Quyết liệt triển khai các nghị quyết, giải "bài toán" nhân lực cho ĐBSCL

05:04, 25/04/2023

Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng – an ninh.

 

Trường ĐH Cần Thơ có quy mô đào tạo lớn nhất khu vực ĐBSCL, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ nhiều ngành nghề.
Trường ĐH Cần Thơ có quy mô đào tạo lớn nhất khu vực ĐBSCL, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ nhiều ngành nghề.

Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng – an ninh.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng còn chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, … chưa phát triển xứng với tiềm năng, vị thế, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Không dừng lại ở đó, ĐBSCL đang đứng trước bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, mâu thuẫn với nhân lực đồng bằng còn mang tư tưởng tiểu nông, yếu về trình độ, kỹ năng hội nhập quốc tế.

Đảng ta đã xác định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là cách thức để Việt Nam sớm ra khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát triển. ĐBSCL là một bộ phận của cả nước, phát triển vùng là góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”.

Để thúc đẩy sự phát triển của ĐBSCL, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã triển khai, quán triệt nhiều chủ trương, chính sách riêng cho vùng. Trong đó, giáo dục – đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực quản lý, chất lượng cao làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL được xác định là khâu đột phá.

Trước thách thức lớn, những nghị quyết của Trung ương là thời cơ, các địa phương, ban ngành cần quyết liệt triển khai để ĐBSCL “đi tắt đón đầu”, biến khó khăn thành động lực để phát triển.

Kỳ 1: Nỗ lực phi thường thoát khỏi “vùng trũng”

Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: “Giáo dục – đào tạo của vùng ĐBSCL trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và sự quan tâm của toàn xã hội”. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định, “Từ giờ không nói ĐBSCL là vùng trũng giáo dục nữa, thậm chí còn có những điểm khả quan, đáng mừng”.

Cùng với niềm vui thoát khỏi “vùng trũng”, vấn đề cấp thiết của ĐBSCL hiện nay là nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; lao động qua đào tạo có chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng hội nhập, sáng tạo là nền tảng quan trọng cho ĐBSCL phát triển.

Tuy nhiên, vấn đề đào tạo nhân lực của vùng còn nhiều khó khăn cần nhìn nhận toàn diện, nhanh chóng triển khai các giải pháp phù hợp để ĐBSCL phát triển cùng cả nước.

 

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đạt giải cao qua các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đạt giải cao qua các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế.

Thoát “vùng trũng”

Vượt qua nhiều khó khăn, giáo dục – đào tạo vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2021 có một số chỉ số đạt mức trung bình và trên trung bình so với cả nước. Hệ thống mạng lưới trường học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông đã được xây dựng và phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Về giáo dục đại học, trước năm 2000, Trường ĐH Cần Thơ là trường ĐH duy nhất ở ĐBSCL. Xuất phát từ mong muốn nâng cao dân trí cho người dân ĐBSCL, từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển các trường ĐH. Trường ĐH Cửu Long và các trường ĐH khác như Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Trà Vinh; tiếp đó là sự nâng cấp của các trường cao đẳng lên ĐH như: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, … cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, thực hiện nhiệm vụ ĐT nhân lực cho khu vực và cả nước.

Thông tin từ Bộ GD - ĐT, sau 10 năm (2011 - 2020), quy mô đào tạo ĐH của vùng tăng hơn 100.000 sinh viên; từ 42.500 sinh viên lên gần 150.000 sinh viên. Đến năm 2020, số lượng cơ sở GD ĐH là 21, tăng 8 cơ sở. Trong đó, có 4 phân hiệu và 8 cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập. TP Cần Thơ có nhiều cơ sở giáo dục ĐH nhất với 5 trường ĐH và 1 phân hiệu ĐH, kế đến là Vĩnh Long có 3 trường ĐH và 1 phân hiệu ĐH.

Nói về những thành tựu của TP Cần Thơ về GD – ĐT, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: “Chất lượng đào tạo của các trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn thành phố tiếp tục được nâng cao; công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên được các cơ sở GD ĐH, GD nghề nghiệp chú trọng, góp phần quan trọng trong ĐT nguồn nhân lực của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL”.

Về GD ĐH, Vĩnh Long là địa phương có số lượng trường ĐH, CĐ xếp thứ 2 ở ĐBSCL. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh khẳng định: “Đào tạo nhân lực luôn là vấn đề được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long quan tâm, tạo điều kiện cho các trường phát triển. Những năm qua, công tác ĐT của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao về chất lượng gắn với nhu cầu của xã hội”.

Hiện nay, số sinh viên tỉnh Vĩnh Long theo học trên địa bàn khoảng 245 sinh viên/vạn dân, 100% sinh viên có trình độ ngoại ngữ theo khung 6 bậc Việt Nam và tương đương; sinh viên có việc làm ổn định đạt trên 80%.

Chất lượng GD được các cơ sở GD quan tâm; đến nay, 100% các trường ĐH ĐBSCL đều đã có đơn vị chuyên trách thực hiện công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng GD theo quy định. 100% trường đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá cơ sở GD. Trong đó, có 15 trường ĐH và 1 trường CĐSP đã được đánh giá ngoài và đều được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở GD. Có 9 trường ĐH với tổng số 50 chương trình ĐT được đánh giá ngoài và 50 chương trình này đều được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng GD.

Trong đó, Trường ĐH Cần Thơ có vai trò lớn nhất về quy mô tuyển sinh, số ngành/chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Với quy mô đào tạo hiện nay là 46.500 người học ở 21 chuyên ngành trình độ tiến sĩ, 51 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 117 chương trình đào tạo chuyên ngành trình độ đại học.

Năm 1966, Trường ĐH Cần Thơ được thành lập có 197 cán bộ, giảng viên và hơn 1.000 sinh viên. Đến nay, nhà trường đã có hơn 2.000 viên chức, người lao động. Trong đó, có hơn 1.000 cán bộ giảng dạy, tỷ lệ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ trở lên đạt 53%.

Mỗi năm, trường này cung cấp cho xã hội khoảng 10.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Theo GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: “Trường là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL và cả nước. Trường ĐH Cần Thơ đang chuyển sang mô hình ĐH Cần Thơ với nhiều trường chuyên ngành, khoa và viện nghiên cứu theo mô hình phổ biến của các trường đa ngành trên thế giới đồng bộ với phát triển nguồn nhân lực giảng viên chất lượng và cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển của quốc gia và vùng ĐBSCL”.

Nhìn chung, GD - ĐT của vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Đó là kết quả của quá trình nỗ lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GD, chính quyền địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội trong những năm vừa qua. Nhờ đó, GD – ĐT ĐBSCL khoát lên mình một diện mạo mới tươi sáng hơn, chất lượng hơn và kỳ vọng vào tương lai tươi sáng cho vùng trong thời gian tới.

Diện mạo mới

Những cơ chế, chính sách thúc đẩy đào tạo nhân lực cho cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đã giúp vùng tăng về số lượng trường ĐH, sinh viên; diện mạo các cơ sở GD vùng ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều trường có cơ sở vật chất khá.

Nghị quyết số 4-NQ/HNTW về tiếp tục đổi mới sự nghiệp GD - ĐT, trong đó khuyến khích mở các trường lớp dân lập góp phần vào nhiệm vụ ĐT nhân lực cả nước. Từ nghị quyết này, Trường ĐH Cửu Long được thành lập ngày 5/1/2000, sau 23 năm hình thành đã góp phần ĐT nhân lực cho ĐBSCL và cả nước. Trước nhất là tạo thuận lợi cho học sinh trong tỉnh Vĩnh Long đến giảng đường ĐH.

PGS.TS. Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: “Là trường ĐH tư thục đầu tiên ở ĐBSCL, trường ĐH đầu tiên trong tỉnh, nhà trường được các bộ ngành, lãnh đạo, ban ngành tỉnh hỗ trợ rất nhiều; nhà trường mới có được vị trí và khuôn viên hơn 22 ha ngày nay”.

Sinh viên Vĩnh Long được học tập trong môi trường khá tốt, có cơ hội giao lưu văn hóa với sinh viên các nước bạn.
Sinh viên Vĩnh Long được học tập trong môi trường khá tốt, có cơ hội giao lưu văn hóa với sinh viên các nước bạn.

Đáp lại sự quan tâm đó, Trường ĐH Cửu Long đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng ĐT, tăng cường hợp tác quốc tế để đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ giảng dạy. Trường ĐH Cửu Long hoàn thành đánh giá ngoài cơ sở giáo dục chu kỳ 2. Đồng thời, hoàn thành kiểm định cấp chương trình đạo tạo cho 10 chương trình đào tạo bậc ĐH và thạc sĩ.

Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Chương trình hành động số 09-Ctr/TU ngày 8/11/2011, về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Qua đó, mạng lưới ĐT được mở rộng, tỉnh có 1 trường ĐH, 5 trường CĐ, 3 trường TCCN, 2 trường TC Nghề. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, ĐT trình độ CĐ, ĐH cho gần 2.400 người, tăng 7 lần so cùng kỳ. Đặc biệt là đào tạo sau ĐH trên 1.000 người. Kết quả, Vĩnh Long có 100% số cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh, huyện có trình độ ĐH, cao cấp lý luận chính trị; hơn 95% số công chức cấp xã được đào tạo chuyên ngành đạt chuẩn.

Sau 10 năm được nâng cấp từ trường CĐ thành trường ĐH, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã khẳng định được chất lượng, uy tín với phụ huynh, học sinh, cơ quan, doanh nghiệp. PGS.TS Cao Hùng Phi – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long chia sẻ: “Nhiều năm nay, sinh viên đã khẳng định uy tín, thương hiệu của trường thông qua kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, khu vực và quốc tế mà các em tham dự. Chỉ tính riêng năm 2022, nhà trường có 3/10 đội đại diện Việt Nam tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới”.

Bên cạnh đó, những cơ sở giáo dục đại học mới đã đã khẳng định được sức trẻ của mình, phát triển nhanh. “Sau 17 năm được nâng cấp lên trường ĐH, Trường ĐH Trà Vinh có 13 chương trình ĐT hoàn thành đánh giá ngoài và được công nhận đạt chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA, tiêu chuẩn FIBAA và tiêu chuẩn ABET” – PGS.TS Diệp Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho biết.

Hiện nay, Trường ĐH Trà Vinh có quy mô 20.000 sinh viên, trong đó sinh viên chính quy người dân tộc Khmer gần 2.000 em đã góp phần ĐT nhân lực, giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Diệp Thanh Tùng thông tin: “Là trường duy nhất trong cả nước đào tạo nhóm ngành ngôn ngữ, văn hoá, nghệ thuật Khmer Nam Bộ; được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nhân lực về Ngôn ngữ – Văn hoá – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ”.

Mặc dù đã đạt chất lượng GD về nhiều mặt, nhưng nhìn nhận một cách toàn diện, GD - ĐT của vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều thách thức, nhiều khó khăn cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới.

Chương trình ban hành kèm theo Nghị quyết 78/NQ-CP đã đưa ra những mục tiêu cụ thể của ĐBSCL đến năm 2030 như sau: tỷ lệ lao động qua ĐT đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp đạt từ 75% – 80%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% - 2 %/năm. Cơ sở GD đạt chuẩn mầm non là 75 %, tiểu học 70 % và THPT là 90 %. Đạt 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ ĐH, 25 điều dưỡng viên/vạn dân.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

>> Kỳ 2: “Bức tranh” nhân lực nhiều thách thức và vận hội cho đồng bằng
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh