Kỳ 2: "Bức tranh" nhân lực nhiều thách thức và vận hội cho đồng bằng

06:04, 25/04/2023

Dù đã thoát khỏi "vùng trũng" nhưng nguồn nhân lực ĐBSCL còn thiếu và yếu là một trong những nguyên nhân nội tại, trở ngại cho sự phát triển của vùng.

 

 

Các trường ĐH trong tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành đánh giá ngoài cơ sở ĐT, bên cạnh đó, nhiều chương trình ĐT đã được công nhận đạt chất lượng kiểm định.
Các trường ĐH trong tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành đánh giá ngoài cơ sở ĐT, bên cạnh đó, nhiều chương trình ĐT đã được công nhận đạt chất lượng kiểm định.

Dù đã thoát khỏi “vùng trũng” nhưng nguồn nhân lực ĐBSCL còn thiếu và yếu là một trong những nguyên nhân nội tại, trở ngại cho sự phát triển của vùng.

Nguồn nhân lực thiếu chuyên môn, kỹ năng chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng và góp sức cùng đất nước.

Nhiều quyết sách của Đảng và Nhà nước với các giải pháp để phát huy tiềm năng lợi thế vùng được triển khai thời gian qua thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với ĐBSCL.

Đây là cơ sở chính trị quan trọng, cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới để khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh bền vững toàn vùng.

Đây vừa là thời cơ vừa là vận hội vùng! Phải tranh thủ thời cơ, nhìn nhận đúng “điểm nghẽn”trước mắt về nguồn nhân lực để tháo gỡ kịp thời tìm ra “vận hội mới cho ĐBSCL vươn lên cùng cả nước.

Nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu

Mặc dù số lượng, quy mô cơ sở GD ĐH tăng trong 10 năm qua, song mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu được tiếp cận GDĐH của người dân. Đáng lưu ý, số sinh viên người dân tộc thiểu số/vạn dân chưa vượt quá 100, tỷ lệ này chưa bằng 1/2 so với tỷ lệ chung của cả nước.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI), ĐBSCL có khoảng 10 triệu lao động, tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua ĐT chỉ đạt 14,9% và tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ ĐH trở lên là 6,8%, thấp nhất cả nước.

Theo Bộ GD – ĐT vùng ĐBSCL đứng thứ tư trên toàn quốc về số lượng sinh viên ĐH, CĐ và số lượng học viên cao học, nghiên cứu sinh. Tỷ lệ sinh viên ĐH, CĐ chỉ đạt 8,8% vẫn còn một khoảng cách rất xa với vùng cao nhất trên toàn quốc là Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ 40,9%, vùng Đông Nam Bộ đứng thứ hai với tỷ lệ 30,2%. 

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy Vĩnh Long nhận định kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh thời gian qua còn những hạn chế: chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương và hội nhập quốc tế; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chính sách, tổ chức thực hiện các chương trình ĐT nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ĐT lao động kỹ thuật cao còn ít; nguồn nhân lực của ngành thông tin và truyền thông chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu chuyên gia và cán bộ có kinh nghiệm về an toàn thông tin; chất lượng nguồn lao động của tỉnh chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý ngành nghề ĐT chưa đa dạng, thiếu các ngành mang tính đột phá đón đầu, chất lượng ĐT chưa đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; chưa có cán bộ nghiên cứu đầu ngành, chuyên gia giỏi; việc ĐT cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ khoa học và công nghệ chưa có trình độ cao chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.

Hình biểu đồ so sánh các tỷ lệ sinh viên ở ĐBSCL so với tỷ lệ các vùng và cả nước.
Bểu đồ so sánh các tỷ lệ sinh viên ở ĐBSCL so với tỷ lệ các vùng và cả nước.

GS.TS Nguyễn Thanh Phương – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: “Mặt bằng học vấn, tỷ lệ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của vùng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, ... Đây là trở lực cho bước tạo đà tăng tốc và “cất cánh” trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đối với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL”.

“Có thể nói ĐBSCL không chỉ là vùng “trũng” nhất về tỷ lệ lao động qua ĐT mà còn là vùng trũng về lao động có trình độ ĐH” - ông Phương nhận đinh: “Sự thiếu hụt này có thể là do hệ thống GD ĐH của vùng chưa phát triển, khả năng chi trả cho học tập ĐH của người dân còn hạn chế, sự phân luồng trong GD sau trung học chưa tốt”.

Về quy mô học viên, sinh viên ở các cơ sở GD ĐH vùng ĐBSCL còn ít. Một phần do gánh nặng chi phí trong bối cảnh các trường ĐH tiến tới tự chủ, học phí ĐH ngày càng cao; một số sinh viên tốt nghiệp đi làm công nhân hoặc làm việc không đúng trình độ chuyên môn, … khiến một số phụ huynh không muốn con em học ĐH.

ĐBSCL có lượng vốn đầu tư nước ngoài tương đối thấp, số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ cần sử dụng lao động qua ĐT không nhiều. Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tính đến tháng 8/2021 các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có 1.825 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 33,5 tỷ USD, chiếm 8,4 % tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước và xếp thứ tư trong sáu vùng kinh tế của cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tỉnh ở khu vực ĐBSCL bị “chảy máu chất xám”, vì thiếu “đất” cho người tài.

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị, quy hoạch vùng ĐBSCL cần quan tâm ĐT nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển các lĩnh vực thế mạnh của vùng. Nhân lực cần được ĐT chuyên sâu, ngành nghề đáp ứng nhu cầu của ĐBSCL hiện tại và tương lai. Trong đó, công tác thống kê, dự báo rất quan trọng và đòi hỏi độ chính xác cao hơn.

Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau góp ý: “Để GD – ĐT của vùng đi lên phải đi tắt, đón đầu. Một là chất lượng đội ngũ cần được cải thiện; hai là cơ sở vật chất, đủ chuẩn, mang tính đặc thù riêng của vùng; ba là chuyển đổi số trong ngành phải thực chất, mạnh mẽ, giữ vai trò động lực, bức phá”.

Để đạt được những kỳ vọng theo định hướng của Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; từ Trung ương đến địa phương cần phải có các giải pháp và định hướng có tính đột phá cho ĐBSCL.

Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ lao động qua ĐT có trình độ từ sơ cấp trở lên của khu vực ĐBSCL là 13,6%, thấp hơn 10% so với toàn quốc và thấp nhất so với các khu vực khác. Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực khu vực ĐBSCL, nhất là nhân lực dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là cán bộ các ngành khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục. Đây là rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

“Con người- nguồn lực của mọi nguồn lực”

GD - ĐT là lĩnh vực quyết định sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Nếu như trước đây, việc đánh giá một quốc gia dựa trên tiêu chí tăng trưởng của nền kinh tế. Những thập niên gần đây, Liên hợp quốc khẳng định GD và khoa học là nền tảng, là trung tâm, là chìa khóa để thực hiện chiến lược phát triển bền vững.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Con đường duy nhất để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là phải phát triển GD - ĐT; nhằm nâng cao dân trí, ĐT nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng khẳng định phải: “Nâng cao, tạo sức chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng GD - ĐT”.

Trong 9 đột phá chiến lược của Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đột phá thứ nhất có liên quan đến con người – nguồn nhân lực “phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội – môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy "con người" làm trung tâm”.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải gắn liền với kinh tế tri thức và quá trình này diễn ra với tốc độ nhanh hay chậm, hiệu quả cao hay thấp là do quy định của nhiều yếu tố; trong đó, chú trọng ĐT nhân lực, có đức – có tài.

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vai trò của GD - ĐT trong việc hình thành, phát triển nhân cách con người, đến sự phát triển của quốc gia, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Và, con người là yếu tố cơ bản để phát triển đất nước. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định con người xã hội chủ nghĩa giữ vai trò là yếu tố cơ bản, là điều kiện tiên quyết: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những người xã hội chủ nghĩa”.

Hội nghị lần thứ 7 BCH TW khóa VII (1994) nêu quan điểm về CNH – HĐH trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam. Trong đó, khẳng định “Khơi dậy khát vọng dân tộc thịnh vượng, hùng cường, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững”.

Thực tế phát triển đất nước Việt Nam và các nước trên thế giới đã chứng minh, con người không chỉ là nguồn lực cơ bản mà là nguồn lực của mọi nguồn lực. Phát triển nguồn nhân lực được xem là một yếu tố có tính chiến lược then chốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng.

Điển hình là sự phát triển của Nhật Bản, đất nước có cơ cấu dân số già, nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm nhưng là cường quốc đứng thứ 3 trên thế giới. Bí quyết thành công của Nhật bản là phát triển nguồn lực con người với đầy đủ đức, tài. Đầu tư nguồn lực con người là kinh nghiệm không chỉ riêng Nhật Bản áp dụng, mà còn là bài học của Israel, Singapore, … có nền kinh tế và GD - ĐT phát triển, hỗ trợ song hành; minh chứng cho quan điểm GD - ĐT là nền tảng phát triển kinh tế ổn định, vững bền.

Mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn nhân lực của nước ta là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và tổ quốc.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo các cấp ở vùng ĐBSCL so với vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và trung bình cả nước.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo các cấp ở vùng ĐBSCL so với vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và trung bình cả nước.

Tại Hội nghị phát triển GD – ĐT vùng ĐBSCL vừa qua ở TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho hay: “Sẽ có kế hoạch hành động của ngành, trong đó có những đột phá về thể chế; rà soát chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, tài chính, đất đai trong GD. Bộ sẽ đề xuất đề tăng cường kiên cố hóa, đầu tư cơ sở vật chất; hỗ trợ phát triển GD ĐH, ĐT nhân lực cho vùng ĐBSCL, quan tâm GD vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Có thể nói, bức tranh toàn cảnh về thách thức cũng là thời cơ mới và vận hội mới của vùng ĐBSCL với các nội dung về quy hoạch vùng, kế hoạch thực hiện quy hoạch và nguồn lực thực hiện quy hoạch sao cho có hiệu quả nhất.

Vai trò của ĐT nhân lực, được thể hiện rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh; trong văn kiện đại hội Đảng ta qua các thời kỳ, vì “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Vì lẽ đó, “bắt mạch” cho nhân lực ĐBSCL để “kê toa” là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, GD có vai trò to lớn quyết định tương lai của dân tộc: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

>> Kỳ 3: Nâng tầm cơ sở giáo dục đại học, việc cần làm ngay

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh