sau ĐH còn ít. Với CCVC thì còn đến 25% CCVC có trình độ dưới ĐH, sau ĐH rất thấp”.
Thách thức đặt ra với nhiều tỉnh ĐBSCL hiện nay là thiếu CB lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực; năng lực chưa đồng đều và nhiều CB thì thiếu tính chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn hạn chế.
Yêu cầu cấp thiết
Trước yêu cầu tinh gọn bộ máy, trước xu thế yêu cầu nhiệm vụ nhiều hơn, phức tạp hơn, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, công nghệ 4.0 tinh gọn bộ máy hiệu quả là thách thức không nhỏ đối với bộ máy nhà nước các cấp.
GS.TS Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Những nghị quyết của đảng là cơ sở chính trị quan trọng cho ra đời của các cơ chế, chính sách mới để khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh, bền vững toàn vùng và của địa phương trong vùng trong thời gian tới”.
Đồng thời ông Nguyễn Đông Phong xác định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và công nghiệp 4.0 việc ĐT nhân lực khu vực công dựa vào năm trụ cột: hoạch định và thực thi chính sách phát triển bền vững cho vùng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.
Triển khai thực hiện chiến lược phát triển vùng, tổ chức và quản lý điều hành các tổ chức công. Bên cạnh đó là quy hoạch và phát triển đô thị thông minh và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của vùng.
Cùng với đó, là khả năng hoạch định và thực thi các chính sách môi trường gắn với sự phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và tài nguyên nước; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Hoạch định chiến lược cạnh tranh, dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng - Viện trưởng Viện kinh tế xã hội TP Cần Thơ thì hai vấn đề đang bùng nổ hiện nay tại ĐBSCL là chuyển đổi số và logistics. Muốn thực hiện được chuyển đổi số thì người lao động phải qua đào tạo và sở hữu các kỹ năng chuyển đổi số thành thạo.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistis Việt Nam, hiện khu vực ĐBSCL chỉ có trên 1.400 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm trên 4% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp này chủ yếu là vừa và nhỏ chưa cung cấp được dịch vụ logistics tích hợp.
Hiện nay, Vĩnh Long đã xác định những ngành nghề cần nhân lực để có kế hoạch ĐT theo địa chỉ sử dụng, thu hút nhân lực. Điển hình như chính sách thu hút nhân lực ngành y tế; ĐT ngành nghề thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cần rà soát để thống kê và định hướng để có kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp vị trí việc làm. “ảnh minh họa” |
Cuối tháng 12/2022, có 61 thạc sĩ Vĩnh Long đã tốt nghiệp chuyên ngành biến đổi khí hậu và nông nghiệp nhiệt đới bền vững thuộc ngành Hệ thống nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ. ĐT nhân lực có chuyên môn sâu, thích ứng với nhu cầu của tỉnh để kịp thời thực hiện tốt công tác giúp việc, tham mưu, quản lý, hoạch định, … góp sức cho sự phát triển bền vững của địa phương.
GS.TS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Các nghị quyết phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian qua nhằm phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh, khả năng chống chịu và thích ứng biến đổi khí hậu; liên kết vùng và tham gia tích cực trong chuỗi các giá trị toàn cầu; xu hướng số hóa nền kinh tế và cách mạng công nghiệp 4.0; quy hoạch đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, số hóa quản lý tài nguyên môi trường và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.
Thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục quán triệt chủ trương phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao để ĐT, nâng cao chất lượng đội ngũ. Một số giải pháp được ông Thông đề cập như mở rộng liên kết với các cơ sở ĐT uy tín; các cơ sở ĐT ở địa phương cập nhật sự phát triển khoa học công nghệ vào chương trình ĐT.
Tranh thủ cơ chế, chính sách từ trung ương để hỗ trợ kinh phí ĐT, bồi dưỡng CB và thu hút CB đầu ngành có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi. Khi thực hiện tinh giản biên chế, Tiền Giang sẽ cơ cấu sắp xếp đội ngũ CBCCVC phù hợp vị trí việc làm, có khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ.
Trong khi đó, tỉnh Long An đã đưa ra những kế hoạch, chương trình ĐT nguồn nhân lực đến năm 2025 với các chỉ tiêu: 35% CBCC và 5% VC có trình độ thạc sĩ, tương đương khoảng 640 người và tiến sĩ là 20 người.
Hình tổng thể CB có trình độ ĐH trở lên ở các vùng miền trong cả nước. |
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều cho rằng, cần phải rà soát lại thực trạng CBCCVC và phân tích quá trình chuyển biến về cơ cấu trình độ, chuyên môn ít nhất là 10 năm/lần. Cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực, chú trọng chỉ tiêu phấn đấu trình độ chuyên môn đối với CBCCVC từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tạo dựng môi trường làm việc hiệu quả, thân thiện, tạo cơ hội cho CBCCVC đóng góp, thăng tiến, hoàn thiện, …Đó chính là giải pháp khuyến khích nguồn nhân lực khu vực công học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, phát huy vai trò và cống hiến.
Đặc biệt, trong công tác quy hoạch CB, cần được thực hiện từ sớm, xây dựng đội ngũ các cấp nhất là cấp chiến lược. CB lãnh đạo, quản lý phải là những người vừa hồng, vừa chuyên; có đầy đủ tâm, đức, tài. CB tốt sẽ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Tập trung xây dựng đội ngũ CB, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; có cơ chế lựa chọn, ĐT, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ CB dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra ba khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong đó, nhân lực là khâu đột phá thứ nhất trong ba khâu đột phá. Cụ thể: “Tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những sai lầm mà Người gọi là “những chứng bệnh”, trong đó phổ biến là căn bệnh biệt phái, cục bộ, địa phương, hẹp hòi: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực; Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Các SV mới ra trường sẽ rất khó khăn khi vào tiếp cận thị trường lao động, đa phần SV có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng, do đó nhà trường và các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ, tạo điều kiện để SV được đến trải nghiệm, thực tập tại doanh nghiệp từ sớm để xây dựng nền tảng kiến thức, kinh nghiệm vững chắc. Song song đó, Trường cần tham gia, liên kết với các hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ...để gắn kết nhiều hơn với doanh nghiệp, nắm được nhu cầu của thị trường, từ đó đào tạo hoặc giới thiệu nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp tuyển dụng”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin