Câu chuyện chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT

11:08, 03/08/2022

Ngày càng có nhiều trường ĐH chọn phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập là phương thức tuyển sinh riêng. Nhìn vào điểm trung bình học bạ và điểm trung bình tốt nghiệp của từng địa phương mà Bộ GD- ĐT vừa công bố, có thể thấy được sự chênh lệch. 

Ngày càng có nhiều trường ĐH chọn phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập là phương thức tuyển sinh riêng. Nhìn vào điểm trung bình học bạ và điểm trung bình tốt nghiệp của từng địa phương mà Bộ GD- ĐT vừa công bố, có thể thấy được sự chênh lệch. Chỉ tính riêng môn Tiếng Anh cả nước, điểm trung bình học bạ lớn hơn trung bình điểm thi môn này đến 1,247 điểm.

Xét về tính khách quan, kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích là kiểm tra đánh giá kết quả dạy và học của cả nước, học sinh thi đề chung và thực hiện chuẩn chung của cả nước. Trong khi đó, kết quả học tập bậc THPT là quá trình dạy học ở các trường phổ thông cụ thể, ở những địa phương cụ thể, cho nên chuẩn đặt ra cũng khác nhau ở các trường. Kết quả học tập được xét dựa trên những thang đo chủ yếu là do giáo viên bộ môn đặt ra, do đó tính chủ quan ít nhiều khó tránh khỏi.

Đó là lý do một số trường ĐH khi tuyển sinh bằng học bạ thì điểm chuẩn rất cao, có những trường điểm chuẩn lên đến hơn 29 điểm trên 3 môn. Tuy nhiên, cũng có một số trường tuyển sinh bằng xét điểm học bạ khá nhiều chỉ tiêu nên điểm chuẩn không cao. Do đó, khi tuyển sinh bằng kết quả thi THPT, cơ hội trúng tuyển của thí sinh ít hơn và điểm chuẩn vì vậy mà cao hơn.

Tôi là một trong những học sinh tốt nghiệp THPT trước năm 2014, khi mà điểm thi tốt nghiệp THPT được tính bằng tổng điểm các bài thi cộng tổng điểm khuyến khích (nếu có) chia cho tổng số môn thi. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp không nhiều như hiện nay. Số học sinh giỏi của lớp không đủ để đếm hết các ngón tay. Khi điểm thi tốt nghiệp THPT được tính cùng điểm học tập theo tỷ lệ 50/50 hay 70/30 như hiện nay, học sinh giỏi nhiều hơn hẳn. Cũng không thể vơ đũa cả nắm vì nhiều trường học thật thi thật, điều này làm nên uy tín của một ngôi trường phổ thông hay ĐH.

Tuyển sinh đa phương thức là một việc làm hay, tuy nhiên các trường nên cân nhắc tỷ lệ chỉ tiêu thích hợp, các tiêu chí phụ nhằm hạn chế tiêu cực. Thực tế, điểm thi THPT cũng không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng sinh viên khi các bạn học hay ra trường; quan trọng là các bạn có thật sự đam mê ngành học của mình lựa chọn; thực sự nỗ lực để hoàn thành chương trình học.

Suy cho cùng các trường ĐH sẽ là nơi đào tạo sinh viên, các trường muốn có thương hiệu, tạo được lòng tin cho xã hội sẽ tăng về chất trong tuyển sinh, đó là quy luật tự nhiên. Tuyển sinh bằng phương thức nào, tỷ lệ bao nhiêu, đào tạo như thế nào… là bài toán của các trường.

VĨNH PHÚC

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh