Nhìn lại chặng đường 48 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), giáo dục đào tạo Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "ai cũng được học hành".
|
Cơ sở vật chất trường học được củng cố theo hướng chuẩn hóa, tỷ lệ huy động trẻ ngày càng cao. |
Nhìn lại chặng đường 48 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), giáo dục đào tạo Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “ai cũng được học hành”.
Bên cạnh đó, Vĩnh Long là một tỉnh thuộc ĐBSCL đang đứng trước bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn, mặn; cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, đặt ra những thách thức cho giáo dục chuyên nghiệp cần đào tạo nguồn nhân lực có lòng yêu nước, trình độ, chuyên môn cao, có kỹ năng hội nhập quốc tế.
Giáo dục phổ thông “thay áo mới”
Theo “Lịch sử Giáo dục Vĩnh Long” 1732-2010, do TS Trương Thị Bé Hai- nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT chủ biên, khi tiếp nhận hệ thống giáo dục của chế độ cũ, tỉnh Vĩnh Long chỉ có 40 trường từ tiểu học, trung học đến trường kỹ thuật. Hệ thống trường lớp hạn chế, chưa đầy đủ, đặc biệt là các vùng nông thôn sâu, đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng, chưa đồng nhất về trình độ, tư tưởng, nhận thức.
Kế thừa nền giáo dục kháng chiến, có lực lượng cán bộ quản lý và một số giáo viên nòng cốt để tiếp quản, ổn định tình hình. NGND.TS Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Ngay từ năm 1968, khi cuộc chiến tranh còn diễn ra ác liệt, Đảng ta đã có tầm nhìn phát triển giáo dục, lớp lớp thanh niên được đào tạo từ chiến trường để phục vụ cho sự nghiệp trồng người. Trong chiến đấu, cả miền Tây có 500 cán bộ giáo viên kháng chiến, Vĩnh Long có Công tác khuyến khích người dân đi học, ham học đã có nhiều chuyển biến”.
Đến năm 1986, toàn tỉnh đã có 13 trường THPT, 60 trường THCS, 188 trường tiểu học và 44 trường mẫu giáo. Hệ thống trường lớp của tất cả cấp học rải đều trên địa bàn tỉnh để đảm bảo quyền lợi học tập cho tất cả học sinh, không để con em vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng thất học.
Công tác đào tạo giáo viên những năm tiếp theo được tập trung đầu tư, số lượng các lớp học, giáo viên đã qua đào tạo tăng lên đáng kể. Giáo viên phổ thông tăng từ 3.292 giáo viên năm học 1975-1976 lên 6.322 giáo viên vào năm học 1984-1985.
Vượt qua nhiều khó khăn, giáo dục phổ thông Vĩnh Long vươn lên cùng cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 410 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, mạng lưới và quy mô trường học các cấp được mở rộng khắp các địa bàn, đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết: “Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và nỗ lực cố gắng của toàn ngành, có thể thấy trong thời gian qua diện mạo của giáo dục đã có rất nhiều thay đổi. Nổi bật nhất là hệ thống trường lớp và cơ sở vật chất được rà soát sắp xếp lại hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường”.
Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long vận động nguồn lực xã hội hóa đầu tư một số trường rất khang trang, tạo điểm nhấn cho tỉnh. Gần đây nhất là Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự (Vũng Liêm) khánh thành nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Ngôi trường được xây dựng mới trên diện tích 1,2ha tại TT Vũng Liêm với đầy đủ phòng chức năng, trang thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia,… Dự án này do Trungnam Group tài trợ với tổng kinh phí xây dựng và đầu tư trang thiết bị khoảng 160 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà cho rằng: “Sự thay đổi về cơ sở vật chất đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi chất lượng giáo dục của tỉnh nhà và giúp cho ngành giáo dục thực hiện tốt mục tiêu đổi mới, nhất là với thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”.
Nâng cao dân trí
Bên cạnh đó, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục ĐH được quan tâm hơn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển ĐH, CĐ đạt 61,78%, tỉnh có 3 trường ĐH và 1 phân hiệu trường ĐH, 2 trường CĐ, công tác đào tạo của các trường từng bước được nâng cao về chất lượng gắn với nhu cầu của xã hội.
Sau 10 năm được nâng cấp từ trường CĐ thành trường ĐH, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã khẳng định được chất lượng, uy tín với phụ huynh, học sinh, cơ quan, doanh nghiệp.
PGS.TS Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, chia sẻ: “Nhiều năm nay, sinh viên đã khẳng định uy tín, thương hiệu của trường thông qua kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, khu vực và quốc tế mà các em tham dự. Chỉ tính riêng năm 2022, nhà trường có 3/10 đội đại diện Việt Nam tham dự kỳ thi kỹ năng nghề thế giới. Đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã tăng gấp 3 lần. Đến nay, nhà trường có hơn 780 cán bộ, giảng viên, người lao động. Trong đó, có 18 phó giáo sư, tiến sĩ; 86 tiến sĩ và 555 thạc sĩ”.
Trường ĐH Cửu Long, sau 23 năm hình thành đã góp phần đào tạo nhân lực cho ĐBSCL và cả nước. PGS.TS Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết: “Là trường ĐH tư thục đầu tiên ở ĐBSCL, trường ĐH đầu tiên trong tỉnh, nhà trường được các bộ ngành, lãnh đạo, ban ngành tỉnh hỗ trợ rất nhiều. Đến nay, nhà trường đã đào tạo trên 28.000 cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ”.
Trường ĐH Cửu Long đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế để đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ giảng dạy. Trường ĐH Cửu Long hoàn thành đánh giá ngoài cơ sở giáo dục chu kỳ 2. Đồng thời, hoàn thành kiểm định cấp chương trình đào tạo cho 10 chương trình đào tạo bậc ĐH và thạc sĩ.
Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đang nâng cấp khu B với tổng chi phí cho các giai đoạn đầu tư trên 400 tỷ đồng dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 6/2023. TS Trương Công Bằng- Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chương trình đào tạo luôn được cập nhật điều chỉnh theo sự phát triển và nhu cầu xã hội, cùng với đó cơ sở vật chất được đầu tư khang trang hiện đại đáp ứng cho nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho toàn trường”.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: “Giáo dục- đào tạo luôn là vấn đề được lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho các trường phát triển. Những năm qua, công tác đào tạo của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao về chất lượng gắn với nhu cầu của xã hội”.
Đội ngũ giáo viên tăng về số lượng và chất lượng, thường xuyên được tập huấn nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới giáo dục phổ thông. Toàn tỉnh hiện có hơn 15.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, với hơn 93% đạt chuẩn; trong đó, có 21,75% người trên chuẩn. Cơ sở vật chất trường học được củng cố theo hướng chuẩn hóa, đã xây dựng thay thế toàn bộ các điểm trường bằng tre lá và chuyển sang đầu tư xây dựng kiên cố, bán kiên cố đạt trên 99%. Việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đầu tư, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 48,85%.
|
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin