Kỳ 3: Nâng tầm cơ sở giáo dục đại học, việc cần làm ngay

06:04, 26/04/2023

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục (GD) đại học (ĐH) đã góp phần cho hành trình phát triển GD – ĐT Đồng bằng sông Cửu Long (ĐSBCL) về nhân lực và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, quy mô các trường còn nhỏ lẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị để "học đi đôi với hành" còn nhiều khó khăn.

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục (GD) đại học (ĐH) đã góp phần cho hành trình phát triển GD – ĐT Đồng bằng sông Cửu Long (ĐSBCL) về nhân lực và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, quy mô các trường còn nhỏ lẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị để “học đi đôi với hành” còn nhiều khó khăn.

“Bắt mạch” những hạn chế trên tinh thần “phê và tự phê” để “kê toa” đúng cho cơ sở GD ĐH. Có thể nói, nếu phát triển ĐSBCL cần đột phá từ nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc nâng tầm các cơ sở GD ĐH là việc cần kíp để nâng chất nguồn nhân lực.

Để phát triển chất lượng, quy mô GD ĐH, cần sự nỗ lực nội tại của các cơ sở ĐT; cùng với đó là sự hỗ trợ của trung ương và địa phương về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách, chủ trương phù hợp.

Tăng cường hợp tác hợp tác với công ty trong nước và quốc tế để nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cơ hội trãi nghiệm và việc làm cho sinh viên.
Tăng cường hợp tác hợp tác với công ty trong nước và quốc tế để nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cơ hội trãi nghiệm và việc làm cho sinh viên.

“Bắt mạch” GD ĐH đồng bằng

Theo Bộ GD – ĐT đến năm 2020, số lượng cơ sở GD ĐH ở ĐBSCL là 21, dù có nhiều trường ĐH hơn nhưng đa số các trường có quy mô nhỏ, tỷ lệ sinh viên, giảng viên của vùng so với những vùng miền khác trong cả nước còn rất thấp.

Quy mô đào tạo sinh viên ĐH, CĐ vùng đạt gần 150.000 sinh viên. Tỷ lệ sinh viên so với dân số toàn vùng ĐBSCL chiếm 8,8%, chỉ cao hơn miền núi và Trung du Bắc bộ, Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, lực lượng giảng viên cơ hữu toàn vùng còn ít, gần 7.000 giảng viên/75.000 giảng viên trên cả nước, tiếp tục xếp thứ tư toàn quốc. Đáng quan tâm là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên của ĐBSCL là 18,7%, chỉ cao hơn Tây Nguyên 1,6% và thấp hơn trung bình chung cả nước 8,2%.

Điểm nghẽn của GD ĐH ĐBSCL hiện nay, theo GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ là “Số lượng các trường ĐH, CĐ tuy nhiều nhưng do mới thành lập hoặc chưa tạo được uy tín trong ĐT nên vẫn chưa thu hút được người học. Quy mô các trường còn nhỏ lẻ so với nguồn nhân lực cần ĐT và số lượng học sinh ở ĐBSCL”.

Thực trạng trình độ chuyên môn giảng viên của các trường hiện nay khó thể phát huy khả năng ĐT, không chỉ ảnh hưởng chất lượng mà còn quy mô. Vì theo quy định của Bộ GD - ĐT xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực đội ngũ.

Bên cạnh lực lượng giảng viên, không ít sinh viên chưa vững chuyên môn, khó bắt nhịp với công việc ngay khi ra trường. Ông Nguyễn Văn Phú – một cựu sinh viên cho biết: “Tôi phải học hỏi rất nhiều khi đi làm, thậm chí như học lại từ đầu. Vì cơ sở vật chất, trang thiết bị ở trường lạc hậu, không bắt kịp thực tế nên khác xa khi làm thực tế ở công ty. Trong khi đó, thời gian thực tập, thực hành tại doanh nghiệp, công ty thường gói gọn trong 2 tháng là quá ngắn để sinh viên học hỏi, làm quen”.

Trong bối cảnh nền kinh tế tăng cường hợp tác quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư nhưng không ít sinh viên hạn chế về kỹ năng tin học, ngoại ngữ.

TS. Trương Công Bằng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây nói: “Khó khăn trong các ĐT hiện nay của trường đó chính là trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên chưa đồng đều. Ngoài một số sinh viên có khả năng ngoại ngữ rất tốt, có khả năng giao tiếp tốt khi thực hiện chương trình trao đổi sinh viên với các trường nước ngoài; vẫn còn một số sinh viên trình độ ngoại ngữ chưa tốt, có nhiều bạn đã hoàn thành các môn học trong chương trình nhưng lại không có chứng chỉ Tiếng Anh để đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định – B1 – nên chưa thể tốt nghiệp”.

Để khái quát khách quan hơn về khả năng tin học, ngoại ngữ và vai trò của hai kỹ năng này đối với sinh viên ĐBSCL hiện nay; giữa tháng 4/2022, chúng tôi đã thực hiện một khảo sát “bỏ túi” ở 5 trường ĐH trong vùng, với hơn 500 sinh viên tham gia.

Kết quả, có đến 96,8% sinh viên chọn việc học tin học, ngoại ngữ tốt rất quan trọng/quan trọng với ngành học và cơ hội việc làm của mình khi ra trường. Tuy nhiên, theo kết quả thống kê trình độ ngoại ngữ theo khung năng lực Châu Âu thì có đến 47,2% chọn “không có”; 21,5% sinh viên có trình độ A1.

Về chứng chỉ Tin học thì có đến gần 90% đạt chứng chỉ tin học cơ bản, số ít còn lại chưa học, đang học và chỉ có 2,1% sinh viên có chứng chỉ tin học nâng cao.

Đặc biệt, chia sẻ về “bạn có tự tin với ngoại ngữ của mình khi giao tiếp với người nước ngoài không thì có đến 72% sinh viên trả lời là “không”; 16,5% tự tin trả lời “có” và 11,4% còn lại chọn ý kiến “khác”.

Trong bối cảnh đẩy mạnh kinh tế quốc tế hiện nay, trình độ ngoại ngữ, tin học của sinh viên là vấn đề đáng lo ngại, buộc các cơ sở giaó dục ĐH phải vào cuộc từ sớm. Vì thực tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp chậm hoặc không thể tốt nghiệp vì “nợ” chứng chỉ ngoại ngữ - điều kiện tối thiểu tốt nghiệp ĐH là B1.

Đó là chưa kể cùng là chứng chỉ ngoại ngữ nhưng nội hàm lại khác nhau rất xa. Trong đó, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ trong danh mục được công nhận bởi Bộ GD – ĐT đã được công nhận về chất lượng, đáng tin cậy. Ngoài ra, các trường ĐH khác cũng có chứng chỉ nội bộ và chất lượng không giống nhau.

Nâng tầm trường ĐH - việc cần làm ngay

Xét đến cùng, nền tảng của tiến bộ KHCN và đổi mới sáng tạo bắt nguồn từ lực lượng trí thức – và cơ sở GD ĐH là nơi đội ngũ trí thức được ĐT cho đất nước.

Thực tế chứng minh, các quốc gia càng vững mạnh thì hệ thống GD ĐH càng phát triển. Bên cạnh đó, GD ĐH còn là trung tâm nghiên cứu KHCN với những chuyên gia, những công trình khoa học chẳng những đóng góp cho chất lượng GD nhà trường mà còn góp phần quan trọng cho phát triển KHCN cả nước.

Nhận diện những khó khăn, GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ đề xuất: “Cần quy hoạch lại ngành nghề, trình độ ĐT theo hướng mỗi cơ sở ĐT tập trung ưu tiên phát triển một số ngành nghề nhất định có thế mạnh và tiềm năng về đội ngũ cán bộ, giảng viên, trang thiết bị; thực hiện ĐT một số ngành nghề mới mà vùng có nhu cầu tập trung đầu tư xây dựng và phát triển”.

Hạn chế về cơ sở vật chất của các cơ sở GD ĐT hiện nay do ngân sách đầu tư từ trung ương, hay từ chính quyền địa phương có hạn. Vì vậy, các trường rất cần sự quan tâm đầu tư của Bộ GD - ĐT và Chính phủ. Thông qua những cơ chế chính sách ưu tiên trong ĐT, tuyển sinh, hay tiếp cận các dự án trong và ngoài nước sẽ có tác động mạnh đến sự phát triển của GDĐH của ĐBSCL trong thời gian tới.

PGS.TS Lương Minh Cừ góp ý: “Chúng tôi cho rằng Chính phủ và Bộ GD - ĐT trong giai đoạn này vẫn cần có sự quan tâm về tạo cơ chế chính sách, tăng định mức đầu tư cho hoạt động GD - ĐT vùng ĐBSCL. Đối với Bộ Khoa học và công nghệ cần có cơ chế, chính sách tăng cường hoạt động đầu tư phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ, phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết hợp tác giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp”.

Đối với các cơ sở GD ngoài công lập thì việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, … càng khó khăn hơn. PGS.TS Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết:

“Là cơ sở giáo dục tư thục, tất cả hoạt động của trường dựa trên nguồn thu học phí, do đó việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư về cơ sở vật chất sẽ gặp rất nhiều khó khăn không như mong muốn. Nhà trường tăng cường hợp tác với các đơn vị, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng cường trang thiết bị, chuyển giao khoa học công nghệ”.

“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19/11/2018; Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học được ban hành, tự chủ đại học là một trong những vấn đề cốt lõi của giáo dục đại học công, đại học tư. Cho nên giữa công và tư trong thời điểm hiện nay cạnh tranh rất gay gắt” – PGS.TS Lương Minh Cừ nhận định.

Song song đó, ĐBSCL cần chính sách ưu đãi, đãi ngộ cho các sinh viên có kết quả học tập xuất sắc trở thành giảng viên cho các cơ sở ĐT nhân lực của vùng.

Đặc biệt, trong xu hướng phát triển của thế giới và tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì yêu cầu đội ngũ nhân lực qua ĐT, nhất là trình độ ĐH trở lên để tiếp cận được sự phát triển của KHCN.

Xác định vấn đề quan trọng nhất quyết định phần lớn chất lượng một cơ sở GD ĐH là lực lượng giảng viên, đặc biệt là giảng viên cơ hữu.

PGS.TS Cao Hùng Phi, cho rằng: “Để nâng cao chất lượng GD thì trước hết là phải nâng chất đội ngũ giảng viên. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long xem giảng viên là “xương sống”, nhân tố quyết định thành bại của trường. Trong 10 năm, đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã tăng gấp 3 lần. Đến nay, nhà trường có hơn 780 cán bộ, giảng viên, người lao động. Trong đó, có 18 phó giáo sư, tiến sĩ; 86 tiến sĩ và 555 thạc sĩ”.

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ ĐT nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ giảng viên cho các trường ĐH là một nhu cầu cấp thiết đối với phát triển GD ĐH ở ĐBSCL. Vì vậy, GDĐH của ĐBSCL đang cần sự trợ lực tiếp tục từ Bộ GD - ĐT và Chính phủ ưu tiên tham gia các chương trình/đề án để nhanh bắt kịp với GDĐH cả nước.

Các cơ sở giáo dục đưa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào chương trình học, đáp ứng nhu cầu nhân lực thời đại mới.
Các cơ sở giáo dục đưa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào chương trình học, đáp ứng nhu cầu nhân lực thời đại mới.

Với thực trạng hiện có, GDĐH của ĐBSCL cần phải có những sự chuyển dịch mạnh không chỉ trong nội bộ các trường hiện có mà cần sự góp sức của các trường ngoài khu vực, đồng bộ với chính sách hỗ trợ mạnh của Bộ GD - ĐT và Chính phủ mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển.

Góp ý về kế hoạch phát triển nhân lực cho vùng, GS.TS Hà Thanh Toàn đề nghị: “Cần phát triển đồng bộ với cơ cấu hợp lý hệ thống mạng lưới trường ĐH, CĐ nhằm ĐT nguồn nhân lực đủ về số lượng, có chất lượng và kỹ thuật, cơ cấu ngành, nghề và trình độ ĐT phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; chất lượng ĐT một số nghề đạt trình độ khu vực ASEAN và thế giới”.

PGS.TS Diệp Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho rằng: “Chất lượng nhân lực ĐT phải đáp ứng được quá trình dịch chuyển theo cuộc cách mạng 4.0. Vì vậy, GDĐH của vùng phải dịch chuyển không chỉ về ngành nghề ĐT, chất lượng người được ĐT và quy mô ĐT. Để thực hiện các định hướng này, trường ĐH cần hỗ trợ về cơ chế thúc đẩy phát triển các trường ĐH trong vùng”.

Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; ông Tùng đề xuất cần sửa đổi nghị định này theo hướng thuận lợi hơn cho các cơ sở ĐT để hội nhập quốc tế”.

Theo báo cáo của nhóm quản trị nhà nước kiêm cố vấn phát triển số của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, trong tổng số 430.000 nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của cả nước, những người từ ĐBSCL chỉ chiếm 5%. Điều này chưa tương xứng với tiềm năng dân số, khi dân số của vùng chiếm 17,7% dân số cả nước.


PGS.TS Diệp Thanh Tùng đề nghị: “Chính phủ và bộ ngành có liên quan tiếp tục xem xét đầu tư đối với các mô hình tự chủ hiệu quả. Bộ GD - ĐT tiếp tục có các chính sách hỗ trợ các cơ sở GD ĐH công lập thúc đẩy hiệu quả cơ chế tự chủ, gắn liền trách nhiệm giải trình”.


TS. Trương Công Bằng: Để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đã xây dựng lộ trình học Tiếng Anh cho sinh viên, ĐT Tiếng Anh miễn phí cho sinh viên đạt chuẩn, mở lớp học song ngữ Tiếng Anh. Đồng thời, bổ sung thêm chuẩn đầu ra là Tiếng Nhật, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các trại hè, các chương trình trao đổi sinh viên, mời giảng viên là người nước ngoài về trường làm việc, thực hiện chương trình trao đổi giảng viên.


Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Các SV mới ra trường sẽ rất khó khăn khi vào tiếp cận thị trường lao động, đa phần SV có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng, do đó nhà trường và các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ, tạo điều kiện để SV được đến trải nghiệm, thực tập tại doanh nghiệp từ sớm để xây dựng nền tảng kiến thức, kinh nghiệm vững chắc. Song song đó, Trường cần tham gia, liên kết với các hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ...để gắn kết nhiều hơn với doanh nghiệp, nắm được nhu cầu của thị trường, từ đó đào tạo hoặc giới thiệu nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp tuyển dụng”.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

>> Kỳ 4: Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khu vực công – gốc của mọi công việc

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh